Khu vực thượng nguồn sông Hương đoạn qua hai xã Hương Thọ (huyện Hương Trà) và Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) có 7 bến đò ngang dân sinh. Trong đó, 6 bến thuộc quản lý chung của hai xã, bến còn lại xã Hương Thọ quản lý riêng. Tất cả những bến đò này luôn trong tình trạng quá tải, người đi đò không sử dụng áo phao.
|
Đò ngang qua phá Tam Giang ở bến Cồn Tộc luôn đầy ứ, người qua đò không mang áo phao. |
Thấy đò mà… run
Tại bến đò Ba Bến, khi chúng tôi có mặt, đò chuẩn bị rời bến chở học sinh qua sông. Chiếc đò nhỏ nhưng chở đến mấy chục học sinh, tất cả đều không mang áo phao, chỉ vài em sử dụng cặp sách có phao cứu sinh. Người dân cho biết, đây là bến đò chuyên đưa học sinh qua sông. Khi tới trường hoặc lúc tan trường là học sinh ùa lên đò, chen chúc đứng ngồi khiến đò quá tải nghiêm trọng. Áo phao và phao cứu sinh trên đò bị tấp một đống, mốc meo.
Tại các bến đò Nhà máy đường, Kim Ngọc, Định Môn, Thạch Hà, Điện Hòn Chén và bến Chùa, các con đò qua sông cũng luôn trong tình trạng quá tải. Theo quy định, mỗi đò ở đây chỉ được chở 9-12 người, hoặc 4-5 người và 3 xe máy, nhưng thực tế luôn chở đến hàng chục người, chưa kể nhiều xe đạp, xe máy và các loại hàng hóa cồng kềnh khác. Trong khi đó, sông Hương đoạn này nước rất sâu và chảy xiết, nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bến đò Cồn Tộc ở thôn An Gia, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), cũng là một trong những điểm nóng về mất an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Thừa Thiên - Huế. Mỗi chuyến đưa khách vượt phá Tam Giang, đò thường chở 20-30 người (theo quy định là 15 người) chưa kể hàng chục xe đạp, xe máy. Trên đò có vài ba cái áo phao nhưng chỉ treo ở đuôi đò cho khách… ngắm. Tại hơn 30 bến đò ngang khác trên địa bàn, tình trạng mất an toàn cũng diễn ra tương tự.
Quản lý bị buông lỏng
Ông Mai Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, do chưa có cầu nên 550 hộ dân với 2.800 khẩu ở khu vực phía nam của xã phải qua sông bằng đò. Mỗi ngày có khoảng 600-700 lượt người qua sông, trong đó có 300 lượt học sinh. Theo ông Xuân, việc quản lý các bến đò ngang rất khó do ý thức người dân chưa cao, biết nguy hiểm nhưng vẫn liều. Để dễ quản lý, địa phương phải dồn các bến lại, tuy nhiên nếu như vậy thì các đò lại càng quá tải nghiêm trọng.
Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đột xuất khi có bão lụt, còn bình thường thì kiểm tra làm chi!
Ông Nguyễn Thái - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng
Còn ông Nguyễn Thái - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thì cho rằng, tình trạng đò chở quá tải, người đi đò không sử dụng áo phao, chính quyền xã Hương Thọ phải cảnh báo cho dân. Ông Thái nói rằng, các đò ngang ở đây chủ yếu phục vụ người dân Hương Thọ, xã Thủy Bằng chỉ cho mở bến đỗ thôi, vì người dân xã này rất ít khi qua sông. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đột xuất khi có bão lụt, còn bình thường thì kiểm tra làm chi!”- ông Thái nói.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Bá Trung - Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận việc đò ngang dân sinh trên địa bàn chở quá tải và không sử dụng áo phao rất phổ biến. Ông Trung cho biết, từ năm 2008 đến nay, Ban An toàn giao thông tỉnh đã cấp 800 áo phao và phao vuông cho các đò ngang, đồng thời nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử lý các bến đò quá tải. “Tuy nhiên, khi thiếu vắng lực lượng chức năng là họ chủ quan” - ông Trung giải thích.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.