Từ mảnh đất của người vượt biên đến khu sinh quyển nổi tiếng

Thứ sáu, ngày 28/09/2012 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những quá khứ kinh hoàng của đoàn người vượt biên giờ đã thành dĩ vãng. Cù Lao Chàm giờ đã giang tay đón nhận du khách về thăm thú khu sinh quyển nổi tiếng...
Bình luận 0

Nơi lột xác cho những kiếp người

Trong đống tư liệu cũ nát của Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm vẫn còn tên tuổi và địa chỉ của những người từng vượt biên xưa kia. Tuy nhiên, đã gần 30 năm trôi qua, việc tìm lại những con người này rất khó khăn. Thậm chí có người khi được gọi điện hỏi thăm đã lập tức từ chối và không muốn nhắc lại thời kỳ kinh hoàng đó, nhưng hầu như ai cũng bảo: “Những người dân Cù Lao Chàm đã tái sinh cho chúng tôi. Cái ơn ấy sâu nặng lắm. Xin ngàn vạn lần cảm tạ họ”…

img
Khách du lịch thường rời Cù Lao Chàm sớm vì điều kiện vậtchất, hạ tầng quá kém.

Ông Lê Khắc Hoàng là người vượt biên duy nhất chịu tiếp chúng tôi. Ông Hoàng giờ đã là chủ của một loạt khách sạn, nhà nghỉ trên dọc đường Phạm Văn Đồng TP. Đà Nẵng. Ông đã có tuổi, con cháu đề huề nhưng những ngày định mệnh của 30 năm trước thì ông vẫn còn nhớ như in. Đà Nẵng giải phóng thì ông Hoàng đang là lính tiếp vụ của chế độ cũ (lính hậu cần).

Sau khi trình diện chính quyền cách mạng và đi học tập cải tạo về, vài năm sau, ông được “đồng đội” của mình móc nối và “động viên” vượt biên. “Đồng đội” ở đây là tổ chức của những lính ngụy không chịu trình diện để học tập cải tạo. Đoàn vượt biên gồm 2 chiếc tàu và gần trăm người, ra đến biển thì những “đồng đội” lộ nguyên hình là những tên cướp.

Chúng cướp tiền vàng và cũng như kịch bản trước nay, những người khốn khổ bị lùa sang con tàu nhỏ mục nát, không thức ăn, nước uống. Sau 15 ngày, con tàu mới trở lại được Cù Lao Chàm. Uống chén nước cháo của người dân đảo và các chiến sĩ biên phòng bón cho, ông Hoàng mới bàng hoàng nhận ra quyết định rời bỏ quê hương của mình vô cùng ngu dốt. Trở về, ông làm lại cuộc đời và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông cũng cho biết những người đi cùng ông chuyến đó cũng không có ai “tái phạm” tội vượt biên nữa.

Bấy lâu nay, Quảng Nam và Cù Lao Chàm trăn trở với bài toán khó: Phát triển dịch vụ du lịch quy mô tại Cù Lao Chàm để thu hút khách thì sẽ phá hỏng môi trường, cảnh quan; còn không phát triển các dịch vụ hạ tầng thì không thu hút được khách, đời sống người dân lại vẫn nghèo đói. Riêng ông Hoàng - người mang ân nghĩa sâu nặng với hòn đảo này dường như đã tìm ra lời giải cho bài toán ấy.

Ông trầm ngâm: “Cù Lao Chàm như tiên cảnh, một nhành san hô, một ghềnh đá cũng không được đụng tới. Nhưng phải có cơ sở hạ tầng tốt (nơi ăn nghỉ) thì mới thu hút được khách du lịch và nâng cao đời sống cho người dân tại đây. Tôi đã đi nhiều nước tham khảo các mô hình du lịch biển đảo và thấy mô hình làm các khách sạn nổi trên biển đặt quanh Cù Lao Chàm là hợp lý nhất. Việc làm các khách sạn nổi trong tầm tay của thợ Việt Nam”.

Hạt cát vàng lầm lụi

Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi đón hàng ngàn lượt khách (đa số là khách nước ngoài), trong khi cả đảo chỉ có hơn 2.000 người nhưng đời sống bà con ngoài này vẫn rất khó khăn. Vậy có kỳ không?”. Anh Nguyễn Văn Vinh- chủ nhà nghỉ Hoa Lưu Ly (nhà nghỉ lớn nhất tại đây) cho biết: “Rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến đây với ý định lưu lại lâu ngày nhưng chỉ được đôi bữa là họ nằng nặc... về”.

Thực tế, cơ sở hạ tầng của khu du lịch này gần như bằng không. Ngay nhà nghỉ Hoa Lưu Ly lớn nhất đảo cũng không có điện, phòng ốc quá sơ sài. Trước nhu cầu khách du lịch muốn ở lại, UBND phường Tân Hiệp đã phải tự xoay xở: Cho mỗi hộ dân (đã có nhà xây kiên cố) vay ưu đãi 15 – 20 triệu đồng sửa sang phòng cho khách thuê.

Ông Lê Khắc Hoàng quả quyết: “Tôi sẽ thực hiện dự án khách sạn trên biển quanh Cù Lao Chàm khi điều kiện cho phép và chắc chắn tôi sẽ thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình, là được đứng trên con tàu biển của mình nhìn vào Cù Lao Chàm với niềm vui hân hoan, chứ không phải cái nhìn sợ hãi như 30 năm trước nữa”.

Hiện tại ở Cù Lao Chàm đang có mối mâu thuẫn rất lớn giữa chính sách và thực tế: Vì là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận nên mọi việc xây dựng công trình mới tại đây chịu sự quản lý rất ngặt nghèo. Các nhà đầu tư muốn phát triển du lịch quy mô, bài bản, lâu dài khó có thể triển khai.

Ông An cho biết, hiện có đến vài chục nhà đầu tư đến đặt vấn đề phát triển du lịch tại đảo nhưng không được chấp nhận. Tuy chính sách là cấm ngặt việc xây dựng, nhưng do nhu cầu khách du lịch tăng cao, người dân tự ý cơi nới nhà cửa, xây dựng không theo quy hoạch mà không thể cản nổi.

Thời gian tới không có điều chỉnh mới sẽ dẫn đến lộn xộn, ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến những khu sinh quyển mà chính sách vĩ mô kia muốn bảo vệ.

Theo UBND phường Tân Hiệp, cơ chế cho địa phương tự phát triển du lịch là rất cần thiết, tuy nhiên việc này đã được đề đạt lên cấp trên từ năm 2005 mà đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem