Tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên: “Điểm danh” những bất cập

Mộc An Thứ năm, ngày 26/01/2023 15:14 PM (GMT+7)
Trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đã nêu ra thực trạng về việc tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng như những vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ.
Bình luận 0

Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2010, khi Luật Viên chức có hiệu lực, việc tuyển dụng viên chức (trong đó có giáo viên, giảng viên) được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Theo đó, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức, quy trình tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thống nhất theo các quy định nêu trên, Bộ GDĐTkhông có hướng dẫn riêng về việc tuyển dụng giáo viên. Trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan có liên quan đến công tác nhà giáo được Chính phủ quy định bao gồm Bộ Nội vụ (cơ quan đầu mối hướng dẫn về công tác tuyển dụng viên chức), các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành (quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp làm căn cứ tuyển dụng) và Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng viên chức theo quy định).

Trên cơ sở đó, việc tuyển dụng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về tuyển dụng viên chức và cơ bản không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế tự chủ và phân cấp sự quản lý nên các cơ sở giáo dục sử dụng giảng viên cũng là cơ quan trực tiếp thực hiện việc tuyển dụng. Một số cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe còn khó khăn trong việc xác định vị trí việc làm và nhóm chức danh nghề nghiệp làm cơ sở để tuyển dụng giảng viên. Đối với những trường đại học công lập tự chủ tài chính và đầu tư, nhà trường được quyết định số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, viên chức trên cơ sở quy chế và chủ trương được hội đồng trường thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của trường; ký kết hợp đồng làm việc, quản lý, sử dụng và chấm dứt theo hợp đồng quy định của pháp luật…

Việc tuyển dụng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông ở các địa phương thực hiện theo phân cấp quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và quản lý theo quy định của địa phương nên có sự khác nhau…

Bộ GDĐT cũng thường xuyên hướng dẫn chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý, biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; đảm bảo nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT nhận định, vẫn còn những vướng mắc và bất cập trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Thứ nhất, theo Bộ GDĐT, đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc xác định số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ thường là vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm. Vì vậy, để xác định số lượng người làm việc phù hợp, tương ứng với vị trí việc làm còn khó khăn cho các cơ sở giáo dục khối ngành sức khỏe. Việc tuyển dụng đối với các vị trí là giảng viên của các bộ môn cơ sở, cơ bản trong các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn, hiện chưa có chính sách, cơ chế đặc thù để hút đối tượng tuyển dụng.

Thứ hai, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn ra tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để; cơ bản đã đủ và thừa giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, thiếu giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học tại địa bàn thành thị và khu công nghiệp, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Áp lực về việc quy mô, số lượng học sinh không ngừng gia tăng trong khi biên chế không được bổ sung kịp thời. Một số đơn vị xảy ra tình trạng quá tải, học sinh phải dồn ghép lớp do thiếu biên chế, đặc biệt đối với hai cấp/bậc học là mầm non và tiểu học. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên: “Điểm danh” những bất cập - Ảnh 1.

Theo Bộ GDĐT, vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn ra tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

Thứ ba, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế: tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.

Thứ tư, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.

Thứ năm, việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục có nơi không đảm bảo đúng quy định, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực; vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng với hàng hoạt giáo viên; vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm… đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội.

Thứ sáu, do đặc thù của ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trường hợp nhà giáo có sự thay đổi vị trí việc làm từ cấp học này sang cấp học khác hoặc nhà giáo được bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục (cấp phòng hoặc cấp sở) quay trở lại các cơ sở giáo dục tiếp tục công việc giảng dạy hoặc bổ nhiệm làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xuất hiện khá nhiều nhưng gặp nhiều vướng mắc do không có đầy đủ các quy định về quy trình thực hiện và việc xác định, quy đổi các chức danh tương đương, cũng như việc bổ nhiệm, xếp lương khi thay đổi vị trí việc làm, đồng thời cùng khó khăn trong việc điều động, biệt phái, lựa chọn nhà giáo có năng lực ở các nhà trường về công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục, trong đó cũng không được bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo…

Thứ bảy, Bộ GDĐT cho rằng, do áp lực công việc và chế độ tiền lương của giáo viên mầm non còn thấp nên chưa thu hút được người lao động tham gia vào ngành. Công tác tuyển sinh giảm nhiều trong những năm gần đây nên thiếu nguồn đầu vào đối với các cơ sở đào tạo, nhất là đối với giáo viên mầm non. Đối với các bậc học phổ thông, việc tuyển dụng nhà giáo giảng dạy bộ môn tiếng Anh và Tin học gặp khó khăn vì không đủ nguồn tuyển dụng do người lao động có sự lựa chọn khi tham gia vào các doanh nghiệp, các trung tâm ngoại ngữ, tin học và các ngành nghề khác có điều kiện việc làm tốt, chế độ lương cao hơn so với các cơ sở giáo dục công lập.

Thứ tám, số lượng giáo viên công tác tại các cơ sở ngoài công lập không ổn định và thường có biến động do một số bỏ nghề, hàng năm tham gia tuyển dụng trúng tuyển vào các trường công lập hoặc trúng tuyển vào các ngành khác của cơ quan nhà nước. Do đó, các cơ sở giáo dục tư thục lại phải tuyển dụng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên mới, gây khó khăn cho công tác dạy và học.

Thứ chín, việc quy định phân cấp tuyển dụng viên chức như trong Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ chưa phù hợp, gây khó khăn cho các địa phương trong việc chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngành giáo dục không được chủ động tuyển dụng, sử dụng giáo viên gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy và học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem