Tử tù oan Trần Văn Thêm: "Tôi từng đề nghị được hành hình sớm"

Thứ hai, ngày 15/08/2016 11:08 AM (GMT+7)
Có lẽ, nếu có thế giới bên kia, ông Trần Khắc Văn cũng chẳng thể ngờ rằng, người anh họ Trần Văn Thêm mà ông từng quý trọng, yêu mến lại phải gánh nỗi oan khiên mang tầm vóc thế kỷ bởi cái chết của chính mình. Có nỗi đau nào lớn hơn bằng nỗi đau phải mang tiếng hàm oan...
Bình luận 0

Tỉnh dậy thành kẻ sát nhân

Nước da ngăm đen, khuôn mặt sầu não, đôi mắt u buồn… đấy là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), người tử tù thế kỷ. Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Thêm vẫn giữ được cho mình một trí nhớ tốt. Nói về cái chết của người em họ Trần Khắc Văn cách đây gần 1/2 thế kỷ, đôi mắt ông Thêm bỗng ầng ậng nước rồi nhòe đi. Dường như cả một miền ký ức đẹp đẽ quyện lẫn đau thương bỗng ùa về, hiện hữu rõ nét ngay trước mắt người tử tù thế kỷ. Giọng ông nghẹn lại, lạc đi trong quá trình tâm sự với phóng viên.

img

Chân dung người tử tù thế kỷ Trần Văn Thêm.

Sinh ra là kiếp con nhà nghèo nên ông Thêm phải bươn chải kiếm sống từ rất sớm. Là anh em con nhà bác - cô nên mối quan hệ giữa ông Thêm và ông Văn vô cùng thân thiết, khăng khít. Chính vì lẽ đó mà có bất cứ mối làm ăn nào, hai anh em đều thông báo cho nhau. Vụ việc đau thương xảy ra vào một ngày cuối tháng 7.1970 khi ông Thêm và ông Văn trên đường sang Vĩnh Phú (đơn vị hành chính cũ gồm 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay) để bán thuốc lào và mua trám về quê bán lại. Ở nơi đất khách quê người, không có người thân thích nên đêm 24.7.1970, hai anh em ghé vào một chiếc lều cắt tóc ven đường thuộc địa phận thôn Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) dừng chân nghỉ ngơi. Tới nửa đêm, đang say trong giấc ngủ, hai anh em bị cướp tấn công, đánh vào đầu tới mức bất tỉnh.

Trên đường đi xem chiếu bóng về, nhiều người dân phát hiện vụ việc đã khẩn trương đưa anh em ông Thêm vào bệnh xá cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, ông Văn đã tử vong sau đó. Còn ông Thêm may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vừa kịp hồi tỉnh, cũng là lúc ông Thêm bị cơ quan công an mời về trụ sở để lấy lời khai, phục vụ cho công tác điều tra. Trong quá trình bị hỏi cung, ông Thêm vẫn một mực khẳng định mình không phải hung thủ. Và chỉ với chiếc cọc thồ xe dính máu tại hiện trường, cơ quan điều tra đã khẳng định ông Thêm chính là kẻ sát nhân. “Trong thời khắc ấy, tôi cảm thấy tuyệt vọng đến cùng cực, bởi chẳng ai tin những lời tự biện hộ của tôi”, ông Thêm tiếp lời.

Tới năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm mức án tử hình với tội danh “giết người cướp tài sản”. Trong suốt thời gian ở tù, ông liên tục kêu oan. Một năm sau, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm bác kháng cáo của ông Thêm, giữ nguyên án sơ thẩm.

“Niềm hy vọng cuối cùng ở phiên tòa phúc thẩm cũng không thành. Tôi bị dẫn giải vào phòng biệt giam dành cho tử tù, bị cùm cả chân lẫn tay suốt ngày. Những ngày tháng đó, tiếng động khiến tôi sợ hãi, ám ảnh nhất là tiếng mở cửa buồng giam vào mỗi buổi sáng tinh mơ của cán bộ quản giáo. Bởi tôi biết chắc đó là thời khắc một tử tù nào đó được đưa đi thi hành án. Nỗi oan khiên kêu không thấu trời xanh, khiến lúc đó tôi tuyệt vọng không lối thoát. Thậm chí có lần, tôi còn đề nghị được hành hình sớm nhưng không được chấp thuận”, ông Thêm nhớ lại.

Có đôi lần ông Thêm cùng phạm nhân khác phá xà lim trại giam, trèo lên mái ngói với ý định trốn trại, nhưng rồi ông lại thôi chỉ vì không muốn phải sống phần đời còn lại chui lủi trong khi mình bị oan. Trong thẳm sâu tâm trí người tử tù ấy vẫn luôn tin rằng sẽ có một ngày mình được trả lại sự trong sạch.

Bố mất, người thân sống trong sự ghẻ lạnh

Cái mác “kẻ sát nhân” của ông Thêm khiến gia đình, người thân chốn quê nhà sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng. Vài tháng sau khi ông Thêm bị bắt vì tội danh “giết người”, người cha vốn đã già yếu, bệnh tật vì không chịu nổi những lời cay nghiệt của mọi người xung quanh đã đột ngột qua đời. Trong chốn ngục tù nghe tin cha mất, không thể về chịu tang, lòng ông Thêm quặn thắt chỉ biết nuốt nước mắt vào trong thành kính tưởng vọng. Ám ảnh hơn là khi ông Thêm bị bắt, một mình vợ ông là bà Tô Thị Nớn phải một mình nuôi 5 đứa con thơ dại (đứa lớn nhất 12 tuổi, bé nhất chưa đầy năm).

img

Chị Trần Thị Xuân (con gái đầu của vợ chồng ông Thêm) xúc động tâm sự với PV.

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, chị Trần Thị Xuân (con gái đầu của ông Thêm) cho biết: “Thời điểm bố bị bắt, trong số 5 chị em chỉ có tôi đủ lớn để có thể thấu hiểu một phần nào đó nỗi đau của mẹ và người thân trong gia đình. Nếu khổ về ăn uống là một, thì khổ về mặt tinh thần còn khủng khiếp gấp trăm lần. Tuổi thơ vốn là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của một đời người, nhưng đối với chị em chúng tôi đó lại là nỗi ám ảnh. Đẹp đẽ, đáng nhớ sao nổi, khi mỗi lần ra đường đều bị mọi người dè bỉu, chỉ trỏ nói rằng là con của “kẻ sát nhân”. Đám trẻ cùng trang lứa thì xem chị em chúng tôi như sinh vật lạ, thỏa sức trêu chọc, xa lánh không cho chơi cùng. Mỗi lần bị như vậy, lũ em thơ dại của tôi lại về mách mẹ. Thấy con kể, mẹ chỉ biết ôm chúng vào lòng rồi cố giấu đi giọt nước mắt đắng cay”.

Khó khăn, tủi nhục là vậy, nhưng bà Nớn vẫn cố gắng vượt lên nghịch cảnh sống vì các con và sâu thẳm hơn vì một niềm tin mãnh liệt: “Chồng mình không phải kẻ giết người”. Để có thể nuôi 5 đứa con thơ dại, người phụ nữ ấy không quản ngại thức khuya dậy sớm, mưa gió bão bùng, chăm chỉ chạy chợ, chắt bóp từng đồng. Trong thời gian mẹ đi chợ, toàn bộ việc nhà cửa, trông nom các em đều được giao cho người con gái cả. Một mặt chăm lo gia đình, mặt khác bà Nớn vẫn thường xuyên thu xếp thời gian lên trại giam Đức Phú (Phú Thọ) để thăm và động viên chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe. Phương tiện đi lại chủ yếu của bà Nớn thời điểm đó là tàu lửa. Đôi lần được người anh họ gần nhà lấy xe đạp đưa đi. Chẳng ai ngoài những người thân trong gia đình tin ông Thêm không phải là hung thủ giết người.

Những tháng năm ngồi tù khiến sức khỏe ông Thêm sa sút trông thấy. Trong phiên tòa sơ thẩm tổ chức trên Việt Trì, chị Xuân được mẹ đưa đi cùng. Gặp nhau trong tòa, ông Thêm chỉ nhận ra vợ. Còn với con gái, ông tưởng là đứa cháu họ hàng nên chỉ lướt qua.

“Thời điểm đó cha tôi vẫy tay, kêu cháu lại đây với chú. Nghe vậy, tôi òa khóc vì ông không nhận ra cô con gái cả của mình. Đến khi mẹ tôi đính chính lại, cha mới ôm tôi rồi bật khóc nức nở”, chị Xuân nhớ lại trong sự xúc động nghẹn ngào.

Xuân Thắng (GĐ&XH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem