Tại cơ quan điều tra, qua đấu tranh khai thác, bước đầu đối tượng khai nhận “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội Facebook bao gồm nhiều cá nhân ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Xung quanh sự việc này, Thể thao & Văn hóa ghi nhận góc nhìn khác nhau của giới luật sư và nghiên cứu xã hội. Sau đây là ý kiến của luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh và TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển.
Luật sư Giang Hồng Thanh: Người phạm tội đang ở nước ngoài vẫn bị xử lý theo luật Việt Nam
Theo thông tin trên báo chí..., trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có đầy đủ căn cứ khi tiến hành khởi tố và bắt tạm giam Trần Thị Hương Giang. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, người bị bắt giữ không đồng nghĩa với việc người đó có tội, bởi theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Nếu bị kết án theo Điều 258 Bộ luật hình sự, Trần Thị Hương Giang có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 7 năm.
Còn tại điều 6 Bộ luật hình sự quy định: “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này”. Điều này có nghĩa nếu trong vụ án này có người phạm tội đang sinh sống ở nước ngoài, người đó vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự Việt Nam.
Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: “Căn cứ vào các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài dẫn độ một người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.”
Từ trước đến nay, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Điều 258 Bộ luật hình sự thường là người có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, chứ chưa thấy có trường hợp nào xâm phạm lợi ích của cá nhân mà lại bị xử lý theo Điều 258 giống như vụ án này. Thông thường người có hành vi tương tự như Trần Thị Hương Giang sẽ bị xử lý về tội “Vu khống” hoặc “Làm nhục người khác”
Tất nhiên, nhận định này dựa trên những thông tin về vụ án có thể chưa đầy đủ được cung cấp bởi các phương tiện thông tin truyền thông. Có lẽ rằng, với những tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được, người có hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật hình sự.
TS Nguyễn Văn Vịnh: “Nói xấu người khác đã là hành vi bất lương rồi”
Theo tôi, trong xã hội thông tin phát triển bao giờ cũng có hai mặt, bên cạnh những cái tiện lợi cho cả xã hội, trong sinh hoạt đời sống, làm ăn kinh tế... thì bao giờ cũng có mặt trái, nhất là sự phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam quá nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Cho nên, những thông tin mang tính chất tuyên truyền chống Đảng, chống Nhà nước thường được kiểm soát chặt chẽ, còn lại những thông tin như bán dâm, chào mời hàng buôn lậu, bằng cấp giả, nói chung chẳng thiếu một cái gì, thì... cứ loạn hết cả lên!
Về việc công an bắt vụ lên mạng nói xấu người khác, thì thật ra, theo tôi, trong xã hội (chẳng phải bây giờ) mà từ rất lâu rồi, đã luôn có những kẻ ngồi lê đôi mách. Nói chung, nói xấu người khác là một tính xấu của xã hội, xã hội nào cũng có. Trong điều kiện mạng xã hội, đăng tin rất dễ dàng, thì việc nói xấu người khác càng “loang” nhanh. Bản chất việc nói xấu người khác đã là hành vi bất lương rồi, cho nên ở khía cạnh nào cũng có thể phải lên án, nếu đi quá thì đương nhiên thành tội phạm.
Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên công an bắt được tội phạm nói xấu người khác và tôi rất tán thành và ủng hộ việc này.
Đương nhiên, người nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia đều bị theo dõi rất chặt chẽ, từ chuyện ăn mặc, đi đứng, nói năng, thậm chí là nhỏ nhất, cả chuyện “sổ mũi hắt hơi”... người ta cũng đăng tin và những loại tin đó thường được xếp vào loại tin “lá cải”.
Thực tế, bản thân những người nổi tiếng cũng là những người bình thường, họ cũng có quyền được sống. Tất nhiên, khi họ bị theo dõi nhiều quá, thành tâm điểm thì họ cũng điều chỉnh theo cách cố gắng không bộc lộ những điểm yếu, những phát ngôn, hành vi mất kiểm soát. Nhưng khi bị những dạng người theo dõi, nói xấu, họ sẽ rất khổ, rất sợ, bởi hành vi nào của họ cũng bị công khai, bị đẩy lên, tạo thành nỗi bất an trong xã hội.
Nói chung, những người làm chuyện nói xấu người khác như thế có thể họ có vấn đề về mặt tâm thần. Và rõ ràng đây là một loại căn bệnh bất bình thường. Tôi có đọc báo và thấy trường hợp này lạ lùng lắm, cũng có thể có những tổ chức, cá nhân thuê những người như thế này làm. Trong xã hội truyền thống của chúng ta cũng có những loại người đâm thuê chém mướn. Nói thật, những người làm việc này là hạ đẳng!
Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, ngụ tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" quy định tại Điều 258, Bộ luật Hình sự.
Quá trình bắt, khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ 5 điện thoại di động, 2 máy tính xách tay cùng nhiều tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội của Trần Thị Hương Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.