Tướng Nguyễn Quốc Thước và ký ức chiến tranh biên giới Tây Nam

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 03/01/2019 07:00 AM (GMT+7)
“Để giúp nhân dân Campuchia, dân tộc Việt Nam và những người lính cầm súng đã có những mất mát, đau thương rất lớn. Chúng tôi mong nhân dân và nhà nước Campuchia luôn luôn ghi nhớ điều này và mong tình hữu nghị giữa hai dân tộc luôn thắt chặt”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, người từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu diệt quân Khmer Đỏ nói.
Bình luận 0

img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh dantri.com.vn).

Năm nay dù bước sang tuổi 93, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in về ký ức 40 năm trước cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến công tiêu diệt quân Khmer Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Thời điểm đó tướng Thước là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3.

“Sau khi quân Pôn Pốt sát hại hơn 2 triệu người dân Campuchia và hàng chục nghìn đồng bào Việt Nam, lúc giải phóng được thủ đô Phnôm Pênh, trong suy nghĩ của tôi và những người lính cầm súng là đất nước chúng ta đã được bình yên, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng. Niềm hạnh phúc này không riêng gì những người dân Campuchia mà cả những người lính cầm súng chiến đấu”, tướng Thước cho biết.

Nhưng theo tướng Thước, điều đau đớn nhất của ông và những người lính tình nguyện Việt Nam là giải phóng đến đâu thì thấy cảnh người dân Campuchia đã chết và những người sắp chết đói nằm la liệt bên đường. Ở hồ ao, giếng nước, vệ đường, bãi hoang… chỗ nào cũng có xác người. Dọc đường tràn ngập ruồi nhặng, ruồi nhiều đến mức khi đoàn quân dừng nghỉ để ăn uống là phải mắc màn.

img

Nhân dân Campuchia chào đón quân tình nguyện Việt Nam (ảnh TL).

“Thấy bộ đội Việt Nam đi qua những người dân Campuchia đang sắp chết vì đói giơ tay lên xin ăn. Mặc dù quân tình nguyện Việt Nam cũng thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn dành cơm để cứu đói người dân Campuchia. Chúng tôi nghĩ, giải phóng nhân dân rồi mà để nhân dân chết đói là không được, bộ đội phải chịu đói để cứu dân. Những cán bộ quân y có thuốc men gì mang theo cũng đưa ra cứu chữa để đưa những người dân trở về xóm làng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.

Tướng Thước kể thêm, trên bước đường hành quân, những thảm cảnh làng bản bị đốt phá, người bị sát hại nằm la liệt chưa được chôn, mùi hôi thối nồng nặc. Có những làng đi qua chẳng có một bóng người. “Điều đó làm cho chúng tôi căm phẫn về tội ác tày trời của bọn Pôn Pốt, chúng tôi càng thêm quyết tâm tiêu diệt chúng. Những cuộc hành quân và chiến đấu của quân tình nguyện được triển khai thần tốc với mục tiêu nhanh chóng tiêu diệt quân Pôn Pốt để giải cứu người dân. Mỗi ngày tiến đánh trên 70 cây số, trong suy nghĩ của những người lính Việt Nam là đánh nhanh một ngày thì cứu sống được nhiều người dân, đánh chậm một ngày thì nhiều người dân Campuchia vô tội phải chết”, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.

img

Để giúp nhân dân Campuchia, nhiều bộ đội Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Trong ảnh là Lễ an  táng hài cốt các liệt sỹ Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Vĩnh Hưng, Long An (ảnh TTXVN).

Nhắc về những đồng đội chiến đấu năm xưa tướng Thước lặng người, giọng nghẹn lại. Để tiêu diệt Khmer Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, riêng Quân đoàn 3 đã có gần 1 vạn liệt sĩ nằm lại trên đất bạn. Trong những liệt sĩ đó có vị tướng là Tư lệnh Quân đoàn 3, ông là Kim Tuấn, tên thật Nguyễn Công Tiến, quê Thanh Oai, Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, khoảng đầu tháng 3.1979, Quân đoàn 3 chuẩn bị mở một đợt truy quét vào sào huyệt cuối cùng của Khmer Đỏ tại khu vực biên giới Battambang (giáp với Thái Lan). Trước trận đánh, tướng Kim Tuấn giao tướng Thước trở lại Siem Reap để thu quân, bàn giao sư đoàn 31 cho Bộ Quốc phòng để làm nhiệm vụ khác, còn ông sẽ trực tiếp ở lại Battambang để chỉ đạo, tham gia chiến dịch truy quét tàn quân Khmer Đỏ.

Dù tướng Thước cùng nhiều chỉ huy các đơn vị cho rằng Tư lệnh Kim Tuấn phải về Siem Reap, nhưng tướng Tuấn nhất quyết không nghe. Ông lệnh cho một số cá nhân, bộ phận liên quan chuẩn bị để lên thị sát mặt trận, kiểm tra công tác chiến đấu của các đơn vị trong Quân đoàn 3.

Sáng 16.3.1979, tướng Kim Tuấn ngồi trong một chiếc commăngca cùng đoàn đi kiểm tra mặt trận. Dọc đường đoàn bị phục kích, tướng Kim Tuấn bị thương nặng (gãy cột sống), trực thăng cấp cứu đã chở ngay ông về sân bay Pochentong, sau đó bay tiếp về sân bay Tân Sơn Nhất. Do vết thương quá nặng nên tướng Kim Tuấn đã hy sinh. Sau đó tướng Thước thay tướng Kim Tuấn chỉ huy Quân đoàn 3 tiếp tục chiến đấu.

“Để giúp nhân dân Campuchia, dân tộc Việt Nam và những người lính cầm súng đã có những mất mát, đau thương rất lớn. Chúng tôi mong nhân dân và nhà nước Campuchia luôn luôn ghi nhớ điều này và mong tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc luôn thắt chặt, không bao giờ thay đổi”, tướng Thước nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem