Tưới nước tiết kiệm cho cà phê Tây Nguyên

P.V Thứ sáu, ngày 24/04/2015 14:21 PM (GMT+7)
Tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Tưới nước tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất cà phê bền vững ở Tây Nguyên”. 
Bình luận 0

Tiến sĩ Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì diễn đàn. Các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và một số nông dân. Một số báo cáo điển hình là: “Kết quả khảo nghiệm một số giải pháp tưới dự thảo quy trình kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cà phê Tây Nguyên” của Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam; “Hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê” của TS Dave D’haeze thuộc Tổ chức EDE Consulting; “Một số kết quả nghiên cứu về tưới nước tiết kiệm và sử dụng phân bón trong sản xuất cà phê bền vững” của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên...

img
Tưới nước tiết kiệm là giải pháp cần thiết cho vùng trồng cà phê Tây Nguyên. T.L
Diễn đàn đã tiếp nhận hơn 50 câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về tưới nước tiết kiệm, thông tin về công nghệ, hiệu quả sử dụng và các biện pháp canh tác bón phân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê, các chế độ chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm… Các câu hỏi đã được Ban chủ tọa và Ban cố vấn trả lời một cách thỏa đáng.

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi về những kinh nghiệm hay và giới thiệu một số mô hình tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới và phân bón trong sản xuất cà phê. Các mô hình này tiết kiệm được 30 - 40% nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống. Đáng chú ý, công nghệ tưới nhỏ giọt này phù hợp địa hình đồi dốc ở Tây Nguyên, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng và vẫn đảm bảo được năng suất, sản lượng của vườn cà phê. Nông dân cũng được cung cấp thông tin về chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, theo đó, chi phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha (đối với công nghệ của Israel), từ 25-40 triệu đồng/ha (đối với công nghệ của Việt Nam do Viện Wasi tại Buôn Ma Thuột thiết kế và lắp đặt), thời hạn sử dụng là 10 năm.

Kết luận Diễn đàn, TS Phan Huy Thông đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường công tác tập huấn về tiến bộ khoa học kỹ thuật để nông dân nắm bắt thông tin, tiếp cận và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, các trung tâm cũng cần chú ý tập huấn về kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, chăm sóc bón phân cho cây cà phê nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem