Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Cuộc chiến vì chính nghĩa

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 31/12/2018 17:28 PM (GMT+7)
"Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam, là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia", nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.
Bình luận 0

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 28.12 tại An Giang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có bài tham luận hết sức quan trọng đóng góp cho hội thảo. Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc nguyên văn bài viết này.

Chế độ phát xít độc tài xuất hiện

Cách đây 40 năm đã diễn ra một sự kiện trọng đại trong trang sử hào hùng của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia: Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari (7.1.1979).

Với thắng lợi lịch sử này, quân và dân ta đã đánh tan quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người, bắt đầu công cuộc hồi sinh đất nước.

img

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. (Ảnh: I.T)

Mặc dù trên thế giới còn có những nhận định, đánh giá khác nhau về cuộc chiến tranh này nhưng đến nay, với độ lùi thời gian, những sự kiện lịch sử ngày càng được sáng tỏ, chúng ta một lần nữa có thể tự hào khẳng định rằng, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam, là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Cái gọi là Nhà nước Campuchia Dân chủ" mà tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari dựng lên thật chất là một chế độ chế độ phát xít độc tài với hành động thảm sát tiêu diệt những người bất đồng chính kiến, đòi dân chủ thật sự, những người cách mạng chân chính ở Campuchia.

Sau 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng với biết bao gian khổ, hy sinh, đại thắng mùa xuân ngày 30.4.1975 là thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta được thống nhất, non sông nối liền một dải.

Cùng sát cánh bên nhau trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kết thúc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Campuchia thiết tha được sống trong hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, ở Campuchia, ngay sau thắng lợi ngày 17.4.1975, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng thiết lập cái gọi là "Nhà nước Campuchia Dân chủ" thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền...

Đất nước Campuchia trở thành trại khổ sai khổng lồ với đầy rẫy những hố chôn người.  Chủ trương tàn bạo của Pôn Pốt đối và những người chống đối là: "Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết ba đời".

Trước tình hình đó, lực lượng yêu nước cách mạng ở Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, như lời của Thủ tướng Campuchia Hun Xen sau này "Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết".

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù dân tộc, phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam, gây ra những tội ác đẫm máu đối với người dân vô tội; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam, Campuchia.

Từng là những người một thời cùng chung chiến hào với Việt Nam chống kẻ thù xâm lược chung, thậm chí đã được quân, dân Việt Nam chở che, đùm bọc trong những hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã phản bội cách mạng, dã tâm xâm lược Việt Nam. Đó là bản chất của những kẻ "dân tộc hẹp hòi", đội lốt cách mạng để thực hiện những hành động phản cách mạng, phản bội lại bạn bè và hủy diệt chính dân tộc mình.

Chúng đề ra nghị quyết, trong đó xác định: "Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài có tính chất gặm nhấm, ta không đánh nó trước thì ta không thắng... Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15 đến 20 năm, thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 20 người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam".

Ngạo mạn và hết sức phản động, theo Báo Le Monde (Pháp) ngày 8.1.1975. Pôn Pốt tuyên bố trên đài phát thanh Phnôm Pênh: "Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn".

Thực hiện tư tưởng phản động đó, ngay khi miền Nam Việt Nam vào được giải phóng, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (3.5.1975), Thổ Chu (10.5.1975) và sau đó liên tiếp xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh với quy mô ngày càng lớn.

Trong các cuộc tiến công xâm lược dọc biên giới Tây Nam, quân Pôn Pốt đã tiến hành nhiều vụ thảm sát khủng khiếp đối với dân thường Việt Nam, trong đó có thể kể đến vụ thảm sát ở Ba Chúc (An Giang).

Ngày nay, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc đang còn chứa đựng 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pôn Pốt giết hại là một bản cáo trạng, một chứng tích về tội ác "trời không dung, đất không tha" của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari.

img

Tội ác diệt chủng man rợ của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra với nhân dân Campuchia. (Ảnh tư liệu) 

Tính từ tháng 5.1975 đến ngày 23.12.1978, chúng đã giết hại 5.230 dân thường Việt Nam vô tội với những phương thức cực kỳ man rợ; đốt phá nhiều trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu bò, làm cho hàng nghìn ha hoa màu của Việt Nam bị bỏ hoang, nhiều người phải lìa bỏ nhà cửa, ruộng vườn; gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam.

Những hành động của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari trên đây rõ ràng là xâm lược, phi nghĩa, không gì có thể biện minh được. Mặc dù lúc đó Việt Nam có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước nhưng xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kiên trì tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán, thương lượng để giải quyết những bất đồng.

Song, với bản chất phản động, ngoan cố, lại được sự tiếp sức của các thế lực phản động nước ngoài, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã cự tuyệt mọi thiện chí của chúng ta, đẩy mạnh xâm lấn biên giới, tàn sát đồng bào, công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam. Thực tế đó đã buộc Đảng, Chính phủ Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, sử dụng vũ lực đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nhân dân và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người cách mạng chân chính đứng lên

Về phía nhân dân Campuchia, trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người cách mạng chân chính không cam chịu, đứng lên tập hợp lực lượng để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu mình. Nhiều cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đã diễn ra, tiêu biểu như ở Quân khu Đông Bắc, Công Pông Chàm, Prây Viêng, Xvây Riêng...

img

Lính Khmer Đỏ (Ảnh: DPA)

Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch nên các cuộc đấu tranh gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhiều người Campuchia yêu nước đã chạy sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ. Sau này, Thủ tướng Campuchia Hun Xen đã khẳng định: "Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không có con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...".

Mặc dù Việt Nam còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và vẫn bị bao vây, cấm vận, nhưng với truyền thống đoàn kết, thủy chung, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ, bồi dưỡng, huấn luyện những người yêu nước Campuchia trở thành cốt cán cho cách mạng; đồng thời móc nôi, giúp đỡ và từng bước phối hợp với các lực lượng nổi dậy trong nước Campuchia đấu tranh chống tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari.

Với sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam và sự nỗ lực gây dựng lực lượng cách mạng của cán bộ cốt cán Campuchia, ngày 12.5.1978, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia được thành lập.

Ngày 2.12.1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chính thức ra đời, kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết đứng lên lật đổ chế độ diệt chúng và đề nghị Việt Nam giúp đỡ xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari - nguồn gốc gây ra cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam và cuộc diệt chủng tàn khốc đối với chính dân tộc Campuchia. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Campuchia..

Ngày 23.12.1978, chính quyền Campuchia Dân chủ huy động 10/19 sư đoàn đang bố trí dọc biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Trước âm mưu và tội ác man rợ của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari, để bảo vệ chủ quyền đất nước, từ ngày 23.12.1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia anh em, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi họa diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước.

"Bộ đội nhà Phật"

Sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đày đen tối của chế độ diệt chủng nên khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia, nhân dân Campuchia đã đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết, cho đó là một sự kỳ diệu đưa họ từ cõi chết trở về, gọi bộ đội Việt Nam là "bộ đội nhà Phật".

img

Bộ đội tình nguyện Việt Nam truy kích quân Khmer Đỏ. (Ảnh tư liệu)

Việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari không phải là "xâm lược" như những lời tuyên truyền vu cáo của các thế lực thù địch mà xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu tài giữa nhân dân hai nước láng giềng; từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh, từ chân lý "giúp bạn là mình tự giúp mình" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời, việc làm đó cũng là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi cứu nguy một dân tộc đang rơi vào thảm cảnh tột cùng của sự tha hóa, cần sự giúp đỡ quốc tế, trong đó có người bạn láng giềng truyền thống Việt Nam. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa.

Ngài Chhay Yi Heang - cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia viết: "Chế độ diệt chủng của Pôn Pốt không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX".

Ngày 7.1.1979, bộ đội Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Phnôm Pênh. Ngày 8.1.1979, lực lượng yêu nước Campuchia tuyên bố thành lập Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia. Đến ngày 17.1.1979, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Campuchia đều được giải phóng. Chiến thắng lịch sử này là chiến công chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phát triển của Campuchia.

Sau ngày giải phóng đất nước, theo đề nghị của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng nghìn cán bộ chuyên gia và các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia anh em thực hiện công cuộc tái thiết đất nước, ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng ở Campuchia; cứu giúp hàng chục vạn người Campuchia còn bị kìm kẹp, đọa đày trong các hang ổ của bọn diệt chủng ở các vùng rừng núi, biên giới,... trở về đoàn tụ gia đình, phục hồi cuộc sống bình thường. Từng người, từng gia đình, từng thôn, ấp và toàn dân tộc Campuchia từng bước được hồi sinh.

Như vậy là, thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari; sau đó cứ quân tình nguyện sang cùng lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh tan lực lượng quân sự của Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ Campuchia Dân chủ, giải phóng đất nước Campuchia; cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

Sự hy sinh xương máu, thái độ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh.

Chế độ diệt chủng ở Campuchia đã lùi xa. Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã bị Tòa án đặc biệt tại Campuchia (ECCC) do Liên Hợp Quốc và Chính phủ Campuchia lập ra, đưa ra xét xử về tội diệt chủng.

Sự kiện này làm nức lòng người dân Campuchia và dư luận thế giới. Đó cũng chính là một minh chứng sống động, khẳng định chính nghĩa sáng ngời và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với nước láng giềng Campuchia anh em mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc được.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: "kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định sự nghiệp sáng ngời chính nghĩa của quân và dân Việt Nam cũng như các lực lượng cách mạng Campuchia. Trải qua biết bao thử thách, cam go, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia là tài sản quý báu mà hai nước cần giữ gìn và phát huy, cùng nhau xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem