Bóng đá là một môn thể thao mang tính tập thể, để đi đến cuối chặng đường và đạt thành tích cao, đòi hỏi rất nhiều yếu tố của toàn bộ thành viên trong đội. Nhìn từ thành tích lần đầu tiên lọt vào bán kết của U23 Việt Nam tại Asiad 2018 và trước đó là chung kết U23 Châu Á, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học cho lĩnh vực kinh doanh, bởi một tập thể đội bóng thi đấu trong giải đấu có nhiều nét tương đồng với hoạt động của một doanh nghiệp trên thương trường.
Nhân sự: Tài năng là bắt buộc, nhưng kinh nghiệm cũng rất quan trọng
Mặc dù không phải là một đội bóng bao gồm những cầu thủ có giá trị giá cao trên thị trường cầu thủ bóng đá, nổi tiếng trong khu vực hay chơi ở các giải đấu lớn, nhưng đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại hội tụ được một lớp cầu thủ tài năng nhất từ trước đến nay.
Tuyển U23 Việt Nam đã chiến đấu hết mình trong trận bán kết gặp Hàn Quốc
Nguồn cầu thủ để lựa chọn chỉ có hạn, quan trọng là nhìn ra và lấy đúng người tài năng nhất. Và ban huấn luyện của U23 đã làm được điều này. Nhưng tài năng thôi chưa đủ, người được chọn phải có kinh nghiệm đủ để thích nghi với một giải đấu tầm cỡ châu lục. Đó là lý do mà những cái tên như Anh Đức hay Văn Quyết vẫn được lựa chọn cho đội tuyển tại ASIAD. Mặc dù không quá nổi bật hay ghi bàn thắng, nhưng đóng góp của hai cầu thủ này là không thể bàn cãi. Trong trận tứ kết gặp Syria, chính Anh Đức đã đón và tâng bóng bật xà ngang, và từ đó Văn Toàn có cơ hội để đệm bóng ghi bàn thắng duy nhất giúp U23 lọt vào bán kết.
Một trường hợp khác đó là tình huống lựa chọn thủ môn cho U23 Việt Nam tại Asiad, có hai cái tên được cân nhắc là Bùi Tiến Dũng và Văn Lâm. Cả hai cầu thủ đều được cho là tài năng nhất, một chín một mười. Nhưng cuối cùng Tiến Dũng đã được chọn, bởi anh đã thi đấu xuất sắc tại Asian Cup trước đó, khiến tài năng của anh được chứng thực bằng kinh nghiệm. Trên thực tế, Bùi Tiến Dũng đã thi đấu xuất sắc và góp công lớn vào thành tích của U23 Việt Nam tại ASIAD 2018.
Vượt qua khó khăn và khủng hoảng sẽ khiến tập thể mạnh mẽ hơn
Trong giải đấu Asiad 2018 và U23 Châu Á, U23 Việt Nam đã có những thành tích đạt dấu mốc lịch sử sau khi vượt qua những khoảnh khắc khó khăn để đánh bại được những đội tuyển mạnh. Có thể thấy, việc vượt qua được đối thủ mạnh và trên “cơ” như Nhật Bản tại Asiad 2018 hay thắng U23 Australia tại vòng bảng U23 Châu Á đã khiến tâm lý đội bóng trở nên mạnh mẽ, cứng rắn và điềm tĩnh hơn. Đó là bàn đạp tâm lý quan trọng để đội tuyển U23 Việt Nam liên tiếp vượt qua các đối thủ mạnh khác như Iraq hay Qatar để đi sâu một cách bất ngờ.
Cơ hội rất hiếm hoi, nếu có phải nắm bắt thật tốt
Nắm bắt thật tốt những cơ hội hiếm hoi có được
Trong một trận đấu 90 phút hoặc 120 phút nếu đá hiệp phụ, tưởng chừng dài nhưng số cơ hội để các cầu thủ dứt điểm thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đội bóng nào nắm bắt và tận dụng được tốt hơn những cơ hội có được thì sẽ giành chiến thắng. Trong ASIAD 2018, đội tuyển U23 Việt Nam đã làm được điều này, tại trận đấu với Syria và Bahrain, Công Phượng và Văn Toàn đã tận dụng được cơ hội ít ỏi trong cả trận đấu để giúp đội bóng giành chiến thắng.
Dữ liệu rất quan trọng
Trước mỗi trận đấu, các đội bóng đều nghiên cứu rất kĩ đối thủ để tìm ra lối chơi hợp lý và hiệu quả nhất. Dữ liệu ở đây bao gồm: các thông tin của đối thủ như thể hình, độ tuổi, tính cách, lịch sử thi đấu; và chính thông tin của bản thân để tìm ra điểm mạnh/yếu so với đối thủ. Những con số và tính toán cụ thể là rất quan trọng, từ đó tìm ra giải pháp vừa mang tính lôgic vừa khéo léo uyển chuyển. Trong ASIAD 2018, có thể thấy các trận đấu của U23 Việt Nam đều có đấu pháp rất hợp lý và khoa học. Đó là một yếu tố quan trọng giúp đội tuyển bước sâu vào vòng trong.
Kế hoạch dù hoàn hảo những có thể bị đổ bể bất cứ lúc nào
Ngay cả khi lên được kế hoạch hoàn hảo nhờ dữ liệu và đấu pháp hợp lý, luôn có những trường hợp bất khả kháng nằm ngoài dự trù của đội bóng.Ví dụ như, một cầu thủ quan trọng dính chấn thương hay một hậu vệ bị thẻ đỏ ngay những phút đầu của trận đấu, tình huống này có thể sẽ khiến kế hoạch của cả đội trước đó bị phá vỡ.
Không ngần ngại đưa ra thay đổi trong tình thế bế tắc
Trong trường hợp các cầu thủ không gặp sự cố đáng tiếc, đấu pháp được thực hiện tốt, nhưng toàn đội vẫn bế tắc hoàn toàn trong tấn công. Đó là lúc sự thay đổi cần phải được thực hiện ngay lập tức. Kể cả những ngôi sao của đội bóng cũng không ngoại lệ. Thực tế cho thấy, những quyết định thay cầu thủ của HLV người Hàn Quốc như cho Văn Toàn vào sân trong trận tứ kết hay Công Phượng trong trận bán kết đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho U23 Việt Nam, được ví như bước ngoặt của cả trận đấu.
Vai trò của người dẫn đầu
Người dẫn đầu vô cùng quan trọng
Người dẫn đầu của đội bóng ở đây bao gồm cả huấn luyện viên trưởng và đội trưởng trên sân của đội bóng. Họ là những cá nhân rất quan trọng, vạch ra chiến lược và truyền cảm hứng thi đấu cho toàn đội. Ông Park Hang Seo là một huấn luyện viên như vậy.
Chúng ta là người chiến thắng, không phải kẻ yếu thế
Cho dù làm nên kì tích tại Asian Cup vào tháng 5 vừa rồi, nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn xếp dưới các đối thủ mạnh như Nhật Bản, Syria… Nhưng U23 Việt Nam đã bước vào từng trận đấu với tâm thế của người chiến thắng, quyết tâm chiến thắng, chứ không phải là một đội bóng yếu thế. Chính điều đó đã giúp U23 Việt Nam thi đấu tự tin, ngang tài ngang sức và chiến thắng bằng những tình huống tận dụng cơ hội xuất sắc.
Cuộc chơi đường dài, kẻ bền bỉ sẽ thắng cuộc
Một đội bóng có thể vô địch một giải đấu sẽ phải trải qua một con đường rất dài, từ vòng bảng tới tứ kết, bán kết rồi chung kết. Người được vinh danh cần phải hội tụ được tất cả yếu tố xuất sắc về khả năng, tâm lý và thể lực. Trong trận bán kết hôm nay, rõ ràng hai trong ba yếu tố trên đó là khả năng và thể lực của U23 Việt Nam hoàn toàn thua kém Hàn Quốc. Vì vậy, việc Việt Nam thua cuộc trước ngưỡng cửa chung kết Asiad 2018 là một điều hoàn toàn bình thường.
Khả năng và thể lực của U23 Việt Nam rõ ràng là yếu thế hơn hẳn Hàn Quốc
Tóm lại, những bài học mà giới kinh doanh có thể học hỏi từ thành tích của của U23 Việt Nam tại Asiad 2018 và U23 Châu Á trước đó là:
1. Đặt ra kế hoạch và đảm bảo bạn tìm được đúng nhân sự để thực hiện nó. Nhân sự tài năng không cần phải tốn quá nhiều tiền để có được, nếu bạn biết cách lựa chọn cẩn thận và hợp lý, nhưng cũng đừng quên yếu tố kinh nghiệm.
2. Đừng bao giờ lãng quên những khoảnh khắc khủng hoảng hay khó khăn, bạn phải học hỏi và áp dụng nó vào doanh nghiệp để có được thành công trong tương lai.
3. Sự lạc quan, tích cực là một yếu tố rất quan trọng để thành công và nó có tính lan truyền, cổ vũ.
4. Cơ hội đã hiếm, cơ hội tốt còn hiếm hơn. Khi có, hãy nắm bắt và tận dụng thật tốt
5. Dữ liệu là một phần rất quan trọng trong mỗi cuộc chơi kinh doanh, bao gồm cả dữ liệu của đối thủ và của chính mình.
6. Kế hoạch kinh doanh dù hoàn hảo đến mấy vẫn sẽ có chỗ hở và trường hợp bất khả kháng xảy ra, khi nó đến, hãy bình tĩnh xử lý và mạnh mẽ đưa ra quyết định.
7. Cần xây dựng đội nhóm một cách có chủ ý, nhưng cũng đừng quên để không gian cho mỗi cá nhân có cơ hội thể hiện tài năng đặc biệt của mình
8. Lãnh đạo là một phần không thể thiếu đối với bất cứ một thành công nào, người đó không chỉ có nhãn quan chiến lược tốt mà buộc phải truyền được lửa cho mỗi thành viên trong nhóm.
9. Kinh doanh là một cuộc chiến đường dài, nếu bạn đủ khả năng và sự bền bỉ trong tâm lý để vượt qua những năm đầu gian khó, tương lai rộng mở đang chờ đón bạn phía trước.
Chiến lược phát triển công nghệ của Vingroup có khá nhiều nét tương đồng với Samsung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.