Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Trung Quốc mời khách quốc tế đi trên tàu du lịch đến Hoàng Sa, trong âm mưu công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Hiện thực hóa chủ quyền phi lý
Trước thông tin, Trung Quốc ngày 13.3 đưa một chiếc tàu du lịch mới có tên “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” nặng 10.000 tấn vào vận hành tuyến du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, động thái này là từng bước hiện thực hóa chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là cuộc xâm lăng về pháp lý.
Theo Tướng Cương, Bắc Kinh đã thực hiện bước đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc bắt đầu “nhòm ngó” quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX và tổ chức tấn công xâm lược vào những năm 1946, 1956, 1974 và chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đến ngày nay.
Tiếp theo, Bắc Kinh đã pháp luật hóa cái gọi là “Thành phố Tam Sa” được thành lập trái phép từ năm 2012, mặc nhiên biến vùng đất của Việt Nam thành của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế. Sau đó, Trung Quốc tiến hành các hoạt động coi như bình thường, trong đó có hoạt động đưa tàu du lịch trái phép đến Hoàng Sa. Theo Tướng Cương, thực chất đây là một cuộc xâm lăng về mặt pháp lý.
“Hoàng Sa hiện có khoảng 1.000 người sinh sống, trong đó có cả trường học bệnh viện. Mới đây, Trung Quốc còn bất chấp đưa cả hệ thống tên lửa đối không HQ-9 ra đảo Hoàng Sa… những hành động này là mục đích hành chính hóa Hoàng Sa”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận xét.
Âm mưu của Trung Quốc thể hiện rất rõ, đó là tổ chức các tour du lịch, coi như các hoạt động bình thường như trong lãnh thổ của Trung Quốc, đó là bước tiếp tục leo thang để hiện thực hóa âm mưu xâm chiếm Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, theo phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, không chỉ có khách trong nước, Trung Quốc còn mời cả khách quốc tế tham gia tour du lịch trái phép này. Những ai ngồi trên chiếc tàu đến Hoàng Sa trái phép, đều được Trung Quốc coi như là đã công nhận chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại với luật pháp quốc tế và nguyên tắc 6 điểm, cũng như những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc đối với các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Cần thiết có “liên minh tuần tra”
Trước những thách thức mà Trung Quốc đặt ra ngày càng nhiều trên Biển Đông vừa đe dọa đến chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, vừa đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở vùng biển này, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích và đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn những hành động sai trái của Bắc Kinh.
Mới đây nhất, Mỹ đã đề xuất thành lập “liên minh” tuần tra trên Biển Đông gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã lên tiếng từ chối tham gia “liên minh” tuần tra nói trên.
Tàu du lịch 10.000 tấn Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ.
Bình luận về việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, cũng có thể gọi đó là “liên minh tuần tra”, nhưng thực chất đó là một đề xuất hợp tác tuần tra chung. “ Với lực lượng 4 cường quốc có mặt trên Biển Đông để tuần tra chung, tôi cho rằng điều đó là cần thiết và đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, không xâm phạm chủ quyền gì cả”, tướng Cương nhận định.
Về việc Ấn Độ từ chối tham gia tuần tra chung, Tướng Cương bình luận rằng: “Có khả năng Ấn Độ nghi ngại Trung Quốc, bởi giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn còn những ràng buộc và nghi ngại lẫn nhau. Nhưng, nếu Ấn Độ càng chập chừng thì Trung Quốc càng lấn tới”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Theo Tướng Cương, trong hợp tác này, chắc chắn Nhật Bản sẽ tham gia, còn Australia dù còn nhiều ràng buộc về lợi ích thương mại với Bắc Kinh nhưng cũng sẽ tham gia tuần tra.
Tướng Cương khẳng định, một hợp tác tuần tra chung trên Biển Đông sẽ có sức răn đe mạnh mẽ đối với những mưu đồ xâm chiếm, bá chủ trên Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.