Từ "cơn ác mộng" lũ lịch sử ở miền Trung, nhìn lại sức mạnh kết nối của MXH

Ngọc Phạm Thứ tư, ngày 04/11/2020 12:25 PM (GMT+7)
Những dòng tin hiển thị trên mạng xã hội mỗi ngày, lặng lẽ bóp nghẹt trái tim và lấy đi nước mắt của nhiều người.
Bình luận 0

Việt Nam đang hứng chịu một mùa bão lũ khốc liệt với những hệ lụy tang thương. Những dòng tin hiển thị trên mạng xã hội mỗi ngày, lặng lẽ bóp nghẹt trái tim và lấy đi nước mắt của nhiều người. Nhưng thay vì né tránh, một cộng đồng đầy nhân văn đã hình thành với cái nắm tay vô hình trên không gian mạng, tạo tiền đề cho những cái nắm tay trong đời sống thực, trong những hành động tương thân tương ái.

img

Những status kêu cứu trên Facebook.

Khi những lời kêu cứu được đáp lời

“Cứu nhà em với, nhà em có mẹ già 80 tuổi yếu lắm, không di chuyển được nữa, lũ lên cao quá rồi. Điện thoại em sắp hết pin, em ở…”, “Mọi người ơi cho thuyền vào cứu nhà bạn em, nhà có 7 - 8 đứa nhỏ, đứa bé nhất mới 4 tháng…”. Có ai ngờ mạng xã hội lại trở thành nơi phát đi những tín hiệu SOS thống thiết và đầy ám ảnh như thế từ “rốn lũ” Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh. Đêm lụt của một ngày tháng 10/2020, toàn thể cộng đồng mạng trên khắp Việt Nam sôi sục lan tỏa những tấm hình chụp lời kêu cứu, kèm những bài đăng thống kê các địa chỉ, các số điện thoại cứu trợ khẩn cấp, với hi vọng sẽ không có ai bị bỏ rơi, phải thiệt mạng trong cơn tuyệt vọng. 

Giữa những luồng chia sẻ, chúng ta cũng thấy những bài đăng quý giá của những cá nhân ngay chính trong tâm lũ, sẵn sàng mở cửa để cưu mang hàng xóm láng giềng: “Mọi người ơi, những ai có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không kiên cố có thể tới khách sạn X đường Y để trú bão miễn phí nhé!”, “Nhà em 3 tầng có sức chứa khoảng 100 người, bà con cô bác có nhu cầu đến tránh bão, chủ nhà tài trợ ăn uống miễn phí”. Những bài đăng thực sự như chiếc phao cứu sinh giữa biển thông tin hoang mang hỗn độn, tiếp tục được cộng đồng chuyền tay nhau để đến được với những người đang cần nhất.

Trong tâm điểm bão lũ miền Trung suốt thời gian qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã phát huy vai trò thông tin và kết nối vô cùng mạnh mẽ, giúp những lời kêu cứu được đáp lời, góp phần bảo toàn nhân mạng, củng cố lòng tin cũng như thắp lên những tia hi vọng: “Nhìn ảnh người thân đăng lên thấy bốn bề là nước, đồ đạc trôi nổi khắp nơi, mình cảm thấy xót xa đau lòng lắm. Sau khi biết cả nhà vẫn có chỗ trú đủ an toàn, bạn bè cũng đánh dấu an toàn trên Facebook thì trong lòng mới nhẹ đi phần nào. Mong bão lũ sớm tan cho quê mình bớt khổ”, anh Tú - một người con miền Trung đang định cư tại Mỹ nghẹn ngào chia sẻ.

img

Những đoàn cứu trợ từ lời kêu gọi trên mạng xã hội tới đời thật.

Rời bàn phím, lội nước cứu đồng bào

Không chỉ dừng lại ở những dòng trạng thái, những chia sẻ công khai, nhiều người đã quyết định “lên đường” để có thể trực tiếp cứu trợ đồng bào miền Trung. Các nhóm thiện nguyện nhanh chóng được kết nối, phác thảo phương án cứu trợ, di chuyển, vận chuyển hàng hóa và đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi. Trong số này, chúng ta bắt gặp những gương mặt công nhân viên chức, những bạn sinh viên, bên cạnh những diễn viên, ca sĩ, những cá nhân có tầm ảnh hưởng. Khi lòng trắc ẩn được đánh thức, tất cả chúng ta đều chung nhau ý chí cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Chị Hiền - một trong những thành viên tích cực của một nhóm cứu trợ đến từ Thái Bình, không  giấu nổi xúc động chia sẻ trên trang cá nhân ngay khi đoàn của chị tới Quảng Trị: “Quả thật phải tới tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy sức tàn phá của “thủy thần” ác liệt như thế nào. Ngâm trong nước nhiều ngày ròng rã, nhìn đâu cũng thấy xác xơ. Nhưng những con người ở đây vẫn mạnh mẽ, khiến những người tham gia tình nguyện như mình cảm thấy có thêm động lực để chiến đấu cùng với họ. Vào tới đây gặp nhiều đoàn cứu trợ giống như mình, anh chị em động viên nhau để thêm sức mạnh cùng miền Trung vượt bão lũ!”.

Bên cạnh các cá nhân, nhóm thiện nguyện tự phát, các tổ chức và doanh nghiệp cũng tiếp tục thể hiện được vai trò đầu tàu kết nối và dẫn dắt cộng đồng, nhằm phát động các chương trình cứu trợ cũng như phối hợp triển khai các hoạt động thiện nguyện quy mô lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong số đó, có thể kể tới sự kết hợp của mạng xã hội Facebook và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ, cũng như tổ chức các chương trình gây quỹ từ thiện với số tiền thu được lên tới hơn 3 tỉ đồng.

Với nhận thức sâu sắc rằng phụ nữ và trẻ em chính là hai đối tượng bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các tác động của thiên tai, Facebook đã cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình livestream "Chung tay vì phụ nữ miền Trung", vừa kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, vừa phổ biến kiến thức vệ sinh và bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái trong và sau thiên tai. 

Có thể thấy mỗi mùa lũ đi qua là dịp để chúng ta kiểm chứng sức mạnh của tình đồng chí, nghĩa đồng bào, của sự tương thân tương ái và vai trò chủ động, tích cực của các kênh thông tin cộng đồng. Sau cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên, tình người là thứ đẹp nhất còn đọng lại, thúc đẩy chúng ta vươn lên, tái thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem