Nắng vàng tràn ngập trên con phố. Cờ, khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ chào mừng các đại biểu về dự hội nghị đan xen hai màu vàng đỏ khiến cho không khí ngày hội tưng bừng, ấm áp và đầy ý nghĩa.
|
Những nhà nông tài năng tham quan khu triển lãm về thành tích của ND SXKD giỏi. |
Các đại biểu gặp nhau chào hỏi rộn rã, tay bắt mặt mừng... Họ kể chuyện quê, chuyện làm ăn, tranh thủ sẻ chia kiến thức kinh nghiệm làm giàu trước giờ khai mạc hội nghị. Chúng tôi không khỏi xúc động khi trực tiếp được gặp mặt, được nghe chuyện của những người nông dân từ chân đất, bùn lầy, đồng hoang đất bạc trở thành điển hình trong phong trào SXKD giỏi, vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Phan Kiếm Hiệp (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho hay ông đã từng “lỡ hẹn” với danh hiệu nông dân giỏi cấp T.Ư nhiều lần vì… quá bận. Từ một y sĩ, với ý chí làm giàu, vượt qua vô vàn khó khăn ban đầu trong khai hoang đất ven biển, nay ông là một trong những nông dân tiêu biểu nhất của mảnh đất Bình Định: Người đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng! Ông bảo, đã 15 năm liên tục được vinh danh nông dân giỏi cấp tỉnh nhưng điều ông hạnh phúc nhất là giúp đỡ được bà con nghèo ở vùng quê nghèo quanh năm nắng gió.
8 giờ 30 phút, hội trường chật kín chỗ ngồi, hội nghị chính thức bắt đầu với tràng vỗ tay vang dội chào đón đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Văn Ninh- Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN; đồng chí Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cùng nhiều đồng chí lãnh đạo T.Ư.
Nét mặt rạng ngời và nụ cười thường xuyên hiện hữu của các đại biểu khiến cho không khí hội nghị thêm tưng bừng ấm cúng. Sắc màu của những bộ trang phục của đại biểu đại diện các vùng miền của cả nước làm hội trường rực rỡ như một vườn hoa đẹp.
Bác Đoàn Văn Chính (xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, Bình Thuận) tươi cười chia sẻ: “Ra Hà Nội nhận giải nhưng vẫn lo ngay ngáy việc nhà. 90 lao động mà không có tay mình sắp xếp là lại mắc việc ngay”. Đoàn Bình Thuận ra Hà Nội bằng tàu hỏa nhưng riêng bác Chính đi bằng máy bay.
Bác bảo: “Kết thúc hội nghị, 8 giờ tối nay tôi phải bay ngay vào Bình Thuận. Đang mùa thu hoạch cao su, chế biến điều... công việc rất nhiều. Nhưng lo nhất là đang mùa mưa nên phải giám sát chặt chẽ cây cao su giống ở trên rẫy”.
Quê gốc Thái Bình, bác Chính vào mảnh đất đầy nắng gió Bình Thuận lập nghiệp từ năm 1992. Đến nay, dù đã là giám đốc một công ty khá lớn nhưng trong câu chuyện bác Chính kể về mảnh đất “quê hương 5 tấn” vẫn đầy yêu thương, nhớ nhung đĩa mầm rau muống luộc, con cá kho và bát canh cua tảo tần mẹ nấu cho tự thuở nào.
Vẫn bộ trang phục dân tộc Dao như hôm đầu tiên gặp phóng viên giữa thủ đô, ông Lý Nguyên Bảo (Bắc Kạn) xúc động nhưng cũng không giấu nổi niềm tự hào khi kể về một thời tuổi thơ dữ dội. Mồ côi cha từ lúc 4 tuổi, lòng thương mẹ của đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới được nhen lên thành ý chí làm giàu. Anh chia sẻ: “ 14 tuổi, tôi đã có thể làm tất cả các công việc như một người đàn ông trụ cột trong gia đình”. Tôi nhận ra đôi mắt hoe đỏ của một nông dân đã quá ngũ tuần.
Nghe tâm sự của ông Bảo, tôi mới hiểu hơn về hành trình làm giàu của hàng triệu nông dân Việt Nam: Đầy gian khó, đẫm mồ hôi và nước mắt. Để hôm nay, triệu triệu nông dân đã trở nên giàu có. Họ xứng đáng được vinh danh!
Ghi chép của Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.