Từ giấc mơ Mẹ Việt Nam anh hùng…

Nam Cường Thứ ba, ngày 13/02/2024 06:00 AM (GMT+7)
Họa sĩ Đinh Gia Thắng kể, trước năm 2005, khi tỉnh Quảng Nam mở cuộc thi phác thảo tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (ý tưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), anh cũng có tới 4 phác thảo nhưng không ưng ý nên không dự thi.
Bình luận 0

"Khi bắt tay vào vẽ phác thảo tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, điều tôi trăn trở là làm sao truyền tải được thông điệp hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, làm sao để ai, dù ở bên nào, khi đứng dưới tượng nhìn lên cũng cảm nhận được lòng bao dung của mẹ" - họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, tác giả tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tâm sự.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2022 vào tháng 5/2023, trải lòng: "Mình mê những tác phẩm điêu khắc lớn vì nó tạo nên hiệu quả thị giác và ấn tượng mạnh mẽ tới công chúng, nhưng nỗi niềm đau đáu của mình chính là những người Mẹ, ước mơ một ngày nào đó, sẽ có một kiệt tác tượng đài về những người mẹ Việt Nam anh hùng. Mình đã tới thăm hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp các tỉnh thành. Riêng với mẹ Nguyễn Thị Thứ - người có 9 con là liệt sĩ, khi mẹ còn sống, hầu như tuần nào mình cũng đến thăm mẹ…".

Từ giấc mơ Mẹ Việt Nam anh hùng…- Ảnh 1.

Cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: T.L

Họa sĩ Đinh Gia Thắng kể, trước năm 2005, khi tỉnh Quảng Nam mở cuộc thi phác thảo tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (ý tưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), anh cũng có tới 4 phác thảo nhưng không ưng ý nên không dự thi. Trong tâm khảm, anh vẫn khao khát một tác phẩm lớn về mẹ, nhưng chưa biết nó như thế nào. Rồi một ngày, trở về từ nhà mẹ Thứ, anh trăn trở mông lung, suy nghĩ mãi về hình tượng mẹ Thứ và những người con, về những nỗi đau, mất mát mà mẹ chịu đựng... Đêm đó, một giấc mơ kỳ lạ đến với anh. Trong bản hòa tấu bi hùng, khuôn mặt mẹ Thứ hiện rõ mồn một, mẹ giang 2 tay che chở những người con, kỳ ảo như đôi cánh phượng hoàng. Và xung quanh mẹ và các con, những khối mây, thác nước, ngọn núi… cùng xuất hiện trong giấc mơ. Họa sĩ Đinh Gia Thắng vùng dậy, bàng hoàng thảng thốt, phải chăng mẹ hiện trong giấc mơ, yêu cầu anh vẽ? Và ngay trong đêm đó, anh đặt nét chì đầu tiên, và những gì xuất hiện trên trang giấy đều tuôn ra từ giấc mơ kỳ lạ đó. Xong, anh lại tiếp tục ngủ, như thể chưa hề có giấc mơ, chưa hề vùng dậy thể hiện lại những điều đã thấy…

Ngay sáng hôm sau, chỉ một vài nét chỉnh sửa, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã có ngay phác thảo ban đầu để lần đầu tiên dự thi. "Nói thật, đến bây giờ mình vẫn không tin đó là sự thật, bởi thế, câu chuyện này mình giữ kín. Có lẽ, đó là tác phẩm trời cho" - anh thật thà.

Từ giấc mơ Mẹ Việt Nam anh hùng…- Ảnh 2.

Họa sĩ Đinh Gia Thắng bên mẹ Thứ. Ảnh: Nam Cường

Họa sĩ Đinh Gia Thắng sinh năm 1957 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài tác phẩm quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, anh còn là tác giả của tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc (Quảng Nam); tượng đài Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Anh cũng đang làm tượng đài huyền thoại Trường Sơn (dự định đặt ở huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam)

Phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng ngay lập tức được chọn để làm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau này, như ông Đinh Hài – cựu Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam tiết lộ, trải qua mấy lần thi, hàng chục lần Hội đồng nghệ thuật nâng lên hạ xuống, ai cũng nhất trí với tác phẩm phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng. "Vì nói thật, nếu không chọn của Thắng, có lẽ đến bây giờ, quá trình làm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn ở giai đoạn… thi chọn tác phẩm phác thảo" - ông Hài tiết lộ.

"Khó nhất khi làm tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng chính là đôi mắt, khuôn mặt" - họa sĩ Đinh Gia Thắng trầm ngâm nhớ lại. "Mẹ Thứ là người Quảng Nam, nhưng tôi muốn, ai nhìn vào tượng đài, nhìn vào khuôn mặt mẹ cũng có cảm giác như là mẹ chung của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc". Trước hết là khuôn mặt, làm sao để không có cảm giác quá cười vui, cũng không thể nghiêm nghị nhưng cũng không quá đau buồn. Sau đó là đôi mắt - khó nhất chính là đặt con ngươi, để ai đứng ở góc nào, cũng có cảm giác đôi mắt mẹ như đang dõi theo.

Anh nhớ lại, thời điểm làm tượng, có lần bà Hà Thị Khiết - lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tới thăm và nhận xét tác phẩm chính là thông điệp đại đoàn kết dân tộc. Thông điệp này, sau khi tượng hoàn thành, sẽ trường tồn mãi với thời gian... Quả thật, anh Đinh Gia Thắng kể lại, sau này, có nhiều người ở phía bên kia chiến tuyến đã tới thăm tượng đài, thắp 3 nén hương, khóc và xin mẹ tha lỗi vì ngày trước đã cầm súng bắn vào anh em mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem