Xuân Quỳnh xin đi với Lưu Quang Vũ vào vùng chiến sự biên giới 1979

PGS.TS.Lưu Khánh Thơ Chủ nhật, ngày 17/02/2019 19:22 PM (GMT+7)
Chuyến đi công tác Lạng Sơn vào tháng 2 năm 1979 có cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng không phải ai cũng biết, lúc đầu Lưu Quang Vũ từng bảo vợ ở nhà nên Xuân Quỳnh đã phải đến tận cơ quan của chồng xin đi theo đoàn công tác để thực tế sáng tác.
Bình luận 0

Cuộc "vận động hành lang" thủ trưởng của chồng

Những ngày tháng 2 năm 1979, trong khi chiến sự ở biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt thì ở khắp nơi cũng sôi sục không khí của những đoàn quân, đoàn công tác chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lúc này đang làm việc tại Tạp chí Sân khấu sau khi đôn đáo liên hệ với bạn bè đồng nghiệp ở các cơ quan ban ngành và các tờ báo lớn để tìm cách đi đến các tỉnh biên giới đang có chiến sự mà không thành, anh đã nảy ra suy nghĩ đề nghị chính tòa soạn của mình tự tổ chức chuyến đi công tác. Trong mỗi bữa cơm tại gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh thời điểm đó, hai nghệ sĩ  hăm hở thông báo tin tức và bàn soạn về kế hoạch đi đến các tỉnh biên giới phía Bắc nơi có chiến sự.

img

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là hai trong số những nghệ sĩ đã đến Lạng Sơn từ rất sớm ngay sau khi chiến sự nổ ra tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu gia đình)

Chuyến đi công tác Lạng Sơn vào tháng 2 năm 1979 có cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng không phải ai cũng biết, lúc đầu Lưu Quang Vũ đã từng ngăn vợ, bảo Xuân Quỳnh ở nhà để mình anh tới vùng nguy hiểm. Chuyện là khi nghe chồng thông báo sẽ cùng đoàn công tác Tạp chí Sân khấu lên Lạng Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh bày tỏ nguyện vọng muốn được tham gia chuyến đi này nhưng bị Lưu Quang Vũ gạt đi với lý do: “Đây là đi công tác ở cơ quan, vợ không đi theo được”.

Nhưng ở Tạp chí Sân khấu lúc đó có nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái sau khi nghe Xuân Quỳnh bày tỏ quyết tâm tham gia chuyến đi đã hết sức ủng hộ. “Chị là một nhà thơ, chị hoàn toàn xứng đáng đi cùng đoàn công tác để thực tế sáng tác, không cần qua anh Vũ nữa, chị đến mà xin thẳng trưởng đoàn!”, nhà báo Minh Thái “bật đèn xanh”.

Và cũng chính người bạn này của hai vợ chồng Vũ – Quỳnh đã trực tiếp đưa Xuân Quỳnh lên phòng làm việc của lãnh đạo Tạp chí Sân khấu, gặp Tổng biên tập – nhà thơ Lưu Trọng Lư và Phó Tổng biên tập – nhà viết kịch Xuân Trình để trình bày nguyện vọng. Là một người hành động và đồng cảm với tâm lý những người sáng tác, nhà viết kịch Xuân Trình với vai trò trưởng đoàn công tác đã ngay lập tức quyết định ghi tên Xuân Quỳnh vào danh sách những người lên đường trong chuyến đi đó, gồm có: lãnh đạo Tạp chí Sân khấu là nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà viết kịch Xuân Trình cùng những phóng viên, biên tập viên của tòa soạn: Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Minh Thái và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái, dọc đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn khi đó không có hàng quán như bây giờ, hành trình di chuyển thì lâu, mất tới cả ngày trời.  Vốn đảm đang tháo vát, nhà thơ Xuân Quỳnh đã xung phong nhận nhiệm vụ hậu cần cơm nước cho cả đoàn rất đắc lực. Phải nói thêm là trước đó, nhà thơ Xuân Quỳnh từng có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở những vùng chiến sự ác liệt, những điểm nóng của đất nước thời đó. Ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ, Xuân Quỳnh đã từng sống hàng tháng trời dưới hầm địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị)… và cùng với những chuyến thực tế ở vùng chiến ấy là một loạt sáng tác gây xúc động ghi lại các chứng vết lịch sử bằng thơ.

Điều day dứt nhất...

Sau một chặng đường vất vả, đoàn công tác đã tới được trạm canh gác ở cửa ngõ thị xã Lạng Sơn. Thấy trong thành phần đoàn có người đứng tuổi và cả phụ nữ, cán bộ trạm gác tỏ ý lo ngại và khuyên không nên tiến sâu vào thị xã do tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, kẻ thù đã tuyên bố rút quân nhưng không chịu thực hiện nên dự báo vẫn tiếp tục có tổn thất, hy sinh.

Ngay lúc đó, cả đoàn đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều thi thể cũng như người bị thương được chuyển ra khỏi thị xã. Trong đó, có cả nhà báo Isao Takano là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản vừa hy sinh bởi một loạt đạn bắn tỉa của quân đội Trung Quốc khi đang cầm máy ảnh tác nghiệp. Sau khi cùng đứng mặc niệm nhà báo Nhật Bản, đoàn công tác của Tạp chí Sân khấu vẫn quyết định tiến vào trung tâm thị xã Lạng Sơn bất chấp tính khốc liệt của cuộc chiến đấu. Không một ai chịu bỏ cuộc quay về.

img

Nhà thơ Xuân Quỳnh đọc thơ cho một đơn vị bộ đội trên chốt ở Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh tư liệu gia đình)

Trong album ảnh của gia đình Vũ – Quỳnh vẫn còn giữ được những bức ảnh tư liệu quý giá: chân dung Lưu Quang Vũ với nét mặt đăm chiêu giữa khung cảnh tiêu điều của thị xã Lạng Sơn bị tàn phá và bức ảnh Xuân Quỳnh đang đứng đọc thơ trước một đơn vị bộ đội năm 1979. Nhà thơ Xuân Quỳnh kể hôm đó khi nghe chị đọc bài thơ mới sáng tác là “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc”, các chiến sĩ rất xúc động và sau đó họ còn yêu cầu chị đọc thêm nhiều bài nữa, nhất là thơ tình. Những tác phẩm ra đời của cặp vợ chồng nghệ sĩ khi đó đã là chứng tích một thời nóng bỏng.

Sự tàn khốc và những hậu quả đau thương của cuộc chiến nơi biên giới phía Bắc khi đó đã để lại những ám ảnh khôn nguôi đối với những người trải qua cũng như chứng kiến nó. Đối với các nghệ sĩ, họ đã lập tức gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm của mình vào trong những sáng tác đầy tính thời sự theo cách riêng của mỗi người. Nếu như bài thơ “Viết ở Lạng Sơn” của Lưu Quang Vũ chất chứa xót đau, căm hờn thì với Xuân Quỳnh, điều khiến chị day dứt nhất chính là thương cảm cho những em bé phải theo người lớn đi tản cư ra khỏi vùng chiến sự. Những tứ thơ đã hình thành ngay trên đường công tác. Xuân Quỳnh đọc cho cả đoàn nghe những câu thơ rời rạc và sau đó dần hoàn chỉnh thành bài thơ “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc”.

Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ ru. Nhưng lời ru của nữ sĩ qua sáng tác lần này không chỉ mang âm điệu ngọt ngào trữ tình thường thấy mà còn thể hiện một nỗi đau đáu căm giận xót xa. Qua góc nhìn của một người mẹ, một người phụ nữ làm thơ, “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc” vừa đậm tính nhân văn mà thấm đẫm tính chiến đấu, biến đau thương thành hành động, biến lời ru thành vũ khí chống lại kẻ thù:

“Lời ru hãy hóa con dao
Ngăn không cho giặc tràn vào tuổi thơ.”

Bài thơ ru ấy của Xuân Quỳnh chất chứa khát vọng ngăn chặn sự bạo tàn để bảo vệ sự bình yên cho những đứa trẻ. Sáng tác này đã được đăng báo Văn Nghệ ngay khi vừa ra đời và sau này được đưa vào in trong tập thơ “Sân ga chiều em đi” (NXB Văn học, 1981) của nữ thi sĩ.

img

Bài thơ "Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc" in trong tập thơ "Sân ga chiều em đi" của Xuân Quỳnh.

Mọi lời bình luận không thể nào sánh được với những cảm xúc, hình ảnh, ngôn từ mà bài thơ đem lại cho chúng ta. Dân Việt xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài thơ “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc” của nhà thơ Xuân Quỳnh:

BÀI HÁT RU EM BÉ
TRÊN ĐƯỜNG CHẠY GIẶC

 

Nhà em ở phía đằng sau

Làng em bao lũ giặc Tàu tràn qua

Cành tre gãy trước hiên nhà

Con cò trắng đã bay xa mất rồi

Theo em, này tiếng à ơi

Gập ghềnh bước núi những lời hờn căm

Em chưa tròn được một năm

Cái nôi đã cháy, cái hầm cũng tan

Ngủ đi em, dưới mưa ngàn

Ngủ đi em giữa chói chang nắng trời

Ngủ đi nào… ngủ à ơi…

Đây dòng sữa chát khói mùi đạn bay

Nắng thì lưng mẹ làm cây

Đạn bom mẹ đã vòng tay làm hầm

Một năm… rồi mấy mươi năm

Có bao em bé còn nằm nữa đâu

Vầng trăng đã vỡ trên đầu

Dòng sông đã gẫy nhịp cầu tuổi thơ

Ngủ đi nào, hãy nằm mơ

Thấy con cá lội, cánh cò trắng bay

Quả cây chín ở cành cây

Mùa xuân suối mát dâng đầy mênh mông

Ngoài nương cây lúa lên đòng

Chiếc cầu mới bắc, dòng sông mới đào…


Lời ru hát dưới trời cao

Biết em nghe được câu nào hở em?

Lời ru hát dưới ngọn đèn

Làm sao soi hết những đêm tối trời

Lời ru có hóa nụ cười

Cũng không mang lại niềm vui được nào…


Lời ru hãy hóa con dao

Ngăn không cho giặc tràn vào tuổi thơ.


Tháng 3.1979
Xuân Quỳnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem