Quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường chống trả lại tập đoàn bành trướng Trung Quốc tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu)
Mưu đồ của “người đồng chí”
Tròn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc của Tổ quốc, điều gì thực sự khiến Trung Quốc lúc đó từ chỗ là “đồng chí” lại quay sang bất ngờ tấn công xâm lược Việt Nam?
- Thứ nhất, Trung Quốc bấy giờ đang muốn phủ nhận vai trò của Liên Xô, khẳng định vị thế lãnh đạo số một của mình trong phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên trường quốc tế. Lúc đó, họ đang là thành viên của phe XHCN, nhưng từ chối sự hợp tác, liên kết chặt chẽ với các nước XHCN, chống lại Liên Xô và các nước đồng minh.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn khẳng định: Phải "thuộc bài" lịch sử để có ứng xử phù hợp với Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Anh)
Muốn vậy họ phải làm suy yếu Liên Xô, bằng cách kết thân với Mỹ, phối hợp với Mỹ chống Liên Xô. Mặt khác, họ làm suy yếu các đồng minh của Liên Xô, trong đó có Việt Nam. Việt Nam lúc đó là một nước vừa đánh thắng Mỹ, vừa mới tham gia vào khối SEV (6.1978) và ký một Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô (ngày 3.11.1978 tại Mátcơva).
Việt Nam được coi là tiền đồn của hệ thống XHCN ở Đông Nam Á. Nếu đánh thắng Việt Nam, Trung Quốc không chỉ làm suy yếu Liên Xô, giành vị thế mới trên trường quốc tế, mà còn gửi đến các nước Đông Nam Á một thông điệp rằng, Đông Nam Á là sân sau của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ tư là năm 1979, Đặng mới được phục hồi một số chức vụ sau Cách mạng văn hóa. Mâu thuẫn nội bộ vẫn còn đang rất quyết liệt, đặc biệt giữa phái ủng hộ và phái chống lại cải cách mở cửa. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, với tư cách là Phó Thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc (PLA), Đặng thể hiện quyền lực bằng cách đánh Việt Nam, vừa cho thấy Đặng đang thực sự nắm quân đội, vừa chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài.
|
Nguyên nhân trực tiếp hơn là, Trung Quốc muốn mở cửa cải cách về kinh tế. Trung Quốc thấy rằng phải có sự ủng hộ, sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế với phương Tây và đặc biệt là với Mỹ.
Điều này thể hiện rõ qua các động thái của Đặng Tiểu Bình trong các cuộc họp Trung ương cũng như trong quan hệ đối ngoại, rõ nhất là trong chuyến thăm lần đầu tiên của Đặng tới Mỹ năm 1978.
Nếu không có sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc sẽ khó có thể phát triển kinh tế, đặc biệt là khắc phục những hậu quả tiêu cực vô cùng lớn của cuộc cách mạng văn hoá cùng sự trì trệ bấy lâu.
Muốn làm được điều đó Trung Quốc phải thể hiện là một nước “tích cực”, thành tâm gắn kết với Mỹ và các nước phương Tây.
Nguyên nhân thứ ba chính là cuộc chiến tranh tự vệ ở biên giới Tây Nam. Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia giải phóng đất nước, tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt, là đồng minh, con bài chiến lược của Trung Quốc trong bàn cờ Đông Nam Á.
Một chế độ nhà nước do Trung Quốc dồn công sức xây dựng, với một đội quân gần hai chục sư đoàn, bị Việt Nam đánh sập trong một tuần, tính từ ngày tiến sang đất Campuchia (31.12.1978 đến 7.1.1979), làm cho Đặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh tức giận. Họ luôn tự cho mình là nước lớn và phải đánh sập ý chí của Việt Nam, “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Có thể thấy Trung Quốc đã muốn có một ứng xử “rắn” với Việt Nam từ trước khi quyết định tấn công Việt Nam tháng 2.1979, thưa ông?
- Đúng là Trung Quốc muốn có một thái độ ứng xử răn đe, cứng rắn đối với Việt Nam từ lâu. Nhưng làm kiểu gì, làm cách nào thì chưa có cơ hội. Đặng Tiểu Bình tuyên bố muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Nhưng bài học này là bài học gì thì đến giờ cũng không có tài liệu nào nói rõ.
Nhưng theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, cùng với 4 nguyên nhân đã đưa ra ở trên, có lẽ bài học mà Đặng muốn nói đến là bài học mà Việt Nam chưa bao giờ chịu “thuộc”: Không chịu thần phục Trung Quốc, không theo Trung Quốc chống Liên Xô.
Bài học nữa là Việt Nam đánh Pôn Pốt nghĩa là tấn công vào thể diện của nước lớn Trung Quốc, “vuốt mặt không nể mũi”... Với tâm thế của Việt Nam như vậy, giờ đây ai còn chịu nghe theo Trung Quốc nữa?
Nhà cầm quyền Bắc Kinh khi đó nhận định rằng, Việt Nam có thể đánh thắng Mỹ, một đế quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại, có thể tiêu diệt chế độ Pôn Pôt, nhưng sẽ phải chịu thất bại đau đớn nếu không theo Trung Quốc (?)
Đặng Tiểu Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong cuộc gặp năm 1979. (Ảnh: AP)
Do vậy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã có những tính toán chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc xâm lược 1979 từ rất sớm, thưa Giáo sư?
- Theo các tài liệu nắm được, sự chuẩn bị của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc đã được tiến hành từ năm 1977, 1978. Trong nội bộ của Đảng, Đặng Tiểu Bình hay nói đến việc này và Đặng đã tính toán kỹ khi đảm nhiệm các chức vụ Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Chủ tịch Chính hiệp.
Ít nhất từ năm 1977, Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy việc chuẩn bị kế hoạch này trong quân đội. Ngày 28.1.1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ. Một trong những mục đích chính trong chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình là tìm kiếm sự ủng hộ của Washington nhằm chống lại liên minh Liên Xô - Việt Nam và hạn chế những phản ứng bất lợi của Liên Xô trong trường hợp Trung Quốc đánh Việt Nam.
Tại cuộc viếng thăm này, trong phiên cuối cùng, Đặng Tiểu Bình gặp riêng Tổng thổng Jimmy Carter và trình bày rõ ý đồ sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng một cuộc tiến công quân sự.
Một số tài liệu cho biết Tổng thống Jimmy Carter nói rằng không nên làm điều đó bởi vì chắc chắn sẽ gặp phải thất bại. Nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn khăng khăng chọn cách sẽ “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự.
Trong khi đó, Việt Nam dường như lại bất ngờ, bị động trước mưu đồ của “người đồng chí” mình?
- Về phía Việt Nam, theo tôi chắc chắn lúc đầu có phần bị động! Ai có thể ngờ một nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em” mới hôm qua còn viện trợ chúng ta chống Mỹ, lại có thể tiến công xâm lược nước ta với một quy mô lớn như vậy, lại quay súng bắn vào lưng chúng ta?
Xe tăng Trung Quốc ồ ạt tiến vào Việt Nam sáng ngày 17.2.1979. (Ảnh tư liệu)
Ngoài ra, sau chiến thắng 1975, chúng ta có một niềm tin rằng sau 30 năm chiến tranh, chúng ta xứng đáng được hưởng một nền hòa bình lâu dài. Nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, sau khi giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, cũng đã tuyên bố: Từ nay về sau sẽ không có một kẻ nào dám nghĩ đến chuyện xâm lược Việt Nam. Bởi một khi đã đánh thắng một đế quốc mạnh nhất thế giới thì ai còn dám nghĩ đến chuyện tấn công Việt Nam?
Về mặt chiến thuật, khi Trung Quốc lên kế hoạch để đánh ta, chúng ta nắm được Trung Quốc đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào biên giới Việt Nam, nhưng không nắm rõ quy mô và tính chất cuộc tấn công.
Do vậy, chúng ta chuẩn bị chủ yếu lực lượng là bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng công an vũ trang (bây giờ gọi là bộ đội biên phòng) tại chỗ. Quân chủ lực chúng ta lúc đó ở phía Bắc có ít thôi, có 1 – 2 sư đoàn, còn chủ yếu là tập trung vào biên giới Tây Nam và ở Campuchia. Đây cũng là lý do để Trung Quốc nghĩ rằng họ sẽ thực hiện kế hoạch rất dễ dàng, trong một thời gian ngắn sẽ đánh bại được Việt Nam.
Ngay như trong cuộc chống Mỹ viện Triều năm 1950 Trung Quốc cũng không chuẩn bị kỹ như thế, số quân lúc đó đưa sang Triều Tiên lúc đầu cũng khoảng 250.000; vừa đánh vừa xin viện trợ của Liên Xô.
|
Cần phải nói thêm, trong lịch sử cận hiện đại thì sự chuẩn bị tiến công Việt Nam của Trung Quốc lần này là thuộc loại chu đáo nhất.
Đây là lần ra quân lớn nhất của Trung Quốc trong lịch sử với 60 vạn quân, khoảng 550 chiếc xe tăng và hàng ngàn xe bọc thép và vận tải, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay chuẩn bị, dù chưa sử dụng đến, rồi hạm đội hải quân, lực lượng hậu cần…
Trung Quốc cũng huy động khoảng 30 vạn dân binh ở các tỉnh phía Nam để mang vác, thồ hàng, vận tải…
Sau sự bị động ban đầu, chúng ta cũng nhanh chóng làm chủ được tình thế. Cũng khó mà hiểu được, trong tình thế đó, chúng ta đã xoay xở như thế nào? Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu nữa trong thế kỷ XX của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chiến thắng hai kẻ xâm lược cùng một lúc từ hai đầu đất nước?
Phải “thuộc bài” lịch sử
Thưa Giáo sư, vai trò của hai cường quốc lúc đó là Liên Xô và Mỹ ảnh hưởng thể nào tới cục diện chung của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam ?
- Trung Quốc đã phân tích rất kỹ vai trò của Liên Xô. Trung Quốc biết Liên Xô là đồng minh rất thân cận của Việt Nam, nhưng sẽ không can thiệp trực tiếp bằng quân sự, cùng lắm là ủng hộ vũ khí, phương tiện chiến tranh chứ không đánh vào biên giới phía Bắc của Trung Quốc để ủng hộ Việt Nam. Và Trung Quốc nhận định đúng!
Xe tăng Trung Quốc bị quân ta bắn hạ trên cầu Bản Sẩy (Cao Bằng) tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu)
Nhưng sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam vẫn rất lớn. Trước hết là về mặt tinh thần, về mặt tư tưởng, về ngoại giao. Trong nội bộ, Liên Xô ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Sự ủng hộ của Liên Xô lúc ấy có giá trị rất lớn. Liên Xô cũng khẩn cấp viện trợ cho chúng ta một số lương thực, vũ khí đạn dược.
Không chỉ năm 1979 mà cả 10 năm sau đó. Liên Xô ủng hộ chúng ta rất nhiều phương tiện quân sự, như xe tăng T72. Tăng T72 lúc bấy giờ là hiện đại nhất. Liên Xô chỉ huấn luyện sử dụng T72 cho quân đội Liên Xô và Việt Nam chứ không huấn luyện cho bất kỳ quân đội nào trên thế giới. Bấy giờ Liên Xô bán xe tăng hiện đại cho các nước, nhưng không bán xe tăng T72.
"Tôi còn nhớ những tranh cổ động của nước ngoài vẽ hình phần mũi nhọn của bản đồ Việt Nam ở phía Bắc thành hình nắm tay và đang đấm vào cái mồm đang há ra là phía Nam của Trung Quốc. Có thể nói nhân dân thế giới, lực lượng yêu chuộng hoà bình của thế giới vẫn đứng về phía chúng ta. Tuy nhiên họ ủng hộ chủ yếu về tinh thần".
|
Còn về phía Mỹ, sau cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ vẫn còn giữ thái độ rất thù địch cho nên Mỹ chống Việt Nam ở Campuchia. Mỹ còn kêu gọi Liên Hợp quốc cấm vận Việt Nam.
Mỹ bắt tay với Trung Quốc từ năm 1972 theo Hiệp ước Thượng Hải, trong đó có một nội dung rất quan trọng mà Mao Trạch Đông nói với Nixon: Ngươi không động đến ta thì ta cũng không động đến ngươi.
Trong chiến tranh năm 1979, Mỹ được báo trước. Trung Quốc đã chuẩn bị công tác tư tưởng cho Mỹ. biết rõ có tấn công thì Mỹ vẫn không lên án, không phản đối, không ngăn chặn.
Còn với cộng đồng quốc tế, khi đó tôi nhớ, nhân dân nhiều nước trên thế giới đều xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam, chống cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Đặc biệt là các nước XHCN đều đoàn kết với Liên Xô, ủng hộ Việt Nam. Họ tham gia với thông điệp: Trung Quốc cút khỏi Việt Nam! Không được đụng đến Việt Nam!
Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, nhưng chắc hẳn những bài học chúng ta rút ra từ sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay, thưa GS?
Chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 1, Đoàn M123 bộ đội Lạng Sơn chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên địch tại đồi Không Tên trong hai ngày 17-18.2.1979. (Ảnh: Long Sơn/TTXVN).
- Đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc, từ xưa đến nay chúng ta thấy rõ, họ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa hay còn gọi là chủ nghĩa Đại Hán (sau này nhiều người gọi là chủ nghĩa bành trướng). Họ luôn có tư tưởng thôn tính, đồng hoá các nước xung quanh.
Đặc biệt trong chủ nghĩa bành trướng Đại Hán có một phương châm là “thiên hạ đại loạn, ta đại trị” hay “toạ sơn quan hổ đấu” nghĩa là làm xung quanh loạn lạc, làm cho xung quanh yếu kém, thì lúc đó Trung Quốc sẽ dễ bề bành trướng, thôn tính, đồng hóa…
Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta là một nước rất nhỏ bên cạnh một nước Trung Quốc rất lớn, nhưng những cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chỉ xảy ra khi chúng ta khó khăn, suy yếu, có những mâu thuẫn nội bộ… Hoặc họ làm cho chúng ta khó khăn, chia rẽ, làm suy yếu chúng ta rồi tiến hành thôn tính nước ta.
Đây chính là một bài học lớn nhất: Chúng ta phải mạnh, chúng ta phải đoàn kết, phải biết giải quyết khôn khéo những vấn đề đối nội, đối ngoại, phải “thuộc bài” lịch sử.
Thứ hai là, chúng ta không chỉ phải có kinh tế vững mạnh, khoa học công nghệ hiện đại, mà chúng ta phải có tinh thần dân tộc, được xây dựng trên hệ tư tưởng và văn hóa dân tộc, đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí dân tộc ta, làm chỗ dựa tinh thần để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của dân tộc ta.
Có tinh thần dân tộc lành mạnh, sánh ngang với các dân tộc văn minh khác, chúng ta mới tồn tại và phát triển được trong thế giới mà các quốc gia, dân tộc đều “đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên hàng đầu”.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979 là một trong những trang sử oai hùng nhất, khi chúng ta dám đánh và chúng ta chiến thắng. Khi Đặng Tiểu Bình nói muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” thì ngược lại, chúng ta cũng đã dạy cho họ nhiều bài học. Đó là bài học về sự đoàn kết, bài học vượt khó khăn, bài học cho bất kỳ thế lực bành trướng, ngoại xâm nào là cần phải ứng xử đúng với Việt Nam, không được đụng tới Việt Nam.
Quân và dân ta bắt giữ tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu)
Ông cũng đặt vấn đề chúng ta cần phải sòng phẳng và công bằng với lịch sử, kể cả quan hệ giữa 2 nước sau này như thế nào chúng ta vẫn phải nhìn nhận lịch sử đúng như những gì diễn ra?
- Nói chung, trong quan hệ quốc tế cũng như quan hệ láng giềng, bất kỳ nước nào, hơn nữa là láng giềng với Trung Quốc, bao giờ cũng có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề tích cực có những vấn đề tiêu cực, có những vấn đề liên quan đến lịch sử, có những vấn đề liên quan đến pháp lý, có những vấn đề liên quan đến văn hoá, tâm lý dân tộc…
"Chúng ta từng có chiến tranh với các triều đại Trung Quốc, với nước Pháp, với nước Nhật, với nước Mỹ… nhưng sau đó chúng ta vẫn bang giao bình thường, là nhờ chúng ta sòng phẳng với lịch sử. Bác Hồ ngay cả khi đọc tuyên ngôn độc lập cũng nói các sản nghiệp của Pháp, các cơ sở sản xuất của Pháp sẽ được bảo vệ. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đau thương như thế, nhưng sau khi bình thường hóa quan hệ, chính phủ và nhân dân hai nước đã thiết lập quan hệ tốt đẹp ra sao?".
|
Nhưng càng sòng phẳng, càng chân thật bao nhiêu càng tạo được nền tảng bền vững và tốt đẹp cho các quan hệ tương lai bấy nhiêu.
Mấy ngàn năm trong lịch sử hai nước chúng ta cũng sòng phẳng. 40 năm qua, cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền trên biên giới phía Bắc cũng phải được nhìn nhận khách quan công bằng như vậy.
Có thể nói, có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan đã làm cho chúng ta chưa quan tâm đúng đắn đến sự kiện 17.2.1979 và những hệ quả của nó.
Nhiều khi chúng ta làm cho lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bị coi nhẹ, thậm chí ở chừng mực nhất định làm mờ nhạt.
Ngày nay chúng ta nhận thức được điều đó thì phải thay đổi sao cho tương xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Chúng ta phải có thái độ trung thực, khách quan, khoa học với lịch sử, không né tránh nó.
Đồng thời chúng ta lại phải biết hướng tới tương lai tốt đẹp. Nhưng tương lai phải được kiến tạo trên những sự thật khách quan đó. Nếu không công bằng với lịch sử, không có các bài học lịch sử, chúng ta không có đủ tầm nhìn để thiết kế, kiến tạo một tương lai cho dân tộc.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!
Số phận của dân tộc Việt Nam
"Bài học cảnh giác cũng là bài học chúng ta luôn luôn phải nhớ. Nước ta nằm ở ngã tư của các nền văn minh, Bắc xuống Nam và Đông sang Tây. Vị trí này rất đặc biệt. Đã là ngã tư văn minh sẽ khó tránh khỏi sự va đập của các ý thức hệ, các nền văn hoá, trong đó cũng không loại trừ các va chạm về quân sự. Đấy là số phận của dân tộc ta. Qua cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biên giới phía Bắc này, chúng ta phải học cách bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm, không bị động, không bất ngờ", GS Phan Xuân Sơn nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.