Từng thua lỗ tiền tỷ vì nghề nuôi lợn nái, nay "nổi nhất vùng" vì giá lợn cao chót vót

Quỳnh Chi Thứ ba, ngày 02/06/2020 13:25 PM (GMT+7)
Với gần 60 con lợn mẹ, hiện trung bình mỗi tháng ông Thiện (Hà Nam) xuất bán từ 10 – 15 đàn lợn giống, mang lại thu nhập trên dưới nửa tỷ mỗi tháng.
Bình luận 0

Nghề lắm bấp bênh

Nếu ai có dịp về vùng chăn nuôi lợn tại tỉnh Hà Nam, hỏi tên ông Nguyễn Văn Thiện (xóm 4 thôn Hạ Vỹ, Nhân Chính, Lý Nhân Hà Nam) nuôi lợn nái, có lẽ ai cũng biết.

img

Các chủ trại lợn "trụ tốt" được với nghề như ngày hôm nay thực sự không phải chuyện dễ dàng

Người dân trong xóm chỉ dẫn đường cho phóng viên tới nhà ông Thiện và nói: “Giờ này cứ ra thẳng trang trại lợn, hầu như ông Thiện lúc nào cũng ở đó”.

Nghe tiếng gọi cửa, ông Thiện từ trại lợn bước ra với dáng vẻ bận bịu. Ông Thiện cho biết ông và vợ đang cho lợn ăn.

Với cách nói chuyện khiêm tốn, ông Thiện không ngại ngùng chia sẻ cùng phóng viên về kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình.

Theo ông Thiện, gia đình ông chuyên chăn nuôi lợn từ 25 năm trước và chỉ nuôi lợn nái. “Lúc nhiều nhất tôi nuôi 100 con lợn mẹ, nhưng thời điểm này trong chuồng chỉ còn gần 60 con thôi” – ông Thiện cho hay.

Với hơn 60 con lợn mẹ, trong tháng 4 (âm lịch) vừa qua, ông Thiện cho xuất chuồng 12 - 13 đàn lợn giống với tổng khoảng 150 lợn con.

Mỗi lợn con trung bình nặng từ 9 – 10k, tương đương 3,4 – 3,6 triệu đồng/con. Với mức giá cao như hiện nay, so với thời điểm trước tết mỗi con lợn giống tăng từ hơn 1 đến 1,6 triệu đồng/con.

Cũng theo ông Thiện, giá lợn giống cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào giá lợn thịt. Vào mỗi thời điểm lợn lại có mức giá khác nhau, không thể biết trước được. Nếu lợn thịt giữ giá hoặc tăng thì lợn giống cũng tăng lên, tương tự nếu lợn thịt giảm thì lợn giống cũng hạ.

Từng thua lỗ hơn 1 tỷ đồng

Theo nghề nuôi lợn nái gần 25 năm, ông Thiện cho biết không thể kể hết những công việc cũng như khó khăn mà không chỉ gia đình ông mà các hộ chăn nuôi nói chung đều gặp phải, đó là vốn, con giống, giá cả bấp bênh, và đặc biệt là việc tiêm phòng bệnh đối phó với  hàng loạt dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm như hiện nay.

img

 Với đàn lợn nái gần 60 con, mỗi tháng chủ trại lợn có thể xuất chuồng từ 10 - 15 đàn lợn giống

Còn nhớ, thời điểm giá lợn hơi chỉ còn 16 nghìn - 18 nghìn đồng/kg, đã kéo giá lợn giống cũng rớt thê thảm. Tiếp đến là dịch tả lợn châu Phi, khiến cho chủ chuồng trại như ông Thiện “mất ăn mất ngủ” trong thời gian dài.

“Do giá lợn hơi xuống quá thấp, nhiều chủ trại lỗ, chán nản nên họ đã bỏ chuồng. Thời điểm đó, gia đình tôi có hơn 70 con lợn nái, lợn mẹ theo chu kỳ vẫn sinh sản đều nên hàng tháng, việc tìm đầu ra và lo tiền mua cám nuôi lợn bù lỗ đã khiến vợ chồng tôi điêu đứng.

Tuy nhiên, tôi không phá chuồng, chấp nhận bù lỗ một thời gian dài. Thời điểm đó tôi lỗ khoảng hơn 1 tỷ đồng” – ông Thiện thông tin.

Song, cũng rất may mắn, dù giá lợn giống rẻ, dịch bệnh hoành hành tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng với kinh nghiệm chăm sóc có được từ nhiều năm, ông Thiện đã bảo toàn đàn lợn nái vẫn khỏe mạnh và sinh sản đều.

Đã theo thì “sống chết với nghề”

Với đàn lợn nái gần 60 con, ông Thiện chia làm hai trại, tại các trại đều được trang bị hệ thống cửa chắn cách nhiệt, mái chống nóng, điều hòa đạt chuẩn. 

img

Để giữ an toàn trong việc phòng dịch, cửa trại lợn luôn được “ra đóng vào khép”

Những ngày mùa hè, trời nắng nóng, lợn được tắm và vệ sinh mỗi ngày một lần, điều hòa được bật chế độ làm mát ổn định 24/24; ngược lại, mùa đông trại luôn được che chắn kín và trong phòng luôn bật máy sưởi, đảm bảo đủ độ ấm cho lợn mẹ lợn con.

“Trung bình, mỗi tháng riêng tiền điện phục vụ máy lạnh, thắp sáng, bơm nước cho lợn hết khoảng hơn 3 triệu đồng. Tháng nóng cao điểm, số tiền điện sẽ nhiều hơn” – chủ trang trại lợn thông tin.

Để giữ an toàn trong việc phòng dịch, cửa trại lợn luôn được “ra đóng vào khép”. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ cho lợn, trong và ngoài chuồng trại cũng được ông Thiện vệ sinh, bơm thuốc khử trùng thường xuyên. Đặc biệt, ông Thiện tuyệt đối không cho người lạ vào bên trong phạm vi chuồng và tiếp xúc gần với lợn nái. Công việc cho ăn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày cũng chỉ gồm 2 người là ông và người vợ của mình đảm nhiệm.

Cũng theo lời kể của ông Thiện, từ trước Tết đến nay, lợn giống luôn trong tình trạng khan hàng. Nếu như trước tết, mỗi con đạt 1,7 triệu – 1,8 triệu, sau tết tăng lên hơn 2 triệu và hiện nay lợn con đang ở mức 3,5 – 3,6 triệu/con.

Mỗi đàn lợn từ 10 – 13 lợn con, trung bình mỗi tháng có từ 10 – 15 đàn xuất chuồng (khoảng 120 – 150 con), tuy nhiên số lợn trên chỉ đủ cung cấp cho 2 chủ trại lợn, vì mỗi chủ trại nuôi hàng trăm con/một lứa.

Được biết, khách hàng chủ yếu là người dân – những hộ chăn nuôi trong xã hoặc một số xã lân cận.

“Lợn giống luôn trong tình trạng khan hàng, đặc biệt là trong khoảng vài tháng trở lại đây. Rất nhiều người đến nhà hẹn mua muốn đặt cọc trước, nhưng tôi không nhận cọc của ai, chờ khi nào lợn con đủ tuổi tôi mới xuất bán và nhận tiền” – ông Thiện nói thêm.

Giá lợn hơi ngày 1/6 trên cả nước vẫn duy trì ở mức rất cao do nguồn cung khan hiếm. Các thương lái dự đoán, nếu tình hình gây giống, tái đàn còn gặp nhiều khó khăn thì nguy cơ giá thịt lợn vẫn còn tăng đến cuối năm.

Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang được thu mua với mức rất cao từ 97.000 - 102.000 đồng/kg; tại miền Trung - Tây Nguyên đang được thu mua với mức cao từ 93.000 - 99.000 đồng/kg; tại miền Nam, giá lợn hơi dao động ở mức cao từ 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia trong ngành, dịch tả lợn châu Phi đang trở lại, hy vọng tái đàn của các chủ trại heo đang có nguy cơ bị phá sản nếu không có quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem