“Tuyên chiến” với vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 06/04/2018 19:19 PM (GMT+7)
Tình trạng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị xả bừa bãi đang là mối nguy hại đe dọa môi trường ruộng đồng tại nhiều địa phương ở Hà Nội. Nhằm cải thiện tình hình này, Sở NNPTNT Hà Nội và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, tổ chức thực hiện các dự án thu gom xử lý rác BVTV.
Bình luận 0

Dấu ấn từ phong trào "Sạch ruộng đồng"

Nhằm góp phần thay đổi ý thức của người dân về việc vứt rác thải bừa bãi ra môi trường, năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ba Vì (Hà Nội) đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo và hiệu quả như “Sạch ruộng đồng”, “Đoạn đường phụ nữ nở hoa”…

img

Rác vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vẫn xuất hiện khá nhiều tại một số khu đồng ruộng của huyện Đông Anh (Hà Nội). Hải Đăng

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì cho biết, để các mô hình đạt được hiệu quả cao, Hội đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời lồng ghép vào 6 buổi sinh hoạt chi hội để phổ biến về tác hại của vỏ chai, lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng cho 1.168 cán bộ, hội viên phụ nữ của các thôn: Vật Phụ, Vật Lại 2 (xã Vật Lại); Chu Chàng (xã Minh Châu).

"Bây giờ, trên các cánh đồng ở địa phương không còn vỏ chai, lọ, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi. Kênh mương được khơi thông, môi trường được cải thiện đáng kể. Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh cơ bản được nâng cao..." - bà Hải chia sẻ.

Tại Quốc Oai, sau một năm thực hiện mô hình "Sạch ruộng đồng", chị em ở đây đã thu gom được 900kg vỏ bao bì thuốc BVTV. Ngoài ra, hội viên phụ nữ ở đây còn tham gia thu gom cỏ dại, ốc bươu vàng, nạo vét kênh mương nội đồng…

Theo Hội LHPN thành phố, Hà Nội có 18 huyện, thị xã và quận Long Biên đã phát động ra quân làm sạch ruộng đồng, với 33 xã làm điểm. Đến nay, phong trào đã lan rộng ra 243 xã với 100% cán bộ, hội viên canh tác trên đồng ruộng cam kết sử dụng thuốc BVTV theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.Hà Nội cho biết, mô hình "Sạch đồng ruộng" đã huy động được sự vào cuộc, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân, nhờ đó nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được nâng cao rõ rệt.

img

 Rác vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vẫn xuất hiện nhiều tại một số cánh đồng của huyện Đông Anh (Hà Nội).  Ảnh:  Hải Đăng

Trong năm 2017, Sở NNPTNT Hà Nội và các địa phương, ngành chức năng đã tiến hành thu gom vận chuyển và tiêu hủy 139 tấn vỏ bao gói nhiễm thuốc BVTV; 16 tấn bao gói, vỏ lọ thuốc thú y phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…

Còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên theo bà Tuyết, việc thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng" vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Kinh phí thực hiện mô hình không có, việc vận chuyển và xử lý chất thải nông nghiệp chưa đảm bảo quy trình, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế...

Hiện nay, tại nhiều vùng canh tác đã được đầu tư thùng chứa, điểm thu gom bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng vẫn còn khá phổ biến tại các vùng chuyên canh rau màu, hoa cây cảnh như Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm…

Được biết, nhằm quản lý chặt chẽ bao bì thuốc BVTV, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, từ năm 2012-2015, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tiến hành điều tra khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu. Tổ chức đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu và triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất BVTV khu lò gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ” từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Năm 2016, dự án đã hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương. Trong giai đoạn 2017-2020, thành phố tiếp tục triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV”.

Ông Lê Xuân Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp khắc phục nêu trên, thành phố cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các địa phương lắp đặt thêm thùng chứa bao bì thuốc BVTV. Quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem