Tuyên Quang: “Đại công trường” của lâm tặc

Thứ tư, ngày 23/01/2013 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rừng nghiến đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang, Tuyên Quang) đang bị “chảy máu” trầm trọng bởi lâm tặc lộng hành, manh động.
Bình luận 0

Rừng nghiến đặc dụng vẫn “chảy máu”

Để tận mục sở thị con đường khai thác, vận chuyển gỗ lậu từ Na Hang về xuôi, chúng tôi được một người dân quen biết tên là Sơn dẫn đường vào rừng nghiến đặc chủng Tát Kẻ - Bản Bung. Sơn nói như đinh đóng cột: “Tôi sẽ dẫn các anh vào “đại công trường” của lâm lặc. Trước đây, các đối tượng khai thác gỗ trái phép làm lán, ăn uống trong rừng, xẻ gỗ rừng như của mình mà không hề lo sợ”. Gần một giờ sau, theo bước chân anh, chúng tôi đã tới được “điểm nóng" của lâm tặc.

img
Hạt Kiểm lâm Na Hang thanh lý gỗ thu được từ lâm tặc.

Chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khung cảnh hoang tàn của hàng trăm cây nghiến cổ thụ bị cưa đổ còn sót lại gốc và cành. Trên khoảng không rộng mênh mông như “đại công trường”, nhiều cây vừa bị lấy đi phần thân nên gốc vẫn còn chảy nhựa, cành lá vẫn còn tươi xanh...

Vừa nhìn, anh Sơn vừa chua xót nói: “Bị truy quét gắt gao hơn nên lâm tặc chọn thời điểm để hành động chứ không như trước. Chúng dùng cưa máy để cưa trộm gỗ. Tiếng máy cưa, tiếng cây đổ, tiếng xe ô tô, xe máy kêu vang cả rừng. Nhìn rừng nghiến bị “chảy máu” mà xót lắm các anh ạ!”. Dụng cụ mà lâm tặc mang theo để vào rừng lấy gỗ là những chiếc cưa máy dài khoảng 1m. Dù cây nghiến lớn đến đâu nhưng vào tay lâm tặc vài phút cũng gục ngã và bị xẻ thành từng thớt gỗ hoặc những thanh, phách vuông vắn. Sau đó lâm tặc lăn gỗ xuống chân rừng và vận chuyển bằng tàu thuyền.

Anh Sơn nói thêm: “Điểm nóng bị lâm tặc nhắm tới là các khu vực rừng thuộc xã Năng Khả, Khau Tinh, Đà Vị, Sơn Phú... Có một số hộ dân bức xúc trước tình trạng lâm tặc phá rừng đã tố cáo tới chính quyền, liền bị các đối tượng này đến nhà đe dọa, dằn mặt”.

Có súng không dám bắn

Rời “đại công trường” khai thác gỗ trái phép sâu giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, chúng tôi tới xã Năng Khả - một “điểm nóng” khác ở Na Hang. Lâm tặc ở đây thường xuyên khai thác gỗ nghiến từ rừng đặc dụng, rồi vận chuyển theo mọi nẻo đường về xuôi. Chúng ngang ngược, chống đối lại kiểm lâm.

Với 23 cán bộ, Hạt Kiểm lâm Na Hang phải quán xuyến, quản lý hơn 49.000ha rừng, trong đó, lực lượng kiểm lâm ở Năng Khả chỉ có 8 người. Trong lúc thực thi công vụ, nhiều đối tượng manh động đã đe dọa, thậm chí ra tay, đe dọa tính mạng lực lượng kiểm lâm.

Ông Hoàng Ngọc Đường - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phoòng Mạ (Na Hang) - nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu A, Năng Khả cũng bức xúc:

“Nếu bảo xã Năng Khả là "điểm nóng" của khai thác gỗ trái phép thì còn quá nhẹ. Đây phải là "điểm quá nóng" ấy chứ. Mỗi khi chúng tôi triển khai lực lượng truy quét lâm tặc, đều bị các đối tượng lâm tặc doạ bắn. Nhiều khi chúng tôi bắt giữ tang vật thì bị bọn chúng cướp lại luôn mà không làm gì được vì mình yếu thế hơn”.

Còn ông Quan Văn Tuệ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang – cũng bức xúc không kém: “Từ khi tiếp nhận chức vụ này, tôi cũng nhận thức được đây là công việc hết sức khó khăn. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt truy quét. Tuy nhiên, lâm tặc nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng tôi thì không đủ lực lượng và công cụ hỗ trợ mạnh để làm triệt để. Nhiều anh em xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ trái phép thì bị lâm tặc đe dọa, hoặc tấn công”.

Theo ông Nguyễn Đức Tưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, nhiều vụ lâm tặc chống đối, gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm nhưng chưa được xử lý triệt để. “Giờ kiểm lâm được trang bị súng nhưng khi bị lâm tặc manh động hành hung thì cũng phải nhịn vì không ai dám sử dụng các công cụ đó vì sợ mang tội... giết người" – ông Tưng suy tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem