Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo xin bỏ 1 từ để "giữ lại một chút sĩ diện"

Bách Thuận Thứ tư, ngày 26/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Vũ Hồng Quang - cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận có nhận tiền của doanh nghiệp, nhưng bị cáo xin tòa bỏ cho 1 từ để "giữ lại một chút sĩ diện".
Bình luận 0

Xin bỏ 1 từ để giữ lại một chút sĩ diện

Vũ Hồng Quang là 1 trong 54 bị cáo bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm trong vụ án chuyến bay giải cứu. Ông Quang bị cáo buộc nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Theo cáo trạng, trong quá trình tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay và sắp xếp các khách theo từng chuyến bay, bị cáo Vũ Hồng Quang đã trao đổi, thỏa thuận với đại diện các doanh nghiệp và đồng ý cấp phép bay vượt số lượng khách so với văn bản đã được duyệt.

Bị cáo này đã nhận hối lộ 2 lần, tổng số tiền là 1,97 tỷ đồng. Cụ thể, tháng 6/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky đến liên hệ, đặt vấn đề và được Quang đồng ý giúp cấp phép vượt quá số lượng công dân về nước so với văn bản cấp phép của Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 5 Bộ.

Từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021, Quang đã giúp Hằng cấp phép bay vượt 913 khách cho 10 chuyến bay của Công ty Bluesky với chi phí 2 triệu đồng/khách vượt.

Từ tháng 8 đến tháng 12/2021, tại cổng cơ quan Cục Hàng không Việt Nam, Vũ Hồng Quang đã nhận tiền của Hằng 6 lần, tổng số 1,8 tỷ đồng. Lần 1 là ngày 30/8/2021, Quang nhận 100 triệu đồng; lần 2 ngày 16/11/2021, Quang nhận 324 triệu đồng; lần 3 ngày 19/11/2021, Quang nhận 274 triệu đồng; lần 4 ngày 29/11/2021, Quang nhận 296 triệu đồng; lần 5 cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, Quang nhận 282 triệu đồng; lần 6 đầu tháng 12/2021, Quang nhận 528 triệu đồng của Hằng.

Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo xin bỏ 1 từ để "giữ lại một chút sĩ diện" - Ảnh 1.

Bị cáo Vũ Hồng Quang (trên cùng, bên trái) xin được bỏ từ thỏa thuận, thông đồng với doanh nghiệp để "giữ lại một chút sĩ diện". Ảnh: PK

Vũ Hồng Quang cũng bị cáo buộc nhận tiền của một doanh nghiệp khác 3 lần vào tháng 11/2021, tổng số 170 triệu đồng. Cơ quan truy tố cáo buộc, từ 30/8/2021 đến tháng 12/2021, Vũ Hồng Quang nhận hối lộ 9 lần, số tiền 1,97 tỷ đồng, hưởng lợi 1,73 tỷ đồng của 2 cá nhân để cấp phép bay vượt 1.019 khách.

Số tiền còn lại là 244 triệu đồng, Quang đã chi cho cá nhân khác và được cơ quan điều tra thu giữ.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Vũ Hồng Quang từ 5 đến 6 năm tù vì nhận hối lộ.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Vũ Hồng Quang bày tỏ sự băn khoăn về cáo buộc thỏa thuận với doanh nghiệp.

"Liên quan việc có thỏa thuận hay không, bị cáo cũng rất là mơ hồ về từ này. Thực ra cái này có thể cũng không quá quan trọng, đối với bị cáo bây giờ đã mất hết rồi, thực ra giữ lại một chút sĩ diện của bị cáo thôi.

Với bị cáo tất cả đã mất hết rồi, những cái rất lớn, nhưng mà cái gọi là có thỏa thuận hay không thì ngay trong vừa rồi như luật sư, bị cáo xin nhắc lại một chút. Đối với những nội dung trao đổi với chị Hằng, đúng là chị Hằng có gọi điện cho bị cáo, bị cáo đã tư vấn rất nhiệt tình. Khi xong việc thì chị Hằng gọi điện công ty xong việc rồi, mọi việc đều rất là ổn, cũng có một chút quà cảm ơn anh…

Bị cáo công nhận là bị cáo nhận tiền với số lượng rất lớn, nhưng việc bị cáo có đòi hỏi hay gây khó dễ để nhận tiền hay không thì cá nhân bị cáo khẳng định, tất nhiên việc xem xét là của quý tòa cũng như của VKS… nhưng bị cáo cũng rất mong là trong văn bản cuối cùng, nếu có thể xem xét cho bị cáo bỏ từ có sự thỏa thuận, thông đồng. Thực ra đó chỉ là giữ lại một chút sĩ diện cho bị cáo thôi, để coi như giữ lại cuộc đời công chức của bị cáo…, thực ra có nhận tiền nhưng mà cái mà gọi là đòi hỏi chắc chắn trăm phần trăm là không có bất cứ một cái gì" – bị cáo Vũ Hồng Quang trình bày trước tòa.

"Nhận tiền nhiều như thế này có xứng đáng không nhỉ"

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, sau khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ giao Vụ Quan hệ quốc tế là đơn vị chủ trì tập hợp, tham mưu, đề xuất.

Tại Vụ Quan hệ quốc tế, Nguyễn Thanh Hải – Vụ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo, phân công cho các chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Vụ duyệt, ký phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ký, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt khi chưa có ý kiến của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Do Nguyễn Tiến Thân là thành viên Tổ phòng chống dịch Covid-19 thuộc Văn phòng Chính phủ nên hầu hết hồ sơ các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, Hải giao cho Thân là đầu mối chính, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo trong việc xét duyệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.

Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo xin bỏ 1 từ để "giữ lại một chút sĩ diện" - Ảnh 2.

Cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thanh Hải khi đối chất với cấp dưới đã hỏi rằng, liệu nhận tiền nhiều của doanh nghiệp như thế có xứng đáng không. Ảnh: Bộ Công an

Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, đại diện một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ xin cấp phép các chuyến bay, Thân đã tiếp nhận hồ sơ, báo cáo, được Hải đồng ý duyệt, ký các phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước khi chưa có ý kiến thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Cơ quan truy tố cáo buộc, từ tháng 11/2020 đến tháng 6/2021, Hải và Thân đã nhận hối lộ 8 lần, số tiền 3,69 tỷ đồng của 4 cá nhân trong việc đề xuất chủ trương cấp phép chuyến bay; Hải hưởng lợi hơn 2,3 tỷ đồng.

Ở phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Hải từ 7 đến 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Phan Thị Lệ Tuyên (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, bị cáo Hải không có hành vi ép buộc, mà có thể làm nhanh, làm chậm thì họ được cảm ơn, "điều đó là có, ép buộc thì nhóm nhận hối lộ ở Vụ Hợp tác quốc tế không có tình tiết bị ép buộc".

Ở nhóm nhận hối lộ, theo luật sư này, điều khác biệt giữa bị cáo Hải và các bị cáo khác cùng tội danh ở Vụ Hợp tác quốc tế là bị cáo Hải hoàn toàn không gặp gỡ bất cứ một doanh nghiệp nào, không có sự chỉ đạo nào với các bị cáo ở dưới phải làm khó khăn để khiến cho doanh nghiệp cảm thấy phải đưa tiền. Thực tế chỉ mong muốn làm thật nhanh và nghĩ rằng đó là tiền cảm ơn của doanh nghiệp.

Cũng theo người bào chữa của bị cáo Nguyễn Thanh Hải, khi đối chất giữa bị cáo Hải và bị cáo Nguyễn Tiến Thân, bị cáo Hải đã nói bị cáo Thân: Liệu chúng ta nhận tiền nhiều như thế này có xứng đáng không nhỉ?

"Tức lúc đó bị cáo rất băn khoăn vì tự dưng nhận một số tiền lớn như thế, người ta đưa, người ta cảm ơn như thế cũng không hiểu là tiền gì…, rất băn khoăn. Bị cáo cũng tự hỏi lại bị cáo Thân là chúng ta nhận số tiền nhiều như thế này có xứng đáng không nhỉ…, cũng mong HĐXX cũng như các vị đại diện Viện Kiểm sát xem xét cho bị cáo, ở nhận thức của bị cáo ở thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là bị cáo thực sự rất băn khoăn…, rất ngây ngô và sự cả nể của bị cáo. Cầm tiền nhưng cũng không hiểu tại sao được cho nhiều tiền như thế. Điều đó chứng minh nhận thức của bị cáo rất ngây ngô và một sự cả nể rất là vô lối của bị cáo".

Vị luật sư cũng đề nghị HĐXX và Viện Kiểm sát xem xét cho động cơ, mục đích nhận tiền của bị cáo Nguyễn Thanh Hải, rằng chỉ hiểu đơn thuần là được cảm ơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem