Nếu như trước đây ta mới biết đến Phong Nha – Kẻ Bàng, rồi hang Sơn Đoòng, thì mấy ngày nay, cơn sốt mang tên “hang Chuột” lại làm chấn động cư dân mạng. Vô vàn những hình ảnh, clip về địa danh này được chia sẻ trên báo, mạng xã hội...
Không lộng lẫy, dữ dội, hiểm trở như Sơn Đoòng, nhưng vẻ hoang sơ của nó giữa non nước Quảng Bình cũng khiến người ta tấm tắc. Nước non mình đẹp thật!
Đương nhiên đoàn làm phim Hollywood luôn có cái lý của mình khi lựa chọn một bối cảnh nào đó, có khi chưa chắc đã phải vì nó đẹp “ngoại hạng”, “nhất thế giới” - những thứ dễ khiến người bản địa phổng mũi. Bối cảnh trước hết phải phù hợp với nội dung của bộ phim, chưa kể còn vô vàn những “dịch vụ hậu cần” kèm theo nữa cũng phải đáp ứng được.
Hang Chuột tại xã Tân Hóa
Nhưng công bằng mà nói, hang Chuột không hề thua kém những “Nam thiên đệ nhất động” của chúng ta. Mặc dù hang chuột cũng không quá xa lạ với những người du lịch mạo hiểm (đã được đưa vào tour từ khá lâu), nhưng sự lựa chọn của đoàn làm phim Hollywood vẫn như một liều thuốc kích thích, khiến ông Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình vội vã “xí phần” trước cái phần đuôi máy bay trực thăng, mà theo kế hoạch sẽ được sử dụng làm đạo cụ trong cảnh quái vật Kong ném vào hang Chuột. Phần đuôi trực thăng này sẽ để ngay tại hang chuột để thu hút khách du lịch sau này.
Bỏ qua cơn sốt có phần ồn ào, công bằng mà nói, có thể thấy đạo diễn phim Kong: Skull Island không phải xã giao khi nói rằng, sẽ biến phong cảnh Việt Nam trong phim đẹp như trong... Chúa Nhẫn.
Chính sự xuất hiện của đoàn làm phim Hollywood đã thúc đẩy tất cả chúng ta cùng tìm hiểu kiến thức về hang Chuột, cũng như hệ thống hang động Tú Làn nói chung (mà trước đây có mấy ai để ý). Và chắc chắn cơn sốt trong những ngày tới đây sẽ chuyển về Ninh Bình khi ngày 27/2 tới, đoàn làm phim sẽ có nửa tháng quay ở Tam Cốc (Bích Động), Khu sinh thái Tràng An, và Khu bảo tồn ngập nước Vân Long.
Nếu như 2 địa danh đầu ở Ninh Bình không còn xa lạ lắm, thì địa danh thứ 3, Vân Long vẫn còn tương đối bí ẩn đối với nhiều người, mặc dù vẻ đẹp của nó xứng đáng là một Vịnh Hạ Long trên cạn, hay vịnh không sóng.
Và không chỉ có thế, vùng đất kỳ diệu này, rộng đến 3.500ha còn là một cái đầm lớn chứa đựng sự đa dạng sinh thái khiến thế giới phải kinh ngạc. Nơi đây là chỗ dừng chân cho các loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét. Những quả núi bị cô lập thành những đảo đá giữa thung nước mênh mông đã "tình cờ" trở thành cứu cánh cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi bàn tay triệt phá của con người.
Nhưng sự tình cờ đáng giá nhất phải kể đến khi các chuyên gia nước ngoài phát hiện Vân Long có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. Phát hiện này làm giới khoa học ngỡ ngàng, bởi voọc quần đùi trắng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong sách đỏ thế giới. Trước đó, loài linh trưởng này chỉ được biết đến ở VQG Cúc Phương.
“Phải đi lễ chùa đủ xa/ Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng”
Nhiều người đi du lịch nước ngoài tới những nơi được mệnh danh là “đẹp nhất thế giới” cứ băn khoăn, sao cũng chẳng đẹp hơn rừng núi, bãi biển quê mình là bao nhiêu? Ta không ủng hộ thái độ tự tin hay tự ti thái quá. Nhưng công bằng mà nói, vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam đâu có thua kém gì các nước chung quanh, nhất là Thái Lan, vấn đề chỉ là tuyên truyền, đánh thức và khai thác những vẻ đẹp tiềm ẩn ấy, trong đó đặc biệt là các dịch vụ du lịch.
Ở đây, tôi chỉ bổ sung thêm một thứ đó là ... kiến thức du lịch. “Tình yêu đất nước là đỉnh núi, bờ sông”. Sông núi ngàn năm không thay đổi, nhưng để hiểu được được vẻ đẹp vĩnh hằng ấy thì không thể thiếu kiến thức địa lý.
Rất tiếc rằng không phải lúc nào môn địa lý trong trường học nói riêng và các kiến thức về địa lý môi trường cảnh quan nói chung (gồm cả cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan lịch sử, văn hóa) cũng được quan tâm đúng mức. Muốn yêu thì phải hiểu. Muốn hiểu thì phải yêu.
Nhiều người đã coi cuốn sách mang tính giáo khoa “Thiên nhiên Việt Nam” của cố GS Lê Bá Thảo như là cuốn sách gối đầu giường, bởi nó được viết như một “bút ký địa lý” của một nhà khoa học nghiên cứu về địa lý đất nước như nghiên cứu “cơ thể sống” của một con người.
Không thấu hiểu “cơ thể” đó thì ngắm phong cảnh sông núi ở đâu cũng chỉ thưởng thức được vẻ đẹp bề ngoài, không thấy hết được những mạch sống ở bên trong.
Ai cũng có thể thốt lên “Nước non mình đẹp thật” trong cơn sốt Kong: Skull Island, nhưng hy vọng rằng sau cơn sốt này sẽ là một cơn sốt môn địa lý. Tại sao không?
Ngô Khởi (Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.