Tu sĩ hoàn tục được giữ tài sản không?

Bảo Yến Thứ năm, ngày 11/11/2021 13:36 PM (GMT+7)
Cựu tu sĩ Thích Đồng Huệ có đơn xin hoàn tục gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều bạn đọc quan tâm, tu sĩ hoàn tục có được giữ lại tài sản. PV Dân Việt đã liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tìm hiểu vấn đề này.
Bình luận 0

Thủ tục tu sĩ hoàn tục như thế nào?

Như Dân Việt thông tin, ngày 8/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ban hành quyết định "cho hoàn tục và cho thôi tất cả chức vụ trong GHPGVN" đối với tu sĩ Thích Đồng Huệ - thế danh Nguyễn Ngọc Triệu.

Trong đơn gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN, tu sĩ Thích Đồng Huệ cho biết vì "mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe không tốt", xin phép Giáo hội được hoàn tục.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Triệu cùng 5 bị can khác.

Các bị can bị điều tra về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị can bị cáo buộc đã nhận tiền của Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) - người vừa bị khởi tố điều tra trong vụ án nói trên, với mục đích "lo lót" cho Quân không bị xử lý hình sự.

Hoàn tục được giữ tài sản không? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Triệu (cựu tu sĩ Thích Đồng Huệ) đã có đơn xin hoàn tục trước khi bị bắt vì liên quan đến vụ "chạy án" cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trao đổi với Dân Việt về sự việc trên, Thượng tọa Thích Thanh Huân - Ủy viên thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh văn phòng GHPGVN cho biết: Ngày 8/11/2021 Văn phòng TƯ GHPGVN nhận được đơn xin hoàn tục của Tu sĩ Thích Đồng Huệ và đã được Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Ban Tăng sự TƯ GHPGVN chấp thuận. Như vậy, tu sĩ Thích Đồng Huệ đã không còn là thành viên của GHPGVN.

"Khi còn là tu sĩ thầy Đồng Huệ (Nguyễn Ngọc Triệu) là một người nhiệt tình và năng động với công việc, cá nhân thầy Đồng Huệ đã có những đóng góp nhất định cho đạo pháp và quần chúng nhân dân cũng như ngôi chùa nơi thầy Đồng Huệ trụ trì. Có lẽ do những yếu tố khách quan, chủ quan tạo nên mà thầy ấy tham gia vào sự việc như báo chí đã đưa tin, quả thực rất đáng tiếc” - Thượng tọa Thích Thanh Huân nói. 

Nói về thủ tục hoàn tục của tu sĩ, Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết: “Khi một người không tiếp tục tu hành, bản thân sẽ có thông báo ý định của mình với các bên liên quan trước hết là thầy tổ, sơn môn pháp phái, phía bên chủ quản ngành dọc sẽ thông báo cho tăng ni, phật tử, mọi người dân được biết người đó không còn là tu sĩ Phật giáo nữa”.

Theo Thượng tọa, tu sĩ đó liên quan đến đâu thì sẽ thông báo đến đấy. Đầu tiên sẽ phải thông báo đến anh em huynh đệ trong sơn môn pháp phái. 

Sau đó là giáo hội, giáo hội cấp địa phương như huyện, tỉnh, Trung ương tùy theo mỗi người. Nếu người đó ở cấp trung ương thì phải thông báo cho giáo hội cấp Trung ương.

Hoàn tục được giữ tài sản không? - Ảnh 2.

Thượng toạ Thích Thanh Huân - Uỷ viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương, Phó Chánh Văn phòng TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nói về tài sản của tu sĩ, Phó Chánh văn phòng GHPGVN phân tích: "Người "đi tu" nói chung không chỉ là đối với Phật giáo mà các Tôn giáo khác cũng vậy. Đó là một cuộc sống phụng hiến cho lý tưởng, làm lợi ích cho nhân quần xã hội. 

Từ khi đi tu sống trong môi trường tôn giáo thì bản thân người tu sĩ đã thuộc về tổ chức tôn giáo , mọi vật dụng nơi cơ sở tôn giáo đều thuộc về của công. 

Khi một người đi tu vì bất kỳ lý do gì sau đó hoàn tục, thì những vật dụng, tài sản đã thuộc về của công, người đó không có quyền sở hữu, tài sản đó thuộc về của tổ chức tôn giáo, thuộc về cộng đồng".

 Hoàn tục được giữ tài sản không? 

Trao đổi với Dân Việt về quy định về người đi tu hoàn tục có được giữ tài sản không,  luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật Dân sự, "tài sản được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".

Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: "Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật".

Luật sư phân tích, tài sản chung của giáo hội là các tài sản đứng tên tổ chức như: Đền thờ, miếu mạo mang tính chất cộng đồng, thường gắn với công trình văn hóa, sở hữu toàn dân… những tài sản này phải trả lại cho cộng đồng.

Trong trường hợp có tài sản riêng thì tu sĩ khi hoàn tục có quyền được giữ.

Hiện nay, chưa có quy phạm pháp luật cụ thể nào quy định về việc sử dụng chi phí công đức, cung tiến,... dùng vào việc riêng bao nhiêu, chung bao nhiêu. 

Vì vậy, đối với người tu hành có đức đạo sẽ dùng chi phí công đức đó phục vụ tôn giáo chung. Bên cạnh đó nhiều đối tượng lợi dụng tôn giáo, từ thiện, nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, gây thất thoát.

Song vì chưa có quy phạm pháp luật nên người thực hiện không có dấu hiệu phạm tội, lạm dụng tín nhiệm hay trách nhiệm của cơ sở tôn giáo này cũng chưa được làm rõ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem