Người tái chế hàng nghìn bao cao su đã qua sử dụng liệu có bị phạt tù?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 23/09/2020 08:34 AM (GMT+7)
Theo luật sư, việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom bao cao su đã qua sử dụng để bán lại là hành vi vi phạm đạo đức, đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, ngày 22/9, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, ngày 19/9, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Bình Dương phối hợp cùng Công an phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) bất ngờ kiểm tra khu nhà trọ ở địa chỉ tổ 4, đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên phát hiện bà Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1987, quê ở Nghệ An) đang gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ khoảng 324.000 đơn vị sản phẩm (tương đương với 360kg) tang vật gồm bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế, chuyển về Đội QLTT số 4 để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi tái chế bao cao su đã qua sử dụng có thể bị truy cứu hình sự

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom bao cao su đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng là hành vi vi phạm đạo đức.

Bởi bao cao su vốn được xem là rác thải không tái sử dụng. Nếu số bao cao su này có các mầm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Hành vi này không những cần lên án, chỉ trích mà phải xử lý theo pháp luật để làm gương cho những kẻ chỉ vì hám lợi trước mắt mà bất chấp đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của cộng đồng. Hiện tại, cơ quan chức năng đang làm rõ hành vi của chủ cơ sở để có căn cứ xử lý theo quy định.

Theo luật sư Bình, hành vi của chủ cơ sở sản xuất tên Ngọc có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên. Mức phạt thấp nhất của hành vi này là 6 tháng tù, cao nhất là tù chung thân.

Còn trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.

Luật sư Bình cho hay, trong vụ việc nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại bao cao su này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo điều 198 Bộ Luật hình sự 2015 về tội Lừa dối người tiêu dùng. Mức phạt thấp nhất của hành vi này là phạt tù 1 năm, cao nhất là 5 năm tù.

Trường hợp bao cao su đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 192, Bộ luật hình sự 2015 về tội mua bán hàng giả. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 5 năm, cao nhất là 15 năm tù.

Sử dụng bao cao su tái chế sẽ gây hại cho sức khoẻ người dùng

Ông Trần Văn Phúc, Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho hay, khi sử dụng bao cao su đạt chất lượng sẽ phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai ngoài ý muốn (đạt tỷ lệ 98%).

Còn trường hợp người dùng mua phải bao cao su giả, kém chất lượng có thể gây nguy hại tới sức khỏe người dùng. Nếu như bao su thủng hoặc rách, tinh dịnh sẽ thoát ra ngoài, đi vào âm đạo của người phụ nữ và có thể sẽ có thai.

Ngoài ra, bao cao su bị thủng sẽ gây ra nhiều bệnh tình dục nguy hiểm như virus HIV, sùi mào gà, vi khuẩn lậu, giang mai và các bệnh phụ khoa, nam khoa khác.

"Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì tất cả các bao cao su chỉ nên sử dụng một lần để đảm bao an toàn cho bản thân người dùng", bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dùng khi mua bao cao su cần chú ý đến nguồn gốc của sản phẩm, cần xem xét kỹ hàng hóa và nên mua bao cao su ở những cửa hàng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Đối với các loại bao cao su không rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không nên dùng.

Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

:a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem