Từ vụ NXB in hình diễn viên Công Lý lên bìa sách: Làm nghiêm thì đã không nên nỗi

Ngọc Lương (ghi) Thứ sáu, ngày 21/11/2014 15:27 PM (GMT+7)
"Trước khi xuất bản các xuất bản phẩm được đăng ký nhưng chúng ta không tổ chức kiểm duyệt trước xuất bản mà chủ trương của chúng ta là hậu kiểm duyệt, tức là sau khi xuất bản mới kiểm duyệt. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm thật nghiêm chuyện này, thanh tra sát sao đầy đủ thì cũng sẽ cảnh báo được các nhà xuất bản, các tác giả phải có trách nhiệm hơn...", GS Đào Trọng Thi chia sẻ.
Bình luận 0

img

Ông Đào Trọng Thi.


Liên quan đến việc thời gian qua có những sai phạm trong xuất bản và biện pháp thế để chấn chỉnh, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng nay, 21.11.

Thưa ông, theo ông thời gian qua tại sao việc xuất bản sách xảy ra nhiều lỗi vi phạm, như trường hợp in hình diễn viên điện ảnh Công Lý trên sách của Nhà xuất bản Lao động - xã hội có phải do công tác kiểm tra, kiểm soát bị buông lỏng?

- Trước khi xuất bản các xuất bản phẩm được đăng ký nhưng chúng ta không tổ chức kiểm duyệt trước xuất bản mà chủ trương của chúng ta là hậu kiểm duyệt, tức là sau khi xuất bản mới kiểm duyệt. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm thật nghiêm chuyện này, thanh tra sát sao đầy đủ thì cũng sẽ cảnh báo được các nhà xuất bản, các tác giả phải có trách nhiệm hơn, tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình để khi xuất bản ra sẽ không vi phạm và bị xử lý.

Còn nếu họ không có trách nhiệm khi bị xử phạt thì cũng là hậu quả nặng nề với họ. Cái chính là chúng ta phải kiểm tra thật đầy đủ, thật chặt chẽ để cảnh báo các tác giả, các nhà xuất bản. Chủ trương của chúng ta là hậu kiểm, đó là chính sách rất quan trọng trong việc tự do xuất bản. 

Luật xuất bản đã trao quyền tự chủ cho các nhà xuất bản nhưng vì lợi nhuận có nhà xuất bản vẫn cố tình vi phạm, trong khi công tác kiểm tra lại là hậu kiểm và vi phạm chỉ được phát hiện khi nó phơi bày ra. Vậy biện pháp nào để ngăn chặn vi phạm trước khi lên mặt sách thưa ông?

- Tôi nghĩ Luật xuất bản đã quy định rõ các trường hợp, kể cả chuyện trách nhiệm của các bên trong liên kết xuất bản. Còn việc một số nhà xuất bản, một số tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản mà họ không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thì chúng ta phải kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó chúng ta phải giáo dục, bồi dưỡng cho những cán bộ tham gia vào quá trình xuất bản, đặc biệt là các Tổng biên tập nhà xuất bản, những cán bộ biên tập có trách nhiệm trong quá trình thẩm định những nội dung trước khi được xuất bản. 

Các quy định của chúng ta đã đủ sức răn đe với những vi phạm trong hoạt động xuất bản chưa thưa ông, hay cần phải chế tài mạnh hơn?

-  Tôi nghĩ các quy định của pháp luật cũng đã đủ mạnh, vấn đề là chúng ta đã sử dụng hết các mức phạt nghiêm khắc để xử lý chưa. Tôi ví dụ vừa rồi Bộ Thông tin - Truyền thông vừa xử lý một số vi phạm trong xuất bản báo chí chẳng hạn, mức xử lý mạnh hơn rất nhiều.

Trước đây chỉ thấy mức phạt vài chục triệu nay đã phạt đến trên 200 triệu đồng. Mức phạt còn có thể cao hơn nữa, trong tay cơ quan chức năng còn có những mức xử phạt nghiêm minh hơn để sử dụng.

Chúng ta nên sử dụng những mức xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe. Không phải để nhiều đơn vị cho rằng thà bị phạt nhẹ như thế còn thích hơn là thực hiện nghiêm túc. Vì khi thực hiện nghiêm chi phí còn cao hơn khi bị xử phạt.

Làm cho người ta hiểu rằng đã xử phạt là hậu quả rất nghiêm trọng, bên cạnh đó xử phạt không chỉ là tiền mà còn có thể tước thẻ biên tập viên, cách chức Tổng biên tập, xử lý những người có trách nhiệm trong nhà xuất bản. Còn nhiều hình thức khác có thể áp dụng để cho việc xử lý nghiêm minh hơn, sức răn đe lớn hơn

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem