Tuổi thọ người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp
Tuổi thọ người Việt Nam tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 08/04/2021 16:21 PM (GMT+7)
Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 2021, tại TP.HCM, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Viện Triết học phát triển và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về sức khỏe và tuổi thọ với chủ đề "Sức khỏe và tuổi thọ trong nền văn minh nhân loại ngày nay".
Kết quả các cuộc tổng điều tra từ năm 1989 đến nay cho thấy, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam liên tục tăng, từ 62,5 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019). Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, trung bình phụ nữ có khoảng 11 năm sống có bệnh tật, nam giới là 8 năm.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới, trung bình cứ 9 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, số dân từ 60 tuổi trở lên sẽ khoảng hơn 21 triệu người (20% tổng số dân), đến năm 2050, con số này sẽ là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số.
Trong số hơn 11,9 triệu người cao tuổi hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già. Một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống, một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, một số người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa…
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, với tốc độ già hóa dân số gia tăng như hiện nay, Việt Nam cần nâng cao nhận thức của xã hội, người dân cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.
Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề như chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác.
Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như hô hấp, tim mạch, xương khớp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… tăng nhanh dẫn đến chi phí chăm sóc y tế tăng cao.
Theo các chuyên gia, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần dựa vào cộng đồng, phát triển mô hình y tế gia đình, củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi, cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, chẩn đoán sớm và kiểm soát bệnh mãn tính, phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.