Tháng 4 vừa qua, tờ Thời báo Los Angeles (Latimes) của Mỹ đã đăng bài viết của tác giả Douglas Martin về ký ức Henry A. Prunier trong những ngày dạy Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắn súng.
Từ năm 1990 đến 2011, trong hầu hết những cuộc trả lời phỏng vấn, ông Henry A. Prunier nhắc rất nhiều lần về kỷ niệm ông có cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ca ngợi thiên tài bẩm sinh của Đại tướng.
Nhóm Deer Team chụp ảnh cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1945 (ông Prunier đứng thứ 4 từ phải sang)
Trong bài báo đăng trên Latimes, ông Prunier kể về bài học đầu tiên ông hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách ném lựu đạn. Đó là một ngày của tháng 7.1945, sau khi ông Prunier cùng 6 người Mỹ khác đã nhảy dù xuống một ngôi làng cách Hà Nội khoảng 120km về phía Tây Bắc để thực hiện một nhiệm vụ bí mật đó là dạy 200 du kích Việt Minh cách sử dụng vũ khí hiện đại của Mỹ. Nhóm người Mỹ này cũng đã giúp đỡ chữa trị các căn bệnh như sốt rét, viêm gan… ở Việt Nam thời điểm đó.
Nhóm của ông Prunier có tên là Deer Team, được chỉ định ở lại Việt Nam trong vòng 2 tháng. Tất cả họ đều là thành viên của Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ OSS trong chiến tranh thế giới thứ II, muốn giúp đỡ đội quân du kích Việt Nam trong cuộc chiến chống Nhật.
Nhờ khả năng ngoại ngữ của mình, ông Prunier, khi đó 23 tuổi, được tuyển dụng làm phiên dịch viên. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là hướng dẫn cho một người Việt Nam có vóc người đậm thước, được người Mỹ biết đến với tên gọi “Văn” cách sử dụng súng trường, súng máy, súng bazooka và các loại vũ khí khác của Mỹ.
Ông Prunier nhớ lại: Ông Văn mặc một bộ đồ vải lanh màu trắng, giày đen và đội mũ phớt đen. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, sự khiêm nhường và ôn hòa trong cử chỉ, lời nói, thật khác với tưởng tượng của tôi, nhưng đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Càng không thể tưởng tượng con người này 9 năm sau lãnh đạo quân đội miền Bắc Việt Nam đánh bại Pháp trong trận Điện Biên Phủ và sau đó là đánh bại Mỹ.
Bài học đầu tiên mà Tướng Giáp khi đó được hướng dẫn, đó là cách ném lựu đạn, tiếp đến là cách bắn các loại súng và những loại vũ khí khác.
“Ông Giáp muốn biết vì sao chúng tôi lại tung bổng quả lựu đạn lên và cái gì đã kích hoạt súng cối. Tìm tòi, nghiên cứu không mệt mỏi, có nhiều lần ông không sợ nguy hiểm để tìm hiểu cho bằng được... Ông ấy từng cúi đầu nhìn hẳn vào thùng đạn súng cối. Lúc đó tôi đã rất bất ngờ, hoảng hốt…”
Năm 1995, ông Prunier trở lại Hà Nội và gặp gỡ những người lính Việt Minh năm xưa. Nhìn thấy ông, Đại tướng đã nhận ra người lính Mỹ dạy mình kỹ thuật năm xưa.
Đại tướng đã cầm lên một quả cam, làm lại đúng cách cầm lựu đạn mà ông Prunier đã dạy mình và nhắc lại cả câu nói: “yes, yes, yes!” của người bạn Mỹ.
Năm 2011, ông Prunier trở lại Việt Nam và được nhận bằng công nhận từ chính phủ Việt Nam. Ngày 17.3 vừa qua, ông Prunier đã qua đời tại nhà riêng, thọ 91 tuổi. Nay, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở Hà Nội, bộ quân phục của ông Prunier đang được trưng bày tại đây.
Cho đến khi qua đời, ông Prunier vẫn không hết ngạc nhiên và thán phục về con người và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hạ Anh (Theo Latimes) (Hạ Anh (Theo Latimes))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.