Tử huyệt từ các trường đại học hàng đầu

Thứ ba, ngày 19/03/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chất lượng giáo dục Việt Nam đang tụt xa so với các nước tiên tiến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu này. Trong số đó, gần đây nhiều người quy lỗi cho việc mở nhiều trường và cấp bằng dễ dãi. Có đúng như vậy?
Bình luận 0

Cấp bằng tùy tiện...

Trên thực tế, số lượng trường đại học của nước ta nếu tính theo đầu người, thì còn thua rất xa các nước nhóm đầu. Việc không kiểm soát chất lượng giảng dạy và cấp bằng tùy tiện hiển nhiên là làm giảm thấp uy tín của giáo dục Việt Nam. Nhưng tử huyệt chất lượng giáo dục Viêt Nam lại nằm ở nơi khác, đó là: Chất lượng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam bị xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cạnh tranh quốc tế, và trên thực tế không thể lọt vào nhóm 200 trường đầu bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới.

Tại sao lại nói chất lượng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam là tử huyệt của chất lượng giáo dục Việt Nam? Bởi vì, các trường đại học hàng đầu Việt Nam là đại diện cho Việt Nam để sánh vai với đại học các cường quốc năm châu, nhưng hiện nay lại hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh quốc tế, và trên thực tế, đang quay lại cạnh tranh với các trường địa phương trong nước. 

Nếu chúng ta có vài trường nằm trong nhóm 50 trường danh tiếng nhất thế giới, thì dẫu có đến vài trăm trường đại học tỉnh lẻ mở ra, các nước khác không vì thế mà dám đánh giá thấp trình độ đại học VN. Nói cách khác, chất lượng của các trường đại học hàng đầu thể hiện độ cao thước đo chất lượng giáo dục đại học của một quốc gia. Nếu độ cao này mỗi ngày bị thấp đi hay không lớn lên được là phản ánh sự tụt hậu của nền giáo dục.

Nhân sự – chìa khóa của mọi tiến bộ

Nhiều năm gần đây, chúng ta thường viện lỗi cơ chế để biện minh cho mọi thất bại. Cơ chế là do con người sinh ra và chính con người có thể thay đổi cơ chế. Nhưng ai có thể làm được việc đó? Ở đây mới thấy được vai trò cá nhân quan trọng đến dường nào. Để làm được cách mạng vào những thời điểm khó khăn nhất, cần có những cá nhân xuất chúng.

Nhắc đến cố Bộ trưởng - Giáo sư Tạ Quang Bửu để thấy rằng nền giáo dục Việt Nam thật sự thiếu một thuyền trưởng tài năng. Chừng nào chưa có người cầm lái xứng tầm, con thuyền giáo dục Việt Nam sẽ còn luẩn quẩn trong muôn vàn sóng lũ, ngày càng tụt xa thêm với láng giềng, đâu dám mơ đến bắt kịp nhóm đầu của giáo dục nhân loại.

Những năm thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, cố Bộ trưởng - Giáo sư Tạ Quang Bửu đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Nền giáo dục Việt Nam phải hàm ơn ông rất nhiều. Ông có tầm nhìn sáng láng và bản lĩnh lãnh đạo đáng nể. Ông dám quyết định, kiên quyết đấu tranh và thậm chí trực tiếp gặp cả thủ tướng để phá rào những điều cấm kỵ. Ông nhìn thấy nghiên cứu khoa học là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, rằng giáo dục không thể tách rời nghiên cứu khoa học.

Vì thế ngay cả trong những năm khốc liệt nhất của chiến tranh, ông đã cố gắng liên hệ để mời được những nhà khoa học giỏi của thế giới đến Việt Nam giảng bài. Bản thân ông nhiều lần trở thành thông ngôn cho những bài giảng đó. Ông thúc đẩy hình thành những nhóm nghiên cứu khoa học với mong mỏi lập nên trường phái Hà Nội. Và nhờ đó hình thành nên những nhóm nghiên cứu về Tối ưu và về Kỳ dị của nước ta nổi tiếng quốc tế.

Cá nhân ông thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề của nhiều lĩnh vực. Ông thúc đẩy hình thành hệ thống các trường chuyên toán, đưa Việt Nam vào nhóm đầu có học sinh học toán xuất sắc của thế giới. Ở một mức độ nào đó, có thể nói giải thưởng toán học Fields danh giá của Giáo sư Ngô Bảo Châu là thành quả xứng đáng của sáng kiến và nỗ lực thiết lập hệ thống trường chuyên của cố Bộ trưởng - Giáo sư Tạ Quang Bửu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem