Nằm cạnh Quốc lộ 6, vườn hồng trị giá khoảng 3 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị Nguyệt, bản Nà Hạ 1 (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang độ nở hoa, khoe sắc, tỏa hương thơm ngào ngạt, hút hồn khách đến tham quan...
Vườn hồng nhà chị Nguyệt đang độ nở hoa, khoe sắc, hút hồn khách tham quan
Cách đây khoảng 7 năm, khi hoa hồng ngoại du nhập vào Việt Nam cũng là lúc chị Nguyệt bắt đầu chơi hoa. Lúc đầu, chị mua vài cây hồng ngoại về trồng trong chậu, đặt trên sân thượng ngôi nhà mà gia đình chị sinh sống.
Một thời gian sau, mấy cây hồng đồng loạt nở hoa, khoe sắc; thấy đẹp, chị Nguyệt tiếp tục sưu tầm mỗi năm một ít các giống hồng ngoại, hồng cổ về trồng, ngắm cho thỏa niềm đam mê.
Thời gian trôi qua, sân thượng nhà chị Nguyệt, rộng hơn 50 m2 đã chật cứng những chậu hoa hồng với khoảng hơn 100 chậu. Sợ sập sân thượng, chồng chị vội vàng đi mua 3.000 m2 đất vườn của người dân trong bản để cho chị tiếp tục thực hiện niềm đam mê trồng hoa hồng.
Theo chị Nguyệt, vẻ đẹp của hồng cổ Sơn La hiếm có loại hồng nào sánh được
“Vì làm trong cơ quan nhà nước, thời gian rảnh không nhiều nên ban đầu tôi không có ý định kinh doanh hoa mà chỉ trồng cho vui. Mỗi ngày, tôi dành hơn 1 tiếng để chăm sóc vườn hoa, chiết cành nhân giống để trồng trên những khoảng đất trống.
Chẳng mấy chốc, mảnh vườn rộng 3.000 m2 đã phủ kín các loại hồng ngoại, hồng cổ. Đi ngang qua vườn hồng nhà tôi, thấy hoa nở đẹp, nhiều người hỏi mua. Từ đó (đầu năm 2017) tôi mới này sinh ý định kinh doanh hoa” – chị Nguyệt cho biết.
Trong vườn nhà chị Nguyệt có hơn 400 giống hồng ngoại và hồng nội, trong đó phần lớn là hồng ngoại
Vườn hồng "nở" ra, làm không hết việc, chị Nguyệt thuê 6 nhân công ở bản Nà Hạ 1 giúp mình chăm sóc vườn hoa hồng. Chị tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hồng cổ, hồng ngoại mà mình mầy mò học hỏi được qua sách, báo, mang Internet cho chị em công nhân.
Theo chị Nguyệt, hoa hồng là loại cây ưa nắng, nếu đủ ánh sáng, nó sẽ phát triển tốt. Đất trồng hoa hồng phải tơi xốp. Chị Nguyệt sử dụng bã cà phê, phân bò trộn với đất tơi xốp làm giá thể trồng hoa hồng. Sau khi trồng, cứ cách 1 tháng chị Nguyệt lại rắc một nắm phân cá vào gốc cây hoa hồng, để cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đẹp.
Chị Nguyệt cho biết, hồng cổ Sơn La dễ trồng, dễ chăm sóc, hầu như không xảy ra sâu bệnh
Chị Nguyệt đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động tại vườn hoa hồng của gia đình. Vào những ngày nắng nóng, chị tưới cho cây hoa hồng 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.
Năm 2017, vừa bán giống, vừa bán cây hoa hồng thành phẩm, chị Nguyệt thu hơn 1 tỷ đồng. Nhận thấy trồng hoa cho thu nhập cao, chị mạnh dạn mua thêm 5.000 m2 đất ruộng, sau đó cải tạo để tiếp tục đầu tư vào trồng hoa hồng ngoại, hồng cổ. Đến nay, mảnh đất này cũng đã phủ kín màu xanh tươi tốt của các loại hoa hồng cổ, hồng ngoại.
Chị Nguyệt thường trồng cây hồng trong túi vải để bán cho những khách hàng truyền thống
Hiện trên 2 mảnh vườn của chị Nguyệt có tổng số hơn 400 giống hoa hồng ngoại và hồng nội, với hàng nghìn cây, chậu hồng. Hàng trăm cây hồng đang độ nở hoa, khoe sắc, tỏa hương thơm ngào ngạt, khiến bất kì ai lạc bước đến đây cũng mê mẩn trước vẻ đẹp rực rỡ của hàng nghìn đóa hoa trắng, đỏ, tím, vàng.
Chỉ tay vào những cây hồng cổ Sơn La, cao gần 3 m, cành tua tủa, nở hoa đỏ thắm, chị Nguyệt vui vẻ nói: “Đây là giống hồng quý hiếm, đứng đầu bảng trong các loại hồng cổ. Trong vườn nhà tôi có khoảng 50 gốc hồng cổ Sơn La có giá từ 5 – 30 triệu đồng. Nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng tôi không bán mà giữ lại để bảo tồn giống. Tôi chiết cành bán và nhân giống trồng ra vườn...”.
Vườn hồng nhà chị Nguyệt khi nở hoa với đủ màu sắc các loại
Ngoài hồng cổ Sơn La, trong vườn nhà chị Nguyệt còn có các loại hồng cổ khác như: hồng cổ Sa Pa, hồng cổ Vân Khôi, hồng cổ Nam Định...
“Chỉ tính cây hoa, vườn hồng nhà tôi cũng có giá trị khoảng tỷ đồng. Vườn hoa hồng của gia đình hầu như không bị sâu bệnh và hoàn toàn không sử dụng thuốc kích thích nên được nhiều khách hàng chọn mua” – chị Nguyệt cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.