Cơ hội nhận hàng tỷ đồng từ khởi nghiệp nông nghiệp

Thứ hai, ngày 15/06/2020 19:20 PM (GMT+7)
Lần thứ 3 liên tiếp Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn". Các thí sinh dự thi có dự án tốt không chỉ được nhận tiền, bằng khen mà còn có cơ hội được vay vốn hàng tỷ đồng và tham gia nhiều khóa đào tạo khác.
Bình luận 0

Chiều 15/6, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan phối hợp phát động Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2020.

Đối tượng cuộc thi là đoàn viên, thanh niên từ 18-35 tuổi, có ý tưởng, đề án sản xuất, kinh doanh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, công nghệ thông tin phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Diễn ra từ nay đến cuối tháng 10, cuộc thi gồm 3 vòng. Tại vòng cuối cùng - chung kết toàn quốc, Ban Tổ chức sẽ chọn khoảng 30 dự án xuất sắc nhất để tranh tài theo hình thức xây dựng sản phẩm dự án, thuyết trình trước hội đồng giám khảo và các nhà đầu tư.

Cuộc thi có một giải nhất trị giá 50 triệu đồng và nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp tối đa một tỷ đồng; hai giải Nhì, mỗi giải 30 triệu đồng và vốn hỗ trợ 500 triệu đồng; ba giải Ba, mỗi giải 15 triệu đồng và vốn hỗ trợ 300 triệu đồng; ba giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng và vốn hỗ trợ 200 triệu đồng; cùng nhiều giải phụ như dự án đầu tư xuất sắc, ý tưởng có ý nghĩa xã hội, dự án hội nhập...

Cơ hội nhận hàng tỷ đồng từ khởi nghiệp nông nghiệp  - Ảnh 1.

Ban Tổ chức cung cấp thông tin về Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn".

Cơ hội nhận hàng tỷ đồng từ khởi nghiệp nông nghiệp  - Ảnh 2.

Cuộc thi sẽ là cơ hội tốt để các thí sinh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" với tiền thân là Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" đã bước sang năm thứ 3. Sau 2 lần tổ chức vào năm 2018 và 2019, cuộc thi đã thu hút 404 ý tưởng, dự án tham gia.

Sau các lần tổ chức, 20 thí sinh xuất sắc đã được hỗ trợ vay vốn hơn 4 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 62 thí sinh được tham gia các khóa học kinh doanh, đào tạo khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ, đào tạo doanh nhân... với tổng giá trị khoảng 830 triệu đồng.

Không những vậy, từ cuộc thi, nhiều dự án khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên đã phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu như "Snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn" của thí sinh Trương Lê Huy Hoàng (Đồng Tháp); "Mật dừa nước" của thí sinh Phạm Minh Tiến (TP.HCM); "Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường" của thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre)...

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cho biết, khác với cuộc thi trước, cuộc thi này yêu cầu tính khả thi qua việc hoàn thành dự án, tức là không chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng. Thứ hai là các dự án phải đòi hỏi sự khác biệt trên cơ sở của sáng tạo, nó khác với dự án tự tạo việc làm thông thường khác. Thứ 3 là dự án dự thi của các bạn thanh niên nông thôn phải có tính lan tỏa và dẫn dắt, tạo việc làm sự đổi mới chính ở nơi các bạn sinh sống, tức là các dự án phải có hiệu quả, sản phẩm phải có chỗ đứng, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

"Ngoài ra, các dự án phải tạo tính đồng bộ. Dự án không có điểm dừng, chuỗi hoạt động từ lúc các bạn có ý tưởng tham gia cuộc thi cho tới hoàn thiện tác phẩm, trao giải. Phương châm cuộc thi là: Đồng bộ - liên thông - không có điểm kết thúc. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính khả thi - sáng tạo - khác biệt - lan tỏa", ông Anh Tuấn nói.

Nguyệt tạ (Nguyệt tạ )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem