Đến Sơn La mà không được thưởng thức thịt lợn 7 món thì quả là điều tiếc nuối vô cùng.
1. Lòng dồi hấp hành
Các cụ ngày xưa vẫn có câu “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Tuy nhiên, món lòng dồi ở Sơn La không chỉ giòn, ngon bởi vì con lợn béo mà còn bởi nó được chế biến từ “lợn bản” – loại lợn thả rông trên các sườn núi, chỉ ăn lá cây và rau rừng nên cho chất lượng ngon hơn hẳn.
2. Thịt luộc
Thịt lợn luộc thì ở đâu cũng có nhưng không phải nơi nào cũng ngon như ở Sơn La. Miếng thịt mềm, ngọt, bì dày, mỡ trong đủ chiều lòng những thực khách khó tính nhất.
3. Thịt nướng mắc khén
Phần thịt được chọn nướng thường là thịt ba chỉ hoặc thịt vai có phần mỡ xen kẽ nhằm giúp miếng thịt ngậy hơn và không bị khô. Thịt được cắt thành miếng vừa ăn, sau đó ướp cùng mắc khén, ớt, hành khô và một ít mật ong cho ngấm đều, rồi cho vào xiên và nướng trên than hoa. Thịt nướng mắc khén không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc bắt mắt, mùi thơm quyến rũ mà còn bởi cái vị cay cay the mát của mắc khén vương vấn nơi đầu lưỡi.
4. Thịt chiên lá mắc mật
Lá mắc mật là một trong những gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người vùng cao ở Tây Bắc.Mùi thơm mát, vị cay nhẹ của loài lá này khiến cho món ăn mang hương vị rất đặc trưng. Miếng thịt sau khi ướp cùng lá và gia vị sẽ được chiên giòn rụm bên ngoài nhưng lúc cho vào miệng lại mềm ngọt vô cùng. Người Sơn La thường rắc chút vừng trắng lên trên vừa tô điểm thêm màu sắc vừa khiến món thịt dậy mùi hơn hẳn.
5. Thịt băm gói lá chuối nướng
Mềm, thơm và cay the là đặc trưng của món thịt gói lá này. Thịt được băm nhỏ cùng 1 số loại rau thơm như mùi tàu, mùi ta, húng… rồi trộn cùng mắc khén, ớt, muối sau đó bọc trong lá chuối và nướng trên than hoa. Đặc sản này thường được người Sơn La dùng kèm với xôi hoặc cơm lam.
6. Thịt gác bếp
Đây là món ăn truyền thống trong mâm cỗ của người Sơn La không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo mà còn cho thấy sự sáng tạo của người dân vùng cao trong việc bảo quản thực phẩm lâu dài. Phần thịt nạc mông ngon nhất sau khi mổ lợn sẽ được chọn làm thịt gác bếp. Thịt được cắt thành từng miếng to bản, dày tầm 1cm và ướp cùng các hạt dổi, mắc khén, muối, ớt… sau đó treo lên giàn bếp khoảng 3 ngày là có thể đem ra chế biến được.
7. Canh xương lá vón vén
Ảnh IT
Lá vón vén còn có tên gọi khác là lá giang, lá chua. Với vị chua thanh của lá, vị ngọt của xương, canh lá vón vén được coi là món ăn giải ngán, giải rượu của người dân nơi đây. Để nấu món canh này, người dân ở đây chỉ cần vò nát lá vón vén rồi cho vào nồi xương đã hầm nhừ. Chính cách nấu đơn giản ấy đã giúp cho món canh giữ được mùi vị tự nhiên nhất, níu chân du khách đến đất này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.