Từ vụ "Bé 4 tháng tử vong sau tiêm vaccin": Nguy cơ từ sốc phản vệ

Thứ sáu, ngày 05/10/2012 09:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Bộ Y tế, năm 2010 và 2011 có 23 trẻ bị tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 15 trẻ tử vong. Tuy nhiên, chỉ có 3 ca được xác định do chất lượng vaccin, các ca còn lại là do trẻ có tiền sử bệnh.
Bình luận 0

Câu hỏi đặt ra là vì sao không kiểm soát bệnh sử của trẻ trước khi tiêm?

Trèo đèo, lội suối tiêm chủng

Vụ tử vong của trẻ sau tiêm vaccin tại xã Phú Lộc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vừa được NTNN Dân Việt phản ánh đã được cơ quan y tế địa phương nhận định là không liên quan tới vaccin, có thể do bé bị bệnh giảm tiểu cầu, sức khỏe trước khi tiêm chủng không tốt. Thế nhưng, việc phát hiện bệnh là quá tầm của trạm y tế xã…

img
Bố mẹ nên theo dõi chặt chẽ sức khỏe của con sau tiêm phòng.

Có đi thực tế tiêm chủng tại các địa phương mới thấy việc tiêm chủng và kiểm tra sức khỏe trước tiêm thế nào. Ông Lục Văn Hải – Trạm trưởng trạm Y tế xã Sơn Hải (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) thường xuyên phải lênh đênh trên thuyền để đi đến các điểm tiêm chủng. Toàn xã có 63 trẻ dưới 1 tuổi trong diện tiêm chủng mở rộng, nếu tính cả các cháu đang tiêm phòng viêm não dưới 5 tuổi là hơn 340 cháu đi tiêm chủng.

Tuy nhiên, xã Sơn Hải rộng hơn 52.000m2, mà 2/3 xã là lòng hồ, nên ngoài 2 điểm tiêm chủng tập trung, cán bộ y tế xã phải đi thuyền đến 2 thôn để tiêm cho từng cháu (vào lúc cao điểm là 5 thôn). Cán bộ phải đi thuyền máy suốt 2 giờ mới đến nơi nên chỉ xách theo thùng đá chứa vaccin và bơm kim tiêm. Những nơi đó, điện đóm chập chờn, người dân nghèo không có tủ lạnh nên cán bộ y tế thường phải đem thêm một thùng đá “sơ cua” dự phòng.

Suốt 5 năm làm ở trạm y tế, ông Hải chưa gặp một trường hợp sốc phản vệ nào đối với tiêm vaccin, ngoại trừ một số trường hợp sốt nhẹ, sưng vết tiêm. “Cũng may là không có sốc, tím tái cần phải cấp cứu, chứ tại các điểm tiêm phòng thôn, chúng tôi chẳng có bất cứ trang thiết bị nào để hỗ trợ” – ông Hải cho biết.

Tương tự, tỉnh Lai Châu có hơn 10.000 trẻ em trong diện tiêm chủng mở rộng, nhưng có đến hơn 70% trong số 103 xã, cán bộ y tế phải về tận thôn bản để tiêm chủng cho các cháu. Bà Trần Thị Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, mỗi xã chia ra từ 3-7 điểm tiêm chủng mở rộng, nhưng chỉ được trang bị 2-4 hộp lạnh lưu trữ vaccin chuyên dụng loại 8 lít để có thể bảo quản vaccin trong vòng 1 tuần. Do “tủ lạnh” luôn phải hoạt động hết công suất vì phải đến nhiều điểm, lại phải trèo đèo lội suối, băng rừng suốt nhiều ngày liền, nên rất có thể vaccin sẽ bị va đập, hư hỏng.

Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tiêm chủng tại nhà vì việc vaccin để trong các thùng đá, mở ra đóng vào liên tục có thể không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, nếu xảy ra sốc phản vệ với vaccin thì không có đủ điều kiện, trang thiết bị y tế để cấp cứu.

Tiêm vaccin - được nhiều hơn mất

Dẫu vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế vẫn là nên tiêm phòng cho trẻ. Ông Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định: “Chưa hề có bất cứ minh chứng nào cho thấy tiêm vaccin có thể làm một số bệnh tăng nặng”. Theo ông Cảm, độ an toàn của vaccin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thậm chí đã được Tổ chức Y tế thế giới cho phép sử dụng trên toàn thế giới, vì thế, các bậc phụ huynh không nên băn khoăn về chất lượng. Thực tế, hàng chục triệu trẻ em Việt Nam, nhờ tiêm chủng, đã được bảo vệ khỏi các căn bệnh chết người như viêm gan, bạch hầu, uốn ván…

“Chỉ trong trường hợp trẻ sốt cao, bị dị ứng, gặp các bệnh cấp tính thì mới phải hoãn tiêm vaccin. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho con, sau khi tiêm chủng, cha mẹ nên theo dõi sức khỏe của con sau 24 giờ. Nếu con sốt cao, co giật, dị ứng mạnh, mệt, xỉu, tím tái… thì cần phải đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời” – ông Cảm cho biết.

Tuy nhiên, ông Cảm cũng thừa nhận, trong quá trình tiêm chủng có thể cán bộ y tế không thực hiện đúng quy trình, việc bảo quản vaccin chưa tốt… có thể gây ra những phản ứng cho trẻ. Vì vậy, cán bộ y tế cơ sở cần phải tuân thủ các quy định an toàn trong tiêm chủng như tư vấn trước tiêm, chỉ định đúng, tiêm đúng, theo dõi sau tiêm. Nếu cơ sở y tế, nhất là ở thôn bản, chưa có đủ điều kiện để bảo quản vaccin hay trang thiết bị y tế để chống sốc với các trường hợp cấp cứu thì Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có chính sách để hỗ trợ.

“Không có vaccin nào an toàn tuyệt đối với người tiêm, cũng không phải cứ tiêm vaccin là miễn nhiễm với bệnh hoàn toàn mà chỉ có thể phòng ngừa 70-90% loại bệnh mà vaccin đó phòng chống” – ông Cảm cho biết.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra

Báo NTNN và Điện tử Dân Việt ngày 3.10 có đăng bài “Bé 4 tháng tử vong sau khi tiêm vaccin”, phản ánh, ngày 27.9 sau lần tiêm vaccin 5 trong 1 Hip, bé Vũ Trung Hiếu (4 tháng tuổi) liên tục sốt cao, nổi ban, sưng tấy và tử vong sau 4 ngày điều trị. Cùng xã với cháu Hiếu, có 2 trường hợp khác cũng có phản ứng sau khi tiêm vaccin là cháu Đinh Minh Phương (hơn 5 tháng tuổi) sau khi tiêm vaccin 3 ngày cũng liên tục sốt cao, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cháu Bùi Việt Hoàng có phản ứng khó thở sau tiêm.

Sau khi Báo nêu, ngày 3.10, Bộ Y tế có Công văn 665/BYT VPB1 đề nghị Cục Y tế dự phòng là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin báo nêu.

Bộ yêu cầu chậm nhất ngày 10.10.2012 phải có báo cáo lên lãnh đạo Bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem