“Chuyện hàng loạt người thuê nhà của nhà nước ở TP.HCM chây ỳ không trả tiền thuê nhà với số nợ lên đền gần 50 tỉ đồng thực sự không thấm vào đâu so với số tiền thất thoát từ việc cho thuê đất công”, ông Hoàng Hải, cán bộ hưu trí ngành công ích, nhận định.
Tư túi bạc tỷ từ nhà, đất công! Trong ảnh: mặt tiền lô đất trên đường Quang Trung từng được cho thuê lại để làm nhà hàng.
Đất công xài… chùa
Chúng tôi rảo một vòng quanh đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình và Phú Nhuận tuy chỉ dài hơn 1km, đã có ít nhất hai khu vực đất công sử dụng sai mục đích. Trong đó, có lẽ đất công mà công ty tư vấn Giao thông Công chánh được thuê ở địa chỉ 326 Nguyễn Trọng Tuyển (P.1, Q. Tân Bình) là ngang nhiên vi phạm nhất. Công ty này được nhà nước cho thuê gần 1.000m2 nhà để hoạt động nghề nghiệp nhưng lại cắt mặt tiền cho thuê shop thời trang, hàng quán… gây phiền hà cho người đến liên hệ công việc.
Chuyện cho thuê lại hưởng chênh lệch rất cao ở Gò Vấp, có lẽ là đất công của công ty dược liệu Trung ương 2 tại số 97 Quang Trung (P.8), để làm trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với diện tích hơn 18.400m2. Giá thuê đến năm 2054 là 7.700 đồng/m2/năm. Thế nhưng, công ty dược liệu Trung ương 2 đã “xẻ” một phần đất được giao đem cho thuê làm nhà hàng ăn uống để kiếm lời hàng tỉ đồng mỗi năm. Những sai phạm trênvẫn kéo dài bất chấp lệnh chấn chỉnh.
Tương tự, phòng trưng bày ôtô của công ty ôtô Ngôi Sao Việt vẫn cứ thế tồn tại trên khu đất công mà nhà nước cho công ty dệt may Thắng Lợi thuê, như thách thức dư luận.
Hoài nghi và bất bình
Trong suốt ba ngày cuối tháng 12.2017, đi ghi nhận ở các địa điểm đất công được cho thuê giá bèo rồi đem cho thuê lại để trục lợi, đến đâu cũng nhận được những ý kiến hoài nghi và bất bình từ dư luận. Chị Nguyên, chủ một quán ăn trên đường Quang Trung nói thẳng chuyện nhà nước cho công ty được thuê mảnh đất hơn 18.000m2 với cả trăm mét mặt tiền mà với giá chỉ 142 triệu đồng/năm ổn định từ đó đến giờ, là quá lãng phí. “Ở đây, giá thuê mặt bằng để kinh doanh đã lên đến 20 triệu đồng/40m2/tháng rồi. Sử dụng sai mục đích vì thế diễn ra là điều ai cũng thấy, chỉ các cơ quan quản lý nhà, đất công là ít thấy mà thôi”, chị Nguyên nói.
Theo chị Nguyên, nếu chị được thuê khu đất trên một năm thôi và đem cho thuê lại hưởng chênh lệch, cũng đã kịp giàu sụ mà không cần phải tính toán làm ăn chi cho mệt. Ở một khía cạnh khác, theo ông Hải, việc thuê lại đất công của các công ty được thuê cũng không phải dễ nếu như không có “quan hệ”, chứ không phải ai cũng có thể nhào vô thuê lại được. Theo đó, hàng quán được thuê lại từ đất công thường là con cậu ba, cháu chú bảy... mà thôi.
Mất mát khó đo đếm
Theo ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM, số địa chỉ nhà, đất công đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý hiện nay ở TP.HCM là 12.834 địa chỉ với 244.184.549m2. Thành phố đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 625 địa chỉ, thu về 10.789 tỉ đồng cho ngân sách để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý khiến cho các hộ xung quanh lấn chiếm, khiếu nại, đến nay không thu hồi được. Mặt khác hiện nay nhà đất các nơi đang cho thuê với nhiều mức giá khác nhau. Nếu không xem xét lại, đây là sự lãng phí rất lớn. Từ đây, ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM đề nghị chính quyền phải có giải pháp tăng cường quản lý, kê khai nhà, đất đầy đủ và xử lý minh bạch, công khai nhằm tạo nguồn thu cho đầu tư, phát triển thành phố.
Không riêng gì ông Hải, nhiều người thưc sự cảm thay đau xót khi tài sản chung bị sử dụng lãng phí và gây thất thu lớn cho ngân sách. Giám sát có, kiểm tra có, thực trạng lãng phí như thế nào cũng đã được chỉ ra; nhưng đến khi nào tình trạng lãng phí đất công mới được mạnh tay giải quyết, mới được giải quyết hiệu quả? Đó là câu hỏi mà người dân đặt ra. “Đất công lãng phí, quản lý chưa hiệu quả, điều mất đi không chỉ là tiền, mà lớn hơn là niềm tin của người dân về sự nghiêm minh của pháp luật, sự công tâm và năng lực quản lý của chính quyền sẽ bị bào mòn”, ông Hải lo ngại.
Điều dư luận mong muốn là công khai cho người dân biết khu đất nào đang giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Chỉ khi công khai như vậy, người dân mới biết mà giúp chính quyền giám sát. Đối với những khu đất đã thu hồi, cho đấu giá công khai. Cuối cùng là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm.
Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.