Ông Hường tâm sự: “Vợ chồng tôi lấy nhau, tài sản chẳng có gì quý giá. Tôi học hàng chục nghề, nhưng không gắn bó được với nghề nào lâu…”. Đầu năm 1994, ông vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT huyện Ninh Phước, mua 11 con dê giống và xây dựng chuồng trại. Ông vừa nuôi, vừa học về thú y. Sau 3 năm, ông đã có đàn dê 350 con.
Lúc này, dê đang trong thời điểm có giá, từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/con. Ông bán gần hết đàn dê để trả các khoản nợ cũ và dư được trên 300 triệu đồng. Ông dùng tiền mua 1,5ha đất cát trắng bỏ hoang và quyết tâm nuôi tôm sú. Nhờ thời tiết thuận lợi, cộng thêm giá cả hợp lý nên vụ đầu tiên, ông thu được 10 tấn, doanh thu 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng.
“Cầm số tiền lớn trên tay mà cả gia đình tôi như đang trong mơ. Không ai có thể ngờ bãi cát trắng hoang vu lại có thể đẻ ra tiền, đúng hơn là đẻ ra vàng. Tôi lại mua thêm 3ha đất cát trắng nữa để mở rộng ao nuôi tôm. Do chăm sóc kỹ nên các vụ tiếp theo, tôi thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/ha” – ông Hường kể.
Ông Tu Thanh Hường phát biểu tại lễ tuyên dương học sinh giỏi địa phương. Ảnh: C.T
Năm 2004, bệnh dịch xảy ra trên tôm sú làm ông thất bát. Năm sau, ông Hường chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Sự lựa chọn đúng đắn này đã giúp kinh tế của gia đình ông phát triển vượt bậc. Hiện nay, ông đã có 7ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trung bình xuất bán ra thị trường từ 100 – 150 tấn tôm/năm, doanh thu 10 – 12 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi 5- 8 tỷ đồng/năm.
Trang trại nuôi tôm của ông Hường đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông còn cho những lao động khó khăn mượn tiền để xây nhà kiên cố mà không lấy đồng lãi nào. Hàng năm, ông đóng góp công tác xã hội cho địa phương từ 20 – 30 triệu đồng.
Năm 2012, 2013, ông Hường vinh dự nhận bằng khen của T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam; năm 2014, 2015, ông nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Mới đây, ông vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.