Nhằm hưởng ứng các hoạt động chung của cả nước vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trại Hè 2014 với chủ đề “Biển đảo quê hương tôi” là nơi để thanh thiếu niên kiều bào có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo quê hương, truyền thống yêu nước, các giá trị lịch sử, văn hóa, sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
Nâng cao hiểu biết cho các em về truyền thống văn hóa dân tộc và chủ quyền biển đảo quê hương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Đặng Thế Hùng cho biết trại Hè Việt Nam là hoạt động được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng năm (kể từ năm 2003) nhằm tạo điều kiện để thanh niên, sinh viên kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về nước giao lưu, gặp gỡ với nhau và với thanh niên trong nước; tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự phát triển của đất nước và trau dồi tiếng Việt, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, học hỏi về lịch sử, văn hóa dân tộc…
Các hoạt động của trại Hè sẽ giúp thanh thiếu niên kiều bào có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo Tổ quốc, về truyền thống yêu nước, đoàn kết cội nguồn văn hóa, tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em, từ đó nâng cao lòng tự hào, gắn bó với quê hương, đất nước của các em.
Với hành trình đi qua ba miền Bắc-Trung-Nam từ ngày 8-27/7, đặc biệt là qua các tỉnh duyên hải Việt Nam, Ban tổ chức trại Hè Việt Nam 2014 mong muốn các đại biểu tham dự có những trải nghiệm và hiểu biết thực tế về biển đảo quê hương, nêu cao lòng tự hào dân tộc.
Đặc biệt, trong suốt hành trình, Ban tổ chức sẽ bố trí các em chưa thạo tiếng Việt ở cùng với các em thạo hơn, không cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ ở cùng phòng với nhau để các em sử dụng một ngôn ngữ chung tiếng Việt. Đây cũng là sáng kiến và cơ hội củng cố lại kiến thức tiếng Việt cho các em. Ngoài ra, học sinh, sinh viên kiều bào sẽ được trò chuyện, giao lưu, tặng quà các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân tại các vùng miền.
Ông Đặng Thế Hùng cho biết thêm, trong cả hành trình, các học sinh, sinh viên sẽ được phát sổ tay để ghi lại những điều đáng nhớ, cảm nghĩ khi đi qua các vùng miền để chia sẻ với người thân và bạn bè. Ban tổ chức cũng khuyến khích các em, sau khi kết thúc trại Hè 2014 tiếp tục duy trì liên lạc với nhau, trao đổi kiến thức, phát huy trí tuệ người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.
Trong thời gian diễn ra trại Hè, các đại biểu sẽ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Văn miếu Quốc Tử Giám; giao lưu với đoàn thanh niên tại Quảng Ninh, Quảng Ngãi,…; tham quan các danh lam thắng cảnh ở Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt…
Điểm nhấn đặc biệt là chương trình giao lưu nghệ thuật "Trại Hè Việt Nam 2014 - Biển đảo quê hương tôi” ngày 19/7 với các tiết mục đặc sắc về biển đảo quê hương, giao lưu của đại biểu trại Hè với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, ngư dân và thanh niên Đà Nẵng.
Lớp trẻ kiều bào luôn hướng về biển đảo, quê hương
Trong không khí hào hứng và phấn khởi của ngày đầu "tụ hội", Lê Thị Ngọc Yến (16 tuổi, trở về từ đất nước Ba Lan) vui mừng tâm sự: "Đến với trại Hè năm nay, chúng em đã cùng nhau hô vang những khẩu hiệu Niềm tin Việt Nam, Sức mạnh Việt Nam, Tự hào Việt Nam, Tôi yêu Việt Nam, cùng hát vang những bài hát về tình yêu, quê hương đất nước. Ngoài ra, chúng em còn có những trải nghiệm đầy thú vị với người dẫn chương trình nói đủ giọng ba miền Bắc-Trung-Nam. Mỗi giọng nói vùng miền dù khác nhau nhưng chung một ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó làm chúng em yêu và hiểu hơn về tiếng Việt."
Yến bày tỏ sự xúc động được vào Lăng viếng Bác và đi thăm nơi ở và làm việc của Người. Qua đó đã góp phần giúp em hiểu biết thêm về những sinh hoạt hết sức giản dị của Bác Hồ. Thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã giúp em hiểu hơn về truyền thống hiếu học của các thế hệ cha ông, tận mắt chiêm ngưỡng những bia đá ghi danh các tiến sỹ được công nhận là di sản văn hóa tư liệu của nhân loại.
Trại Hè không chỉ là nơi để các em học sinh, sinh viên gặp gỡ, giao lưu, mà còn là cơ hội để các em học hỏi và hiểu biết về tiếng Việt hơn nữa. Em Andrew (tên Việt Nam là Vũ Long Vân, sinh năm 1996, sinh viên trường Đại học Ohio, Hoa Kỳ) tâm sự, sinh ra và lớn lên tại tiểu bang Ohio nên từ bé Long Vân đã quen với việc sử dụng tiếng Anh. Mặc dù bố mẹ Long Vân là người Việt nhưng do bận nên không có nhiều thời gian để hướng dẫn Long Vân học. Trong khi đó cộng đồng người Việt tại Ohio chưa có chương trình dạy tiếng Việt cho lớp trẻ. Do đó, Long Vân chỉ biết chút ít tiếng Việt, chưa thể sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với mọi người. Long Vân tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam từ bố mẹ nhưng không được nhiều. Đây cũng là điều mong muốn của em khi đã trau dồi được ngôn ngữ nguồn cội và em cho biết sẽ cố gắng tự học khi có điều kiện.
Long Vân cho biết thêm, việc tổ chức chương trình trại Hè Việt Nam như vậy rất có ý nghĩa, tạo cơ hội cho các bạn trẻ học hỏi lẫn nhau, cùng tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và trải nghiệm cuộc sống tại quê hương.
Em Trần Duy An (sinh năm 1996, sinh sống cùng bố mẹ tại Budapest, Hungary) chia sẻ, đây là lần thứ năm Duy An về Việt Nam, khi bước chân xuống sân bay, mặc dù không quen với khí hậu nóng ẩm nhưng Duy An vẫn cảm nhận được sự thân thiết của quê hương.
Duy An tâm sự, tại Hungary, bà con người Việt đều một lòng hướng về đất nước. Trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển Việt Nam, bà con Việt kiều nói chung và lớp trẻ nói riêng rất bất bình. Tháng 6/2014, hàng nghìn người Việt đã đổ ra đường tại Budapest tuần hành và dừng lại trước Đại sứ quán Trung Quốc phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Duy An cho biết thêm, bà con người Việt tại Hungary cũng rất chú ý duy trì văn hóa truyền thống và tiếng Việt. Cộng đồng thường tổ chức các hoạt động văn hóa và các lớp học tiếng Việt miễn phí cho con em. Tuy nhiên, do bận học và phải phụ giúp bố mẹ kinh doanh nên Duy An không thể tham gia. Ở nhà, mẹ cũng tranh thủ thời gian dạy tiếng Việt nhưng không được nhiều nên Duy An vẫn chưa thể giao tiếp với mọi người bằng tiếng Việt. Năm tới Duy An sẽ sang Vương quốc Anh du học. Sau này có điều kiện Duy An mong muốn được trở về Việt Nam đầu tư kinh doanh góp phần xây dựng quê hương đất nước.
(Theo Vietnam+)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.