Nhiều ý kiến đã cho rằng cần phải kiểm tra, phúc tra trên phạm vi cả nước; thậm chí cả năm trước đó để tìm ra các sai phạm (có thể) trong thi cử và tuyển sinh…
Lúng túng và luẩn quẩn
Sự phẫn nộ trong xã hội là có thể hiểu được vì lâu nay, một thực tế là việc chạy trường, chạy điểm, chạy lớp được đồn thổi "râm ran, âm ỉ" từ những đô thị sầm uất cho tới các vùng quê. Đã có rất nhiều bài báo, nhiều ý kiến trên các diễn đàn khác nhau… như rơi tõm vào hư vô và chưa tìm được giải pháp để giải quyết tận gốc.
Kết thúc kỳ thi, nhiều em học thật thì khóc vì không đủ điểm tuyển sinh; trong khi có em học giả lại chễm chệ ngồi vào giảng đường các trường danh giá.
Cơ quan công an vẫn tiếp tục tiến hành làm rõ xem có ai là đồng phạm của ông Lương hay không. Ảnh IT
Nguyên nhân có nhiều, nhưng một thực trạng mà ai cũng nhận thấy là nền giáo dục nước nhà nhiều năm nay lúng túng, luẩn quẩn trong việc tìm ra chiến lược và sách lược dài hạn cho sự nghiệp giáo dục.
Từ cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi chương trình học, ghép các môn học và đáng nói nhất là thay đổi cách thức thi cử, tuyển sinh trong vòng 20 năm trở lại đây đã đem lại nhiều biến động với các thế hệ học sinh hết cấp học.
Ý kiến “đừng đem các em ra làm chuột bạch nữa” chưa được lắng nghe đầy đủ để có cách giải quyết triệt để. Từ thi riêng đến thi 2 chung rồi 3 chung. Rồi việc đăng ký nguyện vọng, xét tuyển mỗi năm một khác: Lúc thì chặt, lúc lại mở quá. Tất cả đã khiến cho thí sinh và gia đình cứ tít mù, vòng quanh.
Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành giáo dục với mong muốn tìm ra một chiến lược, một cách thức thi cử và tuyển sinh phù hợp với cả nước.
Nhưng cũng chưa thể thống kê hết được những bất cập trong mỗi lần ngành giáo dục thay đổi cách thức thi cử và tuyển sinh đã tác động thế nào tới các thế hệ học sinh…
Dũng cảm thay đổi, có dám không?
Vì vậy, điều cần làm hiện nay là ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn thẳng vào những bất cập, những hạn chế, khuyết điểm trong chiến lược giáo dục của mình, nhất là với công tác thi cử và tuyển sinh để có giải pháp mang tính đột phá, ổn định.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã xin ý kiến tại cuộc họp với UBND tỉnh này về đề nghị điều tra sai phạm liên quan đến điểm thi trên địa bàn. Ảnh: Phương Hòa
Các trường đại học, cao đẳng… căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, chọn sinh viên vào học trong khi kỳ thi THPT lại do các tỉnh, thành thực hiện… thì việc tiêu cực làm sai lệch điểm lên đến cả 8-9 điểm bài thi là điều hoàn toàn có thể xảy ra, mà Hà Giang là điển hình.
Từ thực tế ấy, vấn đề đặt ra đã là giáo dục phổ thông có nhất thiết phải thi tốt nghiệp không hay chỉ cần cấp chứng nhận cho các em đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông? Vì suốt 12 năm học, có năm nào, học kỳ nào mà không thi đâu! Sau mỗi kỳ thi THPT, cơ bản các em đều đỗ tốt nghiệp.
Nên chăng chỉ cần phân cấp, giao thẩm quyền cho Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường THPT công nhận các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trên cơ sở kết quả học tập các năm học đã có trong hồ sơ học tập?
Cùng với đó, việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng cần phải được giao cho các trường chủ động thực hiện trên cơ sở kết hợp xét tuyển theo hồ sơ và thi tuyển, sát hạch đầu vào.
Không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém như thời gian qua mà vẫn không đảm bảo minh bạch, công bằng, khách quan theo đúng nghĩa của thi cử.
Đã đến lúc phải xóa bỏ tư duy bao cấp trong giáo dục, nhà nước lo hết mọi thứ mà không phân cấp, phân quyền cho các nhà trường, các cơ sở giáo dục… để chuyển sang tư duy thị trường trong giáo dục. Trong cơ chế thị trường, hội nhập của thời kỳ công nghiệp 4.0, cần phải coi mỗi một học sinh, lên lớp, ra trường, tốt nghiệp, đi làm… là một sản phẩm của giáo dục.
Trên đây, chỉ là một vài suy nghĩ về cái sự thi cử và tuyển sinh ở nước ta thời gian qua với mong muốn, ngành giáo dục, đào tạo nước nhà cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để phá đi cái vòng luẩn quẩn, lúng túng trong sự học, sự thi của nền giáo dục nước nhà.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.