Từ vụ người phụ nữ rơi xuống mương nước mất tích: Trách nhiệm thuộc về ai?

Việt Sáng Thứ tư, ngày 23/09/2020 15:00 PM (GMT+7)
Bà Trần Thị Mừng đang đi trên đường thì bị trượt chân, lọt xuống mương nước ven đường có độ sâu khoảng 1m, rộng 0,5m, không có nắp đậy. Theo luật sư, vụ việc này phải xem xét nhiều góc độ để xem xét trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
Bình luận 0

Người phụ nữ rơi xuống cống nước mất tích

Theo đó, vào hơn 17h ngày 21/9, trời đang mưa, bà Trần Thị Mừng (52 tuổi, tạm trú tại ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) đội mũ bảo hiểm, mặc áo mưa đi bộ trên lề đường Đức Huy - Thanh Bình, đoạn thuộc ấp Dốc Mơ, xã Gia Tân 1.

Trong lúc đang đi bộ, bà Mừng không may lọt mương nước ven đường và bị nước cuốn trôi. Thấy vậy, người dân trong nhà gần đó phát hiện nhanh chóng lao ra ứng cứu nhưng không kịp, chỉ giữ lại được áo mưa còn bà Mừng đã bị trôi mất tích.

Từ vụ người phụ nữ rơi xuống mương nước mất tích: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Bà Mừng trước khi bị nước cuốn. (Ảnh cắt từ camera).

Ghi nhận tại vị trí bà Mừng gặp nạn, mương nước sâu khoảng 1m, rộng khoảng 0,5m và không có nắp đậy. Hiện nước đã rút cạn, nhưng khi xảy ra vụ việc nước chảy xiết.

Đêm 21/9, lực lượng chức năng huyện Thống Nhất (Đồng Nai) phối hợp người dân địa phương tiến hành tìm kiếm một người phụ nữ lọt mương nước bị cuốn trôi vào chiều cùng ngày. Đến hơn 21h đêm, công tác tìm kiếm vẫn được tiếp tục dù trời rất lạnh, đêm tối.

Liên quan đến việc này, người dân bày tỏ bức xức, đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc nếu lực lượng chức năng vào cuộc sớm, không để trường hợp cống, hố ga không có nắp thì có xảy ra sự việc đau lòng trên

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Phóng viên Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, đây là một vụ việc nghiêm trọng, có thể gây thiệt hại đến tính mạng của người dân, khi mùa mưa bão đến thì những tai nạn, rủi ro như thế này sẽ thường xuyên xảy ra nếu như các đơn vị có trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, khai thác đường giao thông thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

"Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường thường xuyên xuất hiện những hố ga không có nắp cũng như không có dấu hiệu cảnh báo nào của cơ quan quản lý.

Việc hố ga không có nắp sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có thể gây thương tích lớn cho người dân thâm chí là đe dọa chính tính mạng của mình và điều không mong muốn xảy ra khi sự việc tại Đồng Nai một người dân đã bị lọt xuống hố ga và mất tích.

Từ vụ người phụ nữ rơi xuống mương nước mất tích: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

HIện trường nơi xảy ra vụ việc tại Đồng Nai. Ảnh Chí Tâm.

Nếu vụ việc tai nạn gây hậu quả chết người, rõ ràng là nhìn thấy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân để xem xét trách nhiệm pháp lý cũng như để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tránh những vụ việc tai nạn, rủi ro tương tự có thể xảy ra", luật sư Cường nói.

Theo vị luật sư, để xem xét trách nhiệm về việc tại sao hố ga lại không có nắp khiến người dân mấy tích thì cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để lấy căn cứ điều tra khi tại sao không có nắp hố ga.

Có phải do thiết kế kỹ thuật, nếu có đủ căn cứ cho rằng là do thiết kế hố ga không có nắp nên khiến người dân bị rơi xuống thì trách nhiệm thuộc hoàn toàn về bên thiết kế.

Nếu thiết kế nắp hố ga đầy đủ thì chúng ta cần phải xem xét tiếp đến việc thi công của công nhân đã đảm bảo đúng thiết kế chưa, phát hiện là do lỗi của bên thi công thì bên thi công sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Từ vụ người phụ nữ rơi xuống mương nước mất tích: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội

"Nếu quá trình thiết kế và thi công hố ga không xảy ra vấn đề nào, mà việc mất nắp hố ga không có là do hư hỏng bị rơi xuống hay bị mất vì lý do nào đó mà cơ quan quản lý không kịp thời theo dõi, giám sát, sửa chữa hư hỏng thì cơ quan đó sẽ có trách nhiệm bồi thường theo Khoản 2 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015.

Khoản 2 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015:

“Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng theo khoản 2 điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 nêu trên, cơ quan quản lý hố ga sẽ không phải bồi thường. Đó là trường hợp tai nạn do sự kiện bất khả kháng gây ra.

Tức là nếu do thiên tai, bão lũ bất ngờ, dù cơ quan quản lý đã cố gắng cảnh báo, sửa chữa nhưng do nhiều hạn chế khách quan mà không thể đảm bảo an toàn gây ra tai nạn, thì cơ quan đó sẽ không phải bồi thường.

Hoặc một trường hợp khác là nếu hư hỏng trên đường do người thứ ba khác gây ra, hoặc nạn nhân không tuân thủ luật giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm dẫn đến tai nạn thì cơ quan quản lý cũng sẽ không phải bồi thường. 

Việc mất nắp hố ga dẫn đến người dân gặp tai nạn thì bên vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng điều 360 Luật Hình sự 2015.

Hoặc tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng điều 298 Bộ Luật Hình sự 2015. Bởi vậy, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan để giải quyết vụ việc công bằng, đúng pháp luật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem