Từ Đà Lạt thành phố thông minh, Lâm Đồng hướng đến chính quyền số
Từ Đà Lạt – thành phố thông minh, Lâm Đồng hướng đến chính quyền số
Văn Long
Thứ năm, ngày 03/06/2021 07:32 AM (GMT+7)
Với TP.Đà Lạt, đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa Trung tâm Điều hành thông minh vào việc quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau, tỉnh Lâm Đồng đã và đang hướng đến xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính.
TP.Đà Lạt được xem là tỉnh đầu tiên đưa Trung tâm Điều hành thông minh vào việc quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau như giám sát môi trường, camera giám sát an ninh, hệ thống quản lý thông tin đất đai, dữ liệu hành chính công... Hoạt động điều hành thông minh này đã giúp cho lãnh đạo TP.Đà Lạt "giám sát" thành phố từ tổng thể đến chi tiết tối ưu nhất, thể hiện vai trò của chính quyền số trong cuộc cách mạng 4.0.
Hiện nay, trên địa bàn 12 phường, 4 xã của TP.Đà Lạt đã được lắp đặt gần 300 camera độ phân giải cao trên các trục đường chính. Những camera này đã được tích hợp vào Trung tâm Điều hành thông minh.
Không chỉ giám sát, quản lý mà Trung tâm điều hành thông minh của TP.Đà Lạt còn thực hiện được các chức năng như thống kê hồ sơ tồn đọng theo tháng, tình hình tiếp nhận hồ sơ, thống kê hồ sơ quá hạn, thống kê hồ sơ chưa xử lý, thống kê hồ sơ đã xử lý, thống kê tình hình trả hồ sơ...
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Đà Lạt cho hay, dựa vào các thông số trung tâm đưa ra mà lãnh đạo thành phố cũng đưa ra quy chế cụ thể đối với các cơ quan quản lý về thời gian xử lý, giải quyết các vụ việc. Trước đây, các đơn vị phải có báo cáo bản cứng gửi lãnh đạo thành phố và lãnh đạo phải ngồi đọc từng bản báo cáo, thì hiện nay các thông tin, báo cáo đều đã được cập nhật liên tục trên hệ thống này. Chính vì vậy, những vụ việc khi tiếp nhận phản ánh đến khi hoàn thành xử lý khoảng 2 tiếng đồng hồ, những vấn đề phức tạp hơn thì có thời gian 8 tiếng hoặc 24 tiếng".
Hướng đến chính quyền số
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho hay, khi mọi cơ quan công quyền đều vận hành trên nền tảng số, lợi ích sẽ được chia đến tất cả các đối tượng điều hành, được điều hành và chi phối bởi những thành quả hữu hiệu của Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã và đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp tính năng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đáp ứng yêu cầu về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Đến nay, dự án này đã được nâng cấp hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành eGov. Hơn nữa, từ tháng 8/2020, việc chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm eOffice sang phần mềm eGov đã được hoàn thành, giúp hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thuận lợi và dễ quản lý, thống nhất trong cả nước.
Hiện, Lâm Đồng đã có mạng truyền dẫn cáp quang, phủ sóng di động, cung cấp dịch vụ internet đến 100% trung tâm huyện, xã. Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng được cáp quang hóa đồng loạt đến 59 cơ quan cấp tỉnh, huyện và 147 điểm cấp xã, phường, thị trấn.
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ Lâm Đồng phải làm thật tốt để đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận đầy đủ thông tin, được hệ thống hành chính phục vụ mọi hoạt động, giúp toàn hệ thống làm việc hiệu quả, gọn nhẹ. Ngoài ra, việc xây dựng chính quyền điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 địa phương sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.