Lương hưu; lương công chức, viên chức tăng 8%
Theo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua chiều 10.11, từ ngày 1.1.2015 sẽ điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.
Việc tăng lương sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng, trong đó có cán bộ hưu trí. Ảnh: IT
Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.
Đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.
Theo nghị quyết, sẽ tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Về điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, Quốc hội không cho phép ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công, giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài...
Sự nỗ lực của Chính phủ
Với việc tăng lương từ ngày 1.1.2015 cho 3 nhóm đối tượng, theo tính toán sẽ có khoảng 6,3 triệu người được hưởng. Mức lương được điều chỉnh tăng 8%, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Bộ Tài chính tính toán, nhu cầu kinh phí tăng thêm để tăng lương năm 2015 khoảng 11.100 tỷ đồng.
Trao đổi với NTNN về quyết định tăng lương, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Việc Quốc hội chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng lương cho 3 đối tượng là hết sức cần thiết. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì việc quyết định tăng lương, dù chỉ là 8% cũng là một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận. “Tăng lương là công việc đại sự của đất nước. Dù khó khăn cũng nên bố trí ngân sách để làm từng bước. Nếu làm không được, làm chưa triệt để thì không thể khơi thông tâm lý đồng thuận trong người dân, đặc biệt không có nguồn lực để tái sản xuất sức lao động cho xã hội” – ông Lợi nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: Đây sẽ là niềm vui rất lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, đặc biệt là đối tượng người về hưu và đối tượng người có công. “Việc Chính phủ chi 11.100 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu tăng lương, theo đánh giá của tôi, là quyết định kịp thời”- đại biểu Cương nhận xét.
Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Nếu chúng ta siết chặt chi, đặc biệt là những khoản chi không cần thiết như nghị quyết dự toán ngân sách, thì việc tăng lương đối với ba đối tượng là không có gì khó khăn.
Ông Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng bày tỏ sự hoan nghênh với quyết định tăng lương thêm 8%. Ông Lịch lấy ví dụ, có những cấp dưới của ông, nếu lương tối thiểu tăng 100.000 đồng/bậc thì mỗi tháng số tiền được lĩnh thêm chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng đây thực sự là nguồn động viên cho những người làm công ăn lương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.