Từ sông Cầu đến sông Duna

Thứ hai, ngày 07/02/2011 08:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngồi câu cá cạnh Duna nhớ lại những ngày giá rét căm căm, nhưng dân làng tôi vẫn phải ngâm mình trong nước lạnh đến tận ngực và đẩy chiếc xiếc đánh cá (với tôi khi đó là khá nặng) trong dòng Tào Khê hay đầm làng mà thấy thương quá đỗi.
Bình luận 0
img
Sông Cầu. Ảnh: Lưu Quang Phổ

Khúc sông thời thơ ấu

Sông Cầu chỉ cách làng tôi khoảng 2km, thế mà cho đến 18 tuổi tôi chỉ qua con sông "nước chảy lơ thơ" đó có một lần vào lúc chiều tà, khi vác đuốc theo ông bác ruột đi bắt ếch tận bên Thắng Cương (Yên Dũng, Bắc Giang) suốt đêm và trở về vào sáng hôm sau. Đến khi đó, tôi chưa một lần qua sông Đuống (chỉ cách làng tôi khoảng 3km), nói chi đến sông Hồng và các con sông khác. Một thời thực cơ cực và thật khó di chuyển với một đứa trẻ như tôi.

Đến 18 tuổi, tôi sống khá gần hai con sông nổi tiếng, sông Cầu và sông Đuống, nhưng thực sự chỉ biết kỹ dòng sông quê, dòng Tào Khê sát làng mình. Rồi tình cờ tôi được đưa lên tàu sang Hungary du học. Tôi sống cạnh con sông tuyệt đẹp mà người Hung gọi là Duna (Danubius theo tiếng Latinh hay Donau theo cách gọi của người Đức), con sông lớn thứ hai châu Âu. Tổng cộng tôi sống 13 năm cạnh con sông nổi tiếng đó.

Sông Cầu chẳng lớn hơn, chẳng xanh hơn Tào Khê làng tôi. Tào Khê nối với sông Cầu và thời đó thủy triều lên là nước sông lên. Chưa biết biển là gì nhưng qua các con nước lên xuống, Tào Khê đập cùng nhịp thở của biển cả, của trời đất. Khi nước lên, đoạn 2km cuối của Tào Khê khá lớn, chẳng kém sông Cầu.

Từ bờ đê này sang bên kia chỗ rộng có thể đến mấy trăm mét và bơi qua khoảng cách ấy cũng chẳng dễ, thế mà với bọn trẻ chăn trâu chúng tôi thì đó là chuyện nhỏ. Khi cạn, lòng sông thu lại chỉ còn vài chục mét và đó là thời điểm kiếm ăn thêm của dân làng tôi, đánh bắt tôm, cá.

Làng tôi còn có một cái đầm khá lớn nối với Tào Khê bằng một cái cống có 5 cửa được xây trong các năm 1930, nên được gọi là cống 5 cửa. Thả trâu trên đê, vui chơi thỏa thích với đủ trò: Nhảy từ cống 5 cửa xuống sông, lấy bùn làm cầu trượt để trượt từ đỉnh đê xuống lòng sông, thú chẳng kém bọn trẻ con bây giờ trượt cầu trượt ở công viên hay công viên nước, rồi chia phe đánh trận giả, bắt cá nướng ăn, hay ngắm từng đàn vịt trời bơi lội trên đầm.

Chim nhiều vô kể và đủ các loại. Bói cá, cò, vạc, chiền chiện... là những loại chim mà ta bắt gặp mỗi ngày. Mùa chim di cư thì cơ man nào là vịt trời, sếu, ngỗng trời, thậm chí chúng còn lên cả đồng màu bới củ (khoai lang).

Những cảnh đó còn in đậm trong ký ức tôi và gợi nhớ lại những năm khốn khó nhưng vui, đã mất hẳn và chẳng bao giờ trở lại. Cách đây khoảng 30 năm vào các năm 1980 khi về quê, đứa con trai lớn của tôi còn được nếm những cảnh sông nước mênh mông với cá, tôm, cua... nhưng chim đã ít dần. Nay cháu nội tôi chẳng còn cơ hội đó khi về quê. Toàn bộ tuổi thơ của tôi hòa với sông nước, nay chỉ còn là ký ức.

Duna hiền hoà

May mắn là tuổi thanh niên tôi vẫn được sống gần con sông dài thứ hai châu Âu. Tôi chỉ biết kỹ một đoạn dăm bảy chục km của Duna, nhất là đoạn nó chảy qua Budapest. Suốt 5 năm đại học, ngày nào chúng tôi cũng chạy thục mạng từ Thành Vár xuống ga tàu điện sát bờ sông, tàu leng keng dọc bờ sông chở chúng tôi đến trường. Trường cũng ở sát bờ sông. Buổi chiều lang thang trên bờ sông, hay dạo chơi trên đảo Margit tuyệt đẹp là cách thư dãn, hưởng thụ cái đẹp và sự thanh bình tuyệt vời.

Dòng sông hiền hòa và hiếm khi nước dâng cao gây lụt, ngay cả khi lụt nó cũng không quá hung dữ.

img
 

Cách trường vài chục km xuôi về phía hạ lưu, trường tôi có một trại câu cá ở một nhánh Duna. Trong các dịp nghỉ, các thầy đã đôi lần rủ tôi xuống trại câu để nghỉ và trổ tài câu cá. Cá diếc ở đó nhiều vô kể, câu rất dễ, có thể được cả chục cân một buổi sáng. Loại cá này không bị hạn chế, muốn câu bao nhiêu cũng được, mùa nào cũng được. Nhưng các loại cá khác, chẳng hạn cá chép thì không.

Có các quy định chặt chẽ về mùa cấm bắt (quy định rõ từ ngày tháng nào đến ngày tháng nào, thường là mùa cá đẻ, cấm không được bắt), về độ lớn của cá cho phép bắt. Thí dụ, không được bắt những con cá chép dài dưới 25cm (cách đo chiều dài cũng được quy định rõ ràng). Có hôm tôi câu được khá nhiều cá chép, làm cho các bạn câu (các thầy) phát cáu vì chẳng con nào cắn câu của họ, nhưng phải thả lại hết vì không con nào đạt tiêu chuẩn. Ai ai cũng tuân thủ các quy định đó. Bao giờ chúng ta mới có các quy định như thế và bao giờ người dân ta mới có ý thức về những việc loại như vậy!

Dòng sông quê tôi đã chết

Thi thoảng tôi quay lại Hungary hay châu Âu và thấy Duna vẫn đẹp như xưa.

Còn dòng sông quê tôi đã chết. Khi sông quê đã chết, tôi vẫn chưa biết kỹ về nó, trừ đoạn cuối nối với sông Cầu. Tìm hiểu thêm thì biết nó đã từng chảy khắp đất Bắc Ninh, qua những vùng nổi tiếng như Phật Tích, Đình Bảng.

Đúng vào năm tôi đi du học, 1965, người ta đã xây trạm bơm "thủy lợi" cạnh chiếc cống mà Tào Khê nối với sông Cầu để lấy nước vào hay bơm nước ra. Mối liên hệ tự nhiên của Tào Khê với sông Cầu và biển bị cắt đứt. Không còn các con nước. Tào Khê chỉ được dùng như "kênh thủy lợi" và chết dần.

Các cánh đồng hai bên bờ đầm làng tôi đang được thu hồi cho một công ty xây dựng khu công nghiệp. Con đầm và cả đoạn Tào Khê mà mấy chục năm trước vẫn trong xanh sẽ được dùng làm kênh xả nước thải của khu công nghiệp đó, rồi nước thải sẽ được bơm ra sông Cầu. Sông Cầu cũng đang ngắc ngoải vì ô nhiễm. Chỉ mất mấy chục năm người ta có thể hủy hoại hẳn một con sông đã có từ ngàn đời.

Ôi, giá mà đừng phá những dòng sông quê dù mục đích "cải tạo" chúng có cao cả đến đâu! Số phận của những con sông chẳng khiến chúng ta suy ngẫm lắm sao!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem