Anh Phan Văn Tuân (dân tộc Nùng) là 1 trong những nông dân trẻ khởi nghiệp thành công ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì. Hiện anh Tuân đang đầu tư trang trại nuôi gà khép kín với quy mô hàng nghìn con gà giống và gà thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Tuân cho biết: Nhận thấy lợi thế đất đồi rừng ở địa phương rất tốt cho việc chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, anh đã tìm đến các tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình để học tập kinh nghiệm nuôi và cách triển khai mô hình theo quy trình khép kín.
Sau khi đi thực tế về và nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương hoàn toàn có thể áp dụng triển khai tốt, nhưng cái khó là thiếu vốn để đầu tư mô hình.
Thông qua Hội Nông dân tín chấp, anh Tuân được Ngân hàng CSXH vay gần 200 triệu đồng để đầu tư mô hình. Có vốn, anh Tuân bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại, nhà kho để nuôi gà…
Lứa đầu tiên anh mua 2.000 con gà giống Lạc Thủy về nuôi. Thời điểm đó, mỗi con giống có giá 18.000 đồng. Lo ngại về độ an toàn dịch bệnh của đàn gà, anh Tuân đã mạnh dạn viết thư tham gia chương trình Khởi nghiệp của VTC16 và nhận được sự trợ giúp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia chương trình.
Lứa gà đầu tiên của anh lớn nhanh, trừ chi phí, anh thu về được hơn 90 triệu đồng.
Khởi nghiệp ban đầu thành công, anh Tuân tính đến việc vận động người dân liên kết sản xuất để tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Tuân làm cơm mời 20 hộ dân tham dự và bàn chuyện thành lập HTX cùng mình, nhưng chỉ duy nhất một hộ tham gia.
"Đó cũng là con số tuyệt vời với tôi lúc đó. Ít nhất mình có cơ hội và hiểu rằng mình không đơn độc" - anh Tuân nói.
Để thuyết phục được người dân, anh Tuân lại đến từng nhà, phân tích về lợi ích của việc sản xuất theo mô hình HTX với chuỗi gà đồi sạch. Nói đi đôi với thực hành, anh dẫn mọi người lên xem mô hình chăn nuôi gà của gia đình và cam kết sẽ truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ về kỹ thuật, chịu trách nhiệm nhập con giống, thức ăn…
Chính từ sự kiên trì vận động của anh, đến tháng 9/2016, HTX mang tên Trần Phú được thành lập và là HTX đầu tiên của xã Hảo Nghĩa, với 9 thành viên do anh Tuân làm giám đốc.
Anh Tuân chia sẻ: Sau 3 năm triển khai đầu tư mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi với số tiền quay vòng vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ đồng, đến nay toàn bộ trang trại đã xây dựng được 6 khu chăn nuôi riêng biệt, với quy mô trung bình khoảng một vạn rưỡi con/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Mô hình này cũng thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 người, với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Trao cơ hội làm giàu cho nông dân trẻ
Khi mô hình đã đi vào hoạt động ổn định và có thu nhập khá, anh Tuân lại xin chính quyền địa phương thẩm định, cấp phép xây dựng lò giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2019, mô hình trang trại của anh đã được chuỗi siêu thị BigC bước đầu ký kết bao tiêu sản phẩm gà sạch với số lượng khoảng 15 tấn gà thịt/năm.
"Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự "tiếp sức" của Ngân hàng CSXH huyện Na Rì. Ngân hàng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi triển khai mô hình nuôi gà đồi sạch đạt hiệu quả kinh tế cao".
Giám đốc HTX Phan Văn Tuân
"Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự "tiếp sức" của Ngân hàng CSXH huyện Na Rì. Ngân hàng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi triển khai mô hình" - anh Tuân bày tỏ.
Khác với "giám đốc nông dân Tuân gà", anh Nguyễn Văn Tuấn (ở thôn Pò Nim, xã Cường Lợi) lại khởi nghiệp với xưởng chế tạo máy nông nghiệp đa chức năng.
Anh Tuấn cho biết: Có tay nghề sửa chữa xe máy, cộng với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn giúp đỡ nông dân, anh Tuấn đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp giá thành rẻ, hiệu suất cao. Máy có 8 chức năng, gồm: Cào cỏ, cuốc xới đất; làm phẳng mặt đất sau khi cuốc, xới đất ruộng, đất bãi; tự đánh rãnh, tra ngô, tra lân, vùi lấp đất; vun ngô; bơm phun áp lực cao; phát điện thắp sáng; thùng kéo; bơm nước tưới tiêu.
Sở hữu công nghệ chế tạo, muốn mở xưởng sản xuất nhưng anh Tuấn lại thiếu vốn đầu tư. Ngân hàng CSXH huyện Na Rì đã tạo điều kiện cho anh vay gần 200 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, anh mở xưởng sản xuất, thành lập HTX, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Xưởng chế tạo mỗi năm khoảng 100 máy, xuất bán với giá từ 14 - 25 triệu đồng/chiếc.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Na Rì Hoàng Văn Thái cho biết: Hiện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Na Rì đang thực hiện 11 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 300 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được Ngân hàng CSXH thực hiện, đã tạo điều kiện cho các thanh niên, nông dân trẻ có thêm cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.