Từ đồng ruộng tới bàn ăn, thấp thỏm lo ngộ độc

Thứ tư, ngày 13/04/2011 13:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 2010 đã phát hiện 41/664 mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép (chiếm tỷ lệ 6,17%) và nhiều thực phẩm nông sản từ động thực vật có dư lượng Salbutamol.
Bình luận 0

Từ đồng ruộng tới bàn ăn, từ người sản xuất tới người chế biến đều khó đảm bảo sự an toàn của thực phẩm... Tháng hành động vì An toàn vệ sinh thực phẩm năm nay (từ 9.4 tới 9.5) tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng này.

Rau độc...

img

Người nông dân vẫn có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà không cần tư vấn.

Ngày 12.3 vừa qua, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại Công ty giầy Hong Fu Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa) khiến 230 công nhân phải nhập viện. Nguyên nhân gây ngộ độc được xác định là rau bắp cải trong bữa trưa của công nhân còn tồn dư quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Khi sự việc được làm rõ, nhân viên nhà bếp biện bạch rằng họ không thể kiểm tra rau trước khi chế biến xem có chất độc hại hay không...

Thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các sản phẩm như rau củ quả, thịt, cá... là điều rất khó khăn. Đặc biệt, tại các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, việc tiến hành thanh, kiểm tra lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê của Bộ NNPTNN, trong năm 2010 Bộ đã phát hiện 41/664 mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép (chiếm tỷ lệ 6,17%) và nhiều thực phẩm nông sản từ động thực vật có dư lượng Salbutamol (chất cấm trong thực phẩm sản xuất chăn nuôi) quá cao, gây mất ATVSTP. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số “khiêm tốn”, mà thực tế nếu tiến hành thanh kiểm tra gắt gao, trên quy mô rộng hơn thì con số này chắc chắn còn cao gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho rằng: “Hiện nay Bộ NNPTNN được giao toàn quyền tiến hành hoạt động thanh kiểm tra về ATVSTP trong sản xuất và chế biến nông - lâm - sản. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác này còn mỏng, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thêm vào đó là nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tác hại của việc mất ATVSTP, nên công tác thanh kiểm tra vẫn còn gặp nhiều trở ngại”.

Thịt cũng thiếu an toàn

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011 có chủ đề: "Sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm". Theo Bộ Y tế, đây là vấn đề sống còn để đảm bảo sức khoẻ toàn dân. Sắp tới, để triển khai Luật An toàn thực phẩm, Bộ sẽ hướng dẫn cấp xã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP.

Anh Bùi Văn Công - một nông dân nuôi gà tại An Dương (Hải Phòng) cho hay, vì lo ngại dịch bệnh nên đàn gà nhà anh được tiêm vaccin "chuẩn" và sẵn sàng sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết. Nhưng với nông dân, nếu không được tập huấn thì tình trạng tồn dư kháng sinh và chất độc hại trong gia cầm, thuỷ cầm sẽ xảy ra.

Anh Công chia sẻ: "Chúng tôi là nông dân, làm sao biết được thuốc này hay thuốc kia còn tồn đọng trong gà, vịt".

Theo Cục ATVSTP, hiện nay nhiều mô hình chăn nuôi gà vịt theo tiêu chuẩn VietGap cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong cả nước. Tuy nhiên mô hình này mới chỉ ứng dụng cho khoảng 3% cơ sở chăn nuôi, điều đó có nghĩa 97% cơ sở chăn nuôi còn lại chưa kiểm soát được ATVSTP.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi động vật tại các địa phương cũng chưa thật thường xuyên. Do đó, việc sản xuất thực phẩm chứa kháng sinh, hooc môn tăng trưởng trong các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn còn cao.

Ông Nguyễn Quang Trực - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho hay: "Hiện tỉnh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Thông qua các hoạt động đó để nâng cao nhận thức của người sản xuất về việc cần thiết phải đảm bảo VSATTP". Tuy nhiên ông Trực cũng thừa nhận thực tế là hiện nay do còn nhiều hạn chế về nguồn kinh phí, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật nên Sở cũng "lực bất tòng tâm".

Từ đồng ruộng, thực phẩm đã khó kiểm soát thì tới bàn ăn càng khó hơn khi mà ngay các cơ sở chế biến thực phẩm còn phớt lờ các quy định của pháp luật. Theo số liệu của Cục ATVSTP, hiện cả nước mới có 133.877 cơ sở (chiếm 40%) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Như vậy, 60% cơ sở còn lại luôn thường trực là “thủ phạm” gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem