Thật chẳng có gì kỳ lạ khi có nhiều phụ nữ còn bị chồng đánh 20-30 năm, đánh đến thương tích đầy mình, khắp người toàn sẹo, chân tay gãy vài lần… vẫn chịu đựng.
Chị L. - vợ võ sư đánh vợ trong clip đang khiến dư luận dậy sóng, chia sẻ, chị lấy chồng khi mới 19 tuổi, vừa về với nhau một thời gian, chị đã bị chồng đánh thậm tệ. Nhưng vì con nhỏ, vì sợ mang tiếng bỏ chồng nên vẫn gắng chịu đựng. 5 năm trước, chị đã làm đơn ra tòa, muốn ly hôn nhưng sau đó nghe chồng năn nỉ lại mềm lòng quay về.
Chị cũng thương con còn nhỏ không có bố nên 2 người quay về chung sống với nhau. Và chị L. lại tiếp tục bị chồng đánh, đánh đến tàn nhẫn dù mới sinh con nhỏ. Và clip chồng đánh chị tàn bạo khi đang ôm con chỉ là một lần rất nhiều lần bị đánh của chị.
Hình ảnh người chồng võ sư đánh vợ mình đang bế con nhỏ 2 tháng tuổi nằm ngã vật xuống nền đất (Ảnh cắt từ video).
Từng làm việc nhiều với phụ nữ bị bạo lực gia đình, tôi không lạ với những câu chuyện như vậy. Có chị, cũng đang trong thời kỳ cho con bú nhưng trong cơn say, chồng chị đã đánh chị dập lá lách, phải nằm viện điều trị 10 ngày. Đáp lại câu hỏi: "Tại sao chồng chị đánh đập dã man trong thời gian dài mà chị vẫn chịu đựng?", chị cuống quýt phân trần: "Lỗi tại em. Tại em không tâm lý, nói nhiều nên chồng em giận. Chứ bình thường anh ấy vẫn yêu thương vợ con"(!).
Lại có chị khi được giải cứu, đưa đến nhà bình yên lại dằn vặt: “Em đi thế này anh ấy lại vạ vật không có người nấu cơm cho ăn. Anh ấy bình thường rất tốt với em, chỉ do rượu mà anh ấy biến thành kẻ khác”.
Tự trách mình, bao biện cho chồng là tâm lý chung của nhiều người phụ nữ đang bị chồng bạo hành. Có người cho rằng mình xấu xí, ít học nên chồng chán, ruồng rẫy để đi với người phụ nữ khác. Có người lấy chồng không sinh được con nên chấp nhận thân phận của người giúp việc, ở lại chăm sóc bố mẹ chồng đau ốm, âm thầm, nhịn nhục trong xó bếp, chấp nhận cả việc chồng mình đưa người đàn bà khác về ở, sinh con đẻ cái. Đến lúc bố mẹ anh ta mất, anh ta muốn lấy nhà, kiếm cớ đuổi vợ đi, chị mới dè dặt lên tiếng xin trợ giúp. Có người đổ tại rượu nên chồng mới "mất hết lý trí", tại chồng yêu, chồng ghen nên mới đánh...
Chị L. đã nhiều năm chịu đựng bị chồng đánh, đã muốn ly hôn còn quay lại vì "muốn con có bố".
Theo Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết.
Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). |
Nghe những lý do bao biện cho việc chồng đánh mình của chị em, nhiều lúc thấy… tức điên. Nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy việc họ bị hành hạ, đánh đập, khổ sở mà chưa nhìn thấy… sự tự hào vì bị chồng đánh của họ.
Vì trong những câu chuyện đau thương, tủi hờn của họ luôn lẩn quất sự tự hào vì mình đã yêu thương mà tha thứ, đã hy sinh để con có bố, đã chịu đựng để bố mẹ không thất vọng, đã nhẫn nhục để bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình. Bởi vì: “Họ hàng, làng xóm, bạn bè đều nể chị vì không có chị thì gia đình tan vỡ lâu rồi”.
Tại sao chị em bị chồng đánh lại nghĩ kỳ cục, tự hào vô lý như vậy?
Bởi vì tất cả chúng ta vẫn đang được tôi luyện trong môi trường văn hóa, giáo dục với những danh hiệu “mỹ miều”. Rằng phụ nữ phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, “mẹ giỏi, con ngoan”, phụ nữ phải biết “hy sinh”, phải “chăm lo cho chồng con”.
Chị em nào không hy sinh, không nhẫn nhịn thì bị phê bình, bị cho là… không xứng đáng làm mẹ, làm vợ, không phải là… phụ nữ. Những mỹ từ tàn nhẫn với phụ nữ, siết chặt họ như vòng kim cô sáng lóa.
Cũng bởi vì được giáo dục “chồng đối ngoại, vợ đối nội”, “đàn ông làm việc lớn” nên nhiều người đàn ông vẫn cho rằng, cưới vợ là “mua về một tài sản” nên cho mình quyền đập phá, chửi mắng nếu không vừa ý, nếu “tài sản” đó không nghe lời mà dám “bật” lại.
Anh ta mang cơn giận dữ, thất bại, mệt mỏi ở ngoài xã hội về nhà để mang vợ ra “đá thúng đụng nia”. Vì anh ta coi vợ như tài sản, như thứ lệ thuộc, như thứ thấp kém mà anh ta có thể chà đạp, đánh đập, xúc phạm. Vì biết đánh vợ sẽ không bị đánh lại, sẽ được tha thứ, sẽ không bị trừng phạt.
Những sự vô lý này thúc đẩy hành xử…kỳ cục trước bạo lực gia đình của chúng ta. Cha mẹ thấy con bị đánh vẫn khuyên con nín nhịn, chịu đựng. Phụ nữ bị đánh sẽ thấy “tại mình hư”. Chính quyền thấy bạo lực gia đình sẽ hòa giải cho bằng được. Hàng xóm thấy bạo lực sẽ không can thiệp vì “đèn nhà ai nhà nấy rạng”….
Sự tự hào đầy đau thương và mù quáng, những mỹ từ như vòng kim cô dành cho phụ nữ đang khiến nhiều phụ nữ có “động lực để chấp nhận bạo lực” hoặc mất hết sức phản kháng. Thay vì lên án, họ quay sang biện hộ cho kẻ đánh đập mình và tiếp tục dung dưỡng bạo lực.
Họ chờ đợi một ngày người chồng “đánh mỏi tay” sẽ nhận ra tình cảm to lớn, sự hy sinh vĩ đại của vợ. Và trong khi chờ đợi, những nắm đấm vẫn tiếp tục trút xuống thân thể họ… ngày một dày đặc, ngày một tàn nhẫn…
Nếu muốn giảm bớt những nỗi đau vì bị chồng đánh của phụ nữ, tất cả chúng ta phải thay đổi...
Tôi đã từng nghe một người vợ bị chồng đánh kể rằng, chị sợ nhất là sau khi đánh chị xong, gã chồng lại “hối lỗi” bằng cách đòi ngủ với vợ. Khi chị từ chối thì anh ta lại la hét, tỏ ý muốn đánh chị. Chị đành chịu đựng. Chị chua xót kể: “Khi anh ta hăm hở "chuộc lỗi" ở bên trên thì tôi nằm câm lặng, nước mắt chảy đầm gối. Tôi càng không hiểu làm sao anh ta có thể vuốt ve, hôn hít thân thể đầy vết bầm dập do nắm đấm của anh ta?”.
Và chị đã chật vật để được ly hôn, ngày đầu tiên được tự do, chị đã vào phòng tắm, tắm trong nhiều giờ, kỳ cọ đến độ thân thể đỏ ửng. Như thể rửa sạch những uất ức, tủi nhục, những sự xúc phạm, mạt sát, chà đạp mà người chồng đã gây ra trên thân thể và nhân phẩm của chị.
Rất khó nhận ra sự khác lạ của những người phụ nữ bị bạo lực 10-20 năm. Bởi họ rất ít biểu lộ cảm xúc và vết thương trên thân thể mình. Họ kể chuyện mình bị chồng đánh tàn nhẫn một cách bình thản, lãnh đạm, như thể kể về nỗi đau của một người nào khác. Họ buông xuôi không phản kháng với sự hành hạ của chồng, họ thờ ơ với lời mạt sát. Lời nói cũng hụt hơi, thiếu lực và ánh mắt luôn nhìn vào điểm mù mịt nào đó.
Nếu hỏi họ về mong muốn, họ không hề ước chồng không đánh mình nữa mà chỉ sợ những đứa con bị tổn thương, lo cha mẹ buồn, ngại kinh tế không đủ trang trải ăn học cho con… Điều đáng sợ là họ tuyệt nhiên không bao giờ nói về bản thân, không cần gì, không hy vọng gì cho bản thân, như thể họ không sống.
Phụ nữ bị chồng đánh đau thế đấy! Đàn ông có biết???
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.