Từ vụ Tuấn "phò mã" bị bắt: Đừng ảo tưởng vì sự nổi tiếng trên mạng!
Từ vụ Tuấn "phò mã" bị bắt: Đừng ảo tưởng vì sự nổi tiếng trên mạng!
Quang Trung
Thứ năm, ngày 07/03/2024 11:23 AM (GMT+7)
Từ vụ Tuấn "phò mã" bị bắt, chuyên gia cho rằng, nổi tiếng vì mang lại giá trị thực sự cho xã hội, truyền bá những nội dung nhân văn, tích cực cho cộng đồng… mới có chỗ đứng trong xã hội.
Tuấn "phò mã" bị bắt để điều tra về hành vi đánh bạc
Ngày 6/3, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đã bắt giữ Hoàng Đình Tuấn (SN 1984, quê Thanh Hóa) để điều tra hành vi Đánh bạc.
Vụ việc đang được các lực lượng chức năng huyện Yên Phong và Bắc Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định.
Hoàng Đình Tuấn, thường được gọi với biệt danh là Tuấn "phò mã", trước là một tài xế ô tô. Khoảng 2 năm trở lại đây, Tuấn trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với những clip quay lại quá trình làm việc của CSGT, thu hút rất nhiều lượt xem, chia sẻ và bình luận.
Tuấn chuyên quay các video chỉ cách "né" CSGT và giải thích về Luật Giao thông đường bộ. Nhiều clip của Tuấn cũng ghi lại cảnh người này xin lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm của người đi đường.
Kênh Tiktok của Tuấn "phò mã" có tới 3,7 triệu lượt thích và hơn 300.000 người đăng ký theo dõi.
Đừng ảo tưởng sức mạnh vì mình là người nổi tiếng
Sau vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với đặc điểm của không gian mạng là ai cũng có thể tạo lập tài khoản, đăng tải thông tin và thông tin có sự kiểm duyệt lỏng lẻo, người đưa thông tin phải chịu trách nhiệm về nội dung của mình.
Thêm vào đó là số lượng người tham gia mạng xã hội để giải trí, tìm kiếm những điều lạ lẫm chiếm một số lượng rất lớn. Chính vì vậy, thời gian qua có không ít những người nổi tiếng nhờ khoe thân, chửi bậy hoặc có những hành vi ứng xử, lối sống, quan điểm, suy nghĩ lệch lạc.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có hành vi chống đối lực lượng chức năng, tuyên truyền những điều nhảm nhí cũng nhanh chóng được nhiều người theo dõi trên không gian mạng.
Điều đáng nói là những đối tượng này thường được nhiều người trẻ, người chưa thành niên theo dõi và học theo, làm theo. Trong các nội dung đăng tải, không ít những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.
Đặc điểm chung của những đối tượng trên là thích khoe tiền, khoe chiến tích, khoe cả hành vi vi phạm pháp luật lên không gian mạng hoặc có những quan điểm, lối sống sa đọa, trụy lạc, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác nên việc bị xử lý là không tránh khỏi.
Ông Cường cho rằng, không gian mạng là nơi sức lan tỏa thông tin nhanh chóng và có tác động trực tiếp đến dư luận xã hội. Bởi vậy, với các đối tượng có hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức và có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng thì việc phê phán, đấu tranh loại bỏ khỏi không gian mạng là cần thiết và được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội.
Thời gian qua, hàng loạt các đối tượng giang hồ mạng đã bị bắt giữ, xử lý về nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác nhau, nhiều đối tượng nổi tiếng trên mạng nhờ "bóc phốt", tạo ra các hội nhóm đấu tố lẫn nhau, thu thập trái phép thông tin cá nhân, đưa ra những thông tin giả mạo sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân…cũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giữ…giúp môi trường mạng dần trở nên trong sạch hơn.
Từ bình luận trên, ông Cường cho rằng, nổi tiếng vì mang lại giá trị thực sự cho xã hội, truyền bá những nội dung nhân văn, tích cực cho cộng đồng và mang đến những giá trị về trí thức, giải trí thì mới có chỗ đứng trong xã hội.
"Còn những người gây ra tai tiếng trên không gian mạng, nổi tiếng bằng chiêu trò, việc bị xử lý là điều khó tránh, bởi những tai tiếng đó là biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên mong những người này hãy bớt ảo tưởng sức mạnh, vì trước pháp luật, tất cả mọi người đều bình đẳng" – vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.