Hàng chục năm qua, môn văn được các nhà trường dạy nặng nề như một môn học chính trị. Học sinh bị áp đặt các quan điểm sống, nhận thức thẩm mỹ theo sự giảng dạy của giáo viên, mà giáo viên thì bị áp đặt bởi sách hướng dẫn giảng dạy. Nhiều đề thi cũng ra theo cách của bài giảng, khai thác sức ghi nhớ hơn sức sáng tạo. Cho nên, khi học sinh nhận được một đề thi mở, các em sẽ rất thích thú, tự do thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình. Có gì hạnh phúc hơn tự do, và có sự tự do nào cảm khái bằng tự do tư tưởng.
|
Đề thi tốt nghiệp THPT 2012 môn Ngữ văn |
Đề thi năm nay yêu cầu thí sinh bàn đến thói dối trá. Có thể nói đề tài đưa ra như một cách để điều tra xã hội học và bài viết của các em chính là bản trả lời. Tổng kết được nội dung các bài viết, sẽ cho ra một kết quả điều tra, để thấy được suy nghĩ, đánh giá của học sinh lứa tuổi 18 của cả nước về đạo đức xã hội hiện nay.
Tin rằng, sẽ có nhiều bài phân tích, bình luận của các em về thói dối trá làm cho nhiều người lớn phải giật mình. Thực tế hiện nay, thói dối trá đang lan tràn trong xã hội. Ở lứa tuổi sắp bước vào đại học, các em đủ khả năng để phân biệt được đúng sai, lừa lọc, giả dối.
Những vụ án tham nhũng là biểu hiện của sự dối trá, các vụ tiêu cực chạy chức, chạy án cũng là sự dối trá… Ngay trong ngành giáo dục, nạn chạy điểm, mua bán bằng cấp học vị, đạo văn, làm giả hồ sơ khoa học để được phong học hàm... là sự dối trá ghê gớm. Các em có công cụ Internet để đối chiếu, so sánh lời nói, việc làm và chân dung thật của nhiều người cho nên càng khám phá ra nhiều sự dối trá.
Chung quanh các em, người ta làm hàng gian, hàng giả, thực phẩm bẩn, thịt thối, xăng pha tạp chất và nhiều thứ lừa đảo khác. Các em thấy rõ, hiểu rõ, cho nên phải để cho các em lên tiếng phê phán, kêu gọi cộng đồng lên án chống lại điều xấu xa đó. Để các em được nói tiếng nói của mình, trình bày suy nghĩ của mình là cách để cho công dân nhanh chóng trưởng thành và từ đó “cây dân chủ” mới lớn lên.
Cho các em phê phán thói xấu cũng là gợi mở cho các em nhận thức sâu sắc về cái đẹp, giá trị của sự trung thực. Không phải chỉ đột phá trong một đề thi của một kỳ thi. Ngành GDĐT nhanh chóng thay đổi cách dạy văn theo hướng tôn trọng sự tự do suy nghĩ và tự do sáng tạo.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.