Có cầu ắt có cung
Đề cập đến việc thời gian vừa qua cơ quan điều tra liên tục phá những đường dây mại dâm lớn liên quan đến người mẫu diễn viên, nhưng danh tính của người mua dâm vẫn còn úp mở, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục số 2 Ba Vì Hà Nội nói:
"Về việc này, tôi nhận thấy là không công bằng. Trong hoạt động mại dâm có cầu mới có cung. Qua quản lý nhiều năm ở Trung tâm Giáo dục số 2, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều chị em khi vào đây học tập. Tôi nhận thấy nếu chúng ta hạn chế được người mua dâm, thì gái mại dâm không có cơ hội để hành nghề".
|
Không có người mua dâm liệu những cô gái này có cơ hội bán dâm? |
Bà Huệ đặt câu hỏi, khi gái mại dâm bị bắt quả tang, vậy tại sao chúng ta không công khai danh tính của người mua, để dư luận có cái nhìn đầy đủ hơn về hoạt động này, bởi không có gái mại dâm nào bán dâm được một mình cả.
“Khi bị bắt thì chỉ một mình gái mại dâm bị lên án, còn người mua dâm hầu như vô can trước dư luận xã hội. Như vậy, chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện về hoạt động mại dâm”- bà Huệ nói.
Còn tiến sĩ xã hội học Tống Văn Trung - Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội nói: "Việc không công khai danh tính người mua dâm là dung túng đối với người mua dâm. Xã hội của chúng ta là xã hội Á Đông, nhiều khi hình phạt nhẹ người ta không sợ bằng tiếng đồn. Do đó, cần công khai danh tính để răn đe người mua dâm. Còn khi phạt thì cũng phải phạt nặng. Nếu chỉ phải xử phạt hành chính người mua dâm thì không ai dám chắc rằng họ không tái phạm, bởi dù có bị bắt thì chỉ nộp phạt là xong.
Tôi có nghiên cứu, ở bất cứ quốc gia vùng lãnh thổ nào cũng có mại dâm, nhưng họ quản lý rất rõ ràng, có quy định hẳn hoi, anh vi phạm những quy định do nhà chức trách đặt ra thì mới bị phạt. Ví dụ như ở Hà Lan có phố đèn đỏ, nếu anh mua bán dâm ngoài phố quy định thì sẽ bị phạt rất nặng. Ngay cả người châu Âu cũng rất sợ những bê bối về tình dục khi bị công khai danh tính nếu liên quan đến hoạt động mại dâm.
Khó xử lý
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi - Văn phòng luật sư Tiến Long (Hà Nội), đối với người mua dâm chưa bị công khai danh tính khi bị bắt có nhiều yếu tố, trong đó còn phụ thuộc về phía cơ quan điều tra là họ có thiện chí cung cấp danh tính người mua hay không? Nhưng điều này không bị bắt buộc.
Còn theo quy định, việc mua dâm chỉ là vi phạm hành chính, không phải hình sự, đã là hành chính thì chỉ có thể bị xử phạt là xong. Mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm chỉ vài trăm ngàn hoặc một vài triệu đồng, trong khi đó, họ bỏ ra 40-50 triệu đồng cho một lần mua dâm. Thử hỏi, mức xử phạt như vậy bõ bèn gì so với túi tiền của họ?
Theo Điều 255 Bộ luật hình sự, chỉ người môi giới, tổ chức mại dâm bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự), còn việc mua bán dâm hiện nay chỉ có quy định xử phạt hành chính. Đối với người mua dâm, sau khi công an xử phạt hành chính sẽ sẽ gửi công văn về cơ quan, địa phương nơi người mua dâm công tác và làm việc.
Theo các chuyên gia luật, đây là hình thức công bố bán công khai. "Hiện pháp luật không quy định xử lý hình sự người mua dâm, cũng không quy định việc công khai danh tính của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu báo chí tự ý công khai làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của họ thì vợ con họ mới chính là nạn nhân" - một chuyên gia tâm lý nhận xét.
Khánh Gia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.