Từ vụ võ sư đánh vợ: Phụ nữ đã nuôi dưỡng bạo lực của các ông chồng như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa Thứ năm, ngày 29/08/2019 06:45 AM (GMT+7)
Chỉ cần vài năm “rèn luyện” như thế những người vợ ấy đã biến người đàn ông luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ thành người chồng khệnh khạng như ông chủ, sai vợ như sai đầy tớ. Từ đó đến chỗ không hài lòng thì quát tháo, quá chút nữa là bạt tai, đá đít, đến chỗ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không xa.
Bình luận 0

Người đàn ông khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, nói chung là đáng yêu, biết quan tâm săn sóc vợ. Nếu không, bạn đã chẳng kết hôn. Nhưng chỉ mấy năm sau anh ta biến thành một người khác, tính tình hung hãn, đánh đập, chửi mắng bạn. Lẽ nào quá trình tha hóa ấy không liên quan gì đến bạn, vì trước kia anh ta có như thế đâu?

Nghiên cứu cho thấy, bất cứ một thói xấu nào trong gia đình cũng có quá trình phát sinh và phát triển của nó. Lúc đầu có thể rất nhỏ, không đáng kể, sau cứ lớn dần lên, người vợ nín nhịn mãi thành quen và cuối cùng bị hoàn toàn khuất phục.

img

Hầu hết các ông chồng khi mới cưới đều đáng yêu. Ảnh minh họa

Đúng ra, ngay từ hành vi có dấu hiệu bạo lực đầu tiên, người vợ đã cần phải có những phản kháng cần thiết và không chấp nhận. Dù chồng có đe doạ ly hôn cũng không sợ. Bởi vì nếu giữ hôn nhân bằng mọi giá, để chồng lấn tới chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn hàng ngày thì cuối cùng cũng phải ly hôn, nếu không muốn nhập viện?

Trong một thí nghiệm tâm lý, các nhà khoa học thả mấy con ếch vào nồi nước nóng. Vừa chạm vào sức nóng, lũ ếch nhảy vọt lên và chúng thoát ra được. Thí nghiệm tiếp theo, người ta thả ếch vào nồi nước lạnh rồi đun nóng từ từ. Nhiệt độ tăng dần nhưng lũ ếch cứ cố chịu đựng. Đến khi chúng nhận thấy quá nóng không thể chịu nổi, cố sức nhảy lên thì không sao nhảy được nữa và đành chịu chết.

Bạo hành gia đình cũng thế! Nếu vừa cưới xong đã đánh vợ dã man chắc không ai chịu. Quá trình đó thường diễn ra từ từ bắt đầu bằng chuyển từ “anh em” sang “tôi cô”, rồi đến “mày tao”, từ nói trống không đến mắng mỏ, quát tháo rồi mới chuyển sang đánh đập mới đầu nhẹ sau nặng dần.

Cho nên ngay từ những ngày đầu, người vợ cần cho chồng làm quen với ý nghĩ vợ là người bạn đời chứ không phải người hầu của anh ta. Từ những hành vi lúc đầu có thể chỉ rất nhỏ như:”Cái quần đùi của anh đâu nhỉ?”. Vợ không nên tất tưởi đi tìm đem đến cho chồng mà có thể trả lời : “Anh thử tìm xem, chắc là ở đâu đấy!”.

Anh ta sẽ tìm được hoặc nếu không tìm được, văng ra những lời cáu gắt,  người vợ cần có phản ứng ngay: “Vì anh không chịu cất vào một chỗ nên mới khó tìm”. Nếu anh ta đưa ra những luận điệu như: “Cô là vợ phải có trách nhiệm cất đi cho tôi” thì người vợ cần phải nói rõ: “Em là vợ anh chứ không phải người hầu của anh”.

Cứ như vậy, chị sẽ tập được thói quen gọn gàng, ngăn nắp cho chồng, ít nhất cũng từ bỏ nếp nghĩ là luôn luôn có vợ hầu hạ mình. Nếu chồng đang ăn cơm thiếu quả ớt, quắc mắt nhìn, vợ vội buông đũa chạy đi lấy. Có khác gì tự nhận mình là người luôn sẵn sàng phục vụ anh ta?

img

Hình ảnh điển hình cho "chồng chúa vợ tôi" (Cắt từ clip võ sư (Hà Nội) đánh vợ đang ôm con nhỏ 2 tháng gây xôn xao dư luận)

Ở nước ta chưa có các lớp học làm vợ, làm chồng nên phần lớn những bài học đó chúng ta tiếp thu được từ cuộc hôn nhân của ông bà, cha mẹ với đạo làm vợ phải “nâng khăn sửa túi cho chồng”. Thậm chí chồng chỉ đưa mắt là biết mình phải làm gì.

Ngờ đâu chỉ cần vài năm “rèn luyện” như thế những người vợ ấy đã biến người đàn ông luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ thành người chồng khệnh khạng như ông chủ, sai vợ như sai đầy tớ. Từ đó đến chỗ không hài lòng thì quát tháo, quá chút nữa là bạt tai, đá đít, đến chỗ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không xa.

Thực tế cho thấy có nhiều gia đình chồng đánh vợ, đến nỗi công an, chính quyền, tổ hoà giải phải đến can thiệp nhưng khi họ vừa rút đi lại đâu vào đấy, bởi vì người vợ hoàn toàn không có khả năng tự chống lại sự áp bức của chồng. Điều họ sợ nhất là ly hôn.

Khi giữa vợ chồng tình yêu đã không còn, chỉ còn lại mối quan hệ chủ tớ mà họ vẫn cam chịu thì làm sao có ai giúp đỡ được họ? Bởi vì lúc này người vợ đã hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, mất khả năng sống tự lập và đành phải nghiến răng chấp nhận cảnh bất công.

Đó cũng là nguồn gốc của mọi bi kịch. Thậm chí có người chồng dẫn nhân tình về nhà ngủ với nhau mà vợ cũng không dám làm gì, vì sợ nói ra chồng sẽ đánh hoặc ly dị. Bài học rút ra là, sửa ngay từ đầu bao giờ cũng hiệu quả hơn là để thói quen xấu thành nếp sống, nếp nghĩ mới tìm cách thay đổi nó đi.

Phải chăng chỉ khi nào người phụ nữ không lệ thuộc vào chồng, không chấp nhận hôn nhân bằng mọi giá mới có thể nói đến quyền bình đẳng với chồng để có một gia đình hạnh phúc như chị em mong đợi.

                                                      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem