Từng là cái nôi công nghệ uy tín nhất thế giới, Nhật Bản giờ đang tụt hậu?

Huỳnh Dũng Chủ nhật, ngày 01/08/2021 08:37 AM (GMT+7)
Trong lịch sử phát triển công nghệ toàn cầu, Nhật Bản là nước từng được xem là cái nôi công nghệ, chuyên cho ra đời những sản phẩm chất lượng, uy tín được cả thế giới tin dùng. Thế nhưng tới hôm nay, hào quang rạng ngời ấy đã chợt tắt. Vậy sự thật đằng sau câu chuyện đáng buồn này là gì?
Bình luận 0

Theo một nghiên cứu từ công ty McKinsey cho thấy, Nhật Bản đã liên tục phát triển cho đến những năm 2000. Sau giai đoạn này, doanh thu của các công ty như Sony hay Toshiba bắt đầu giảm mạnh so với những đối thủ như Apple và Samsung.

"Trong những năm 1980-1990, các công ty Nhật Bản nổi tiếng với việc tối ưu thiết bị công nghệ trở nên nhẹ và mỏng hơn. Tuy nhiên, thị trường đã dần thay đổi. Công nghệ hướng đến người dùng, tập trung vào cả cải tiến thiết kế cũng như phần mềm trở nên quan trọng hơn", Kenji Nonaka, thành viên cấp cao của McKinsey cho biết. Đây cũng chính là điều mà Nhật Bản chưa làm trọn vẹn được. Cụ thể là các yếu tố dưới đây:

Thị trường công nghệ toàn cầu chuyển dịch trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm, các tập đoàn Nhật Bản vẫn giữ thói quen cũ và bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh: @Pixabay.

Thị trường công nghệ toàn cầu chuyển dịch trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm, các tập đoàn Nhật Bản vẫn giữ thói quen cũ và bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh: @Pixabay.

Thiết kế công nghệ vẫn mang lối mòn cũ

Thực ra, nếu nhìn một cách trọn vẹn thì các sản phẩm của Nhật Bản từng có thế mạnh về thiết kế, các sản phẩm của họ khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm cùng loại, nhưng cho đến nay những gì họ làm vẫn mang đậm chất thiết kế của những năm 80 của thế kỉ trước. Tụt hậu về thiết kế, khiến những công ty Nhật Bản dần mất thị phần vào những công ty trẻ tuổi khác, với những sản phẩm mang tính đột phá, đặc biệt là các ông đại công nghệ của Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Giữ lối mòn tư duy cũ

Một trong những nguyên nhân khác nằm ngay trong bản chất của hệ thống doanh nghiệp nước này. Một phần Giám đốc điều hành các công ty Nhật Bản nói chung và các công ty công nghệ nói riêng thường có tư tưởng bảo thủ, ít chịu thay đổi. Một số doanh nghiệp Nhật chi tiền để hỗ trợ suốt đời cho những chương trình chất lượng thấp, dẫn đến không còn đủ vốn phát triển những chương trình phát triển mới. Đây chính là sự khác biệt giữa các doanh nghiệp Nhật với các đối thủ phương Tây, nhất là Mỹ, nơi các công nghệ mới luôn được các doanh nghiệp chào đón.

Thiếu lao động có tay nghề có sáng tạo

Chuyện muôn thuở ai cũng biết đó là Nhật Bản là quốc gia có dân số già dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu tính sáng tạo và sự đổi mới. Minh chứng rõ nhất là ở Nhật Bản, không có gương mặt nào mới trong top đầu của của ngành điện tử- công nghệ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

"Tại Nhật Bản, cộng đồng khởi nghiệp rất hạn chế. Mọi người đều muốn đến làm việc tại các doanh nghiệp lớn", Nonaka nói. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, văn hóa làm công ăn lương tại Nhật Bản đã ngăn cản nhân viên rời bỏ công việc của họ để tìm ra lối đổi mới. 

Thiếu kỳ lân công nghệ, thua xa nhiều nước khác

Trong những năm gần đây, nhiều nước phát triển có thể kỳ vọng vào một sự đón đầu làn sóng công nghệ mới, nhờ các startup đầy tham vọng và có tính năng động cao. Tuy nhiên, với chỉ 4 kỳ lân công nghệ hiện có, Nhật Bản vẫn còn ở rất xa so với Trung Quốc và Mỹ, vốn chiếm 70% trong số 500 startup kỳ lân toàn thế giới, theo một thống kê khác của Nikkei năm 2020.

Các nhà phân tích còn cho rằng, nguyên nhân nằm ở văn hóa làm việc và hệ thống tài chính "bài xích" rủi ro. Tại Nhật, cộng đồng startup khá hạn chế bởi ai cũng muốn đến làm việc cho các công ty lớn. Ngoài ra, hệ thống tài chính không chấp nhận quá nhiều rủi ro gây cản trở cho sự sáng tạo vào đổi mới. Các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào ngân hàng để huy động vốn, thay vì từ thị trường tài chính.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từng đi tiên phong khi nhắc đến những đột phá, sáng tạo trong công nghệ. Đây là quốc gia tạo ra những chiếc máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc Walkman và đèn LED. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang cho thấy sự tụt lùi trong cuộc đua đổi mới. Ảnh: @Pixabay.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từng đi tiên phong khi nhắc đến những đột phá, sáng tạo trong công nghệ. Đây là quốc gia tạo ra những chiếc máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc Walkman và đèn LED. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang cho thấy sự tụt lùi trong cuộc đua đổi mới. Ảnh: @Pixabay.

Chỉ vì văn hóa sùng bái người cao niên và sự bảo thủ dẫn đến tụt hậu

Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến những thương hiệu lừng danh với tuổi đời cả trăm năm như Sony, Toshiba, Panasonic, Sharp... Thậm chí, đã có thời kỳ người Việt lưu truyền câu nói 'nét như Sony, phẳng lì như Panasonic' để nhấn mạnh sự thần kỳ của các sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào. Nhiều gia đình Việt khi đó còn dùng cả cây vàng để mua tivi, xe máy Nhật, nhằm chứng tỏ sự chịu chơi, độ sành điệu.

Văn hóa làm việc và kỷ luật thép của người Nhật đã giúp các tập đoàn công nghệ nói trên vươn mình mạnh mẽ trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng khi công nghệ chuyển dịch trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm, các tập đoàn Nhật Bản vẫn giữ thói quen cũ và bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo Michael Woodford, người từng là CEO nước ngoài của Olympus, từng vạch trần gian lận kế toán trị giá 1,7 tỷ USD kéo dài suốt 13 năm ở công ty này, ông cho rằng văn hóa sùng bái người cao niên và sự bảo thủ đã khiến người Nhật không chịu thay đổi, dẫu đã bị tụt hậu công nghệ khá xa.

Khủng hoảng buộc nhiều tên tuổi lớn đã phải bán mình để trụ lại ở thời cuộc khó khăn này. Năm 2020, Toshiba hoàn tất việc bán nốt cổ phần ở mảng PC cho đối thủ Sharp, và chính thức rút chân hoàn toàn khỏi mảng kinh doanh laptop vốn một thời bá chủ toàn cầu. Thậm chí, chính Sharp trước đó đã phải bán mình cho Foxconn của Đài Loan vào năm 2016 sau nhiều năm vật lộn vì thua lỗ.

Trở lại với Toshiba, tập đoàn 145 năm tuổi này đã phải xé lẻ nhiều mảng kinh doanh cốt lõi như bán mảng đồ gia dụng cho Midea của Trung Quốc và thiết bị y tế cho Canon năm 2016, bán mảng chip nhớ cho một quỹ đầu tư của Mỹ và mảng tivi cho một công ty Trung Quốc vào năm 2017.

Một trường hợp khác là thương hiệu lâu đời Sanyo bị đồng hương Panasonic thâu tóm năm 2009. Nhưng chỉ sau vài năm, thương hiệu Sanyo tiếp tục bị bán lại cho một công ty của Trung Quốc và chính thức biến mất hoàn toàn khỏi thị trường. Một ông lớn khác là Sony tuy vẫn có được sự khởi sắc trong kinh doanh, nhưng tất cả là nhờ mảng game. Tivi Sony hiện đã ở rất xa thời hoàng kim và bị cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng tivi đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Công nghệ cũ, lạc hậu vẫn còn ưa chuộng trong các công ty công nghệ Nhật

Sự tụt hậu này còn đến từ chính phong cách và tư duy cố hữu trong các công ty công nghệ Nhật. Các công nghệ cũ như máy fax, màn hình lồi (monitor), đĩa DVD và thậm chí là Internet Explorer hay giấy viết tay vẫn còn được ưa chuộng tại Nhật, theo Jordy Delage, người sống và làm việc ở Nhật từ năm 2005. Vị CEO người Pháp này còn tiết lộ rằng, nhiều công ty Nhật Bản có ngân sách cho công nghệ thông tin (IT) rất thấp, thậm chí là không có phòng/ban IT.

Năng lực cạnh tranh công nghệ của Nhật Bản lại suy giảm

Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) đã công bố Bảng xếp hạng Năng lực Cạnh tranh Kỹ thuật số Thế giới năm 2020 nhằm xếp hạng năng lực của các quốc gia trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số cho chính phủ, doanh nghiệp và xã hội nói chung. Những kết quả này cho thấy, Nhật Bản tụt hậu so với các quốc gia khác, tụt xuống vị trí thứ 27 từ vị trí thứ 23 năm 2019.

Nhật Bản được cho là đang tụt hậu trong cuộc đua công nghệ với hai nước đi đầu là Mỹ và Trung Quốc.

Nhật Bản được cho là đang tụt hậu trong cuộc đua công nghệ với hai nước đi đầu là Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: @Pixabay.

Nhìn về tương lai phía trước

Hiện nay, Nhật Bản đã bắt đầu giải quyết tình trạng suy giảm khả năng cạnh tranh về công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỗ để cải thiện. Trước mắt, do đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật có thể sẽ thận trọng trong việc phối hợp và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Về lâu dài, các công ty Nhật Bản nên tăng cường hợp tác khởi nghiệp hoặc tham gia vào các hoạt động mua bán và sáp nhập các công ty khởi nghiệp. Một sự thay đổi như vậy có thể sẽ giúp các công ty lớn của Nhật Bản đổi mới nhanh hơn, và tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ, tận dụng bí quyết, động lực và tính linh hoạt của các công ty khởi nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản cũng nên đẩy mạnh các sáng kiến để thúc đẩy sự thay đổi hơn nữa trong thái độ, tư duy phát triển của các công ty khởi nghiệp và số hóa, đẩy mạnh hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Nếu Chính phủ hợp tác với các công ty tư nhân và đẩy mạnh quỹ đầu tư mạo hiểm để tăng cường hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trẻ, rất có thể hệ sinh thái khởi nghiệp và triển vọng đổi mới công nghệ của Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại trong thập kỷ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem