Tuyên Quang: Tre trinh là giống tre gì mà dân ở đây trước trồng cho mát, nay lại là cây làm giàu?

Thứ bảy, ngày 31/07/2021 19:02 PM (GMT+7)
Từ một loại cây bản địa mọc tự nhiên hoang hóa trên rừng, tre trinh đã được bà con dân tộc Dao ở Bản Tát, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đưa về các vườn đồi quanh nhà.
Bình luận 0
Hiện nay cây tre trinh không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn trở thành cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao cho người dân Bản Tát.

Từ cây bản địa...

Bản Tát là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Xưa kia rừng Bản Tát bạt ngàn tre trinh. 

Những cánh rừng tre trinh đã nuôi bà con bản Dao thoát khỏi cái đói mùa giáp hạt. Nhưng con người chỉ biết khai thác triệt để mà không trồng mới, dần dà những cánh rừng tre trinh cũng lụi, chết hàng loạt. Thời điểm đấy, nhà nước có chủ trương bỏ cây sả thay thế trồng các loại cây khác. 

Tuy nhiên, trồng cây gì thì cả cán bộ và người dân Bản Tát vẫn còn lơ mơ. Vậy là nhiều diện tích rừng, đất đồi, nương rẫy của bà con trong thôn bị bỏ hoang hóa. Đất đai màu mỡ bị lũ càn quét trơ trọi.

Tuyên Quang: Tre trinh là giống tre gì mà dân ở đây trước trồng cho mát, nay lại là cây làm giàu? - Ảnh 1.

Chị em dân tộc Dao thôn Bản Tát, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) thu hoạch măng tre trinh.

Làm gì để vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, vừa đảm bảo tính bền vững của rừng, chống xói mòn, lũ lụt... trở thành bài toán khó đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây.

Đồng chí Hoàng Văn Chấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Tát chia sẻ: thời điểm đó, ông đang làm Phó thôn. Phát hiện được giá trị của cây tre trinh, ông Chấn đã nắm cơm, gùi cuốc lên rừng đào tre con tái sinh về trồng trên những bãi nương trống nhà mình. 

Do đất tốt, khí hậu phù hợp, nên cây tre sinh trưởng, phát triển tốt. Từ một gốc tre con ban đầu, sau 1, 2 năm đã đẻ ra nhiều cây tre trinh mập mạp, vươn cao. Đến nay, gia đình ông đã có hàng nghìn gốc tre trinh lớn nhỏ, tạo thành những khu rừng tái sinh tươi tốt.

Làm theo ông Chấn, nhiều hộ dân khác trong thôn đã tích cực phủ xanh các đồi đất trống của gia đình bằng cây tre trinh. Vậy là, diện tích rừng tre trinh lớn, nhỏ ở Bản Tát cứ tăng dần theo từng năm.

Theo chân đồng chí Bí thư Chi bộ leo lên các rừng tre trinh của các hộ dân ở Bản Tát, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của loại cây này. 

Các bụi tre to bằng cái chiếu trải giường trên sườn núi dốc, xung quanh được bao bọc bởi các phiến đá to, nhỏ. Nép dưới gốc tre là hàng chục chiếc măng tua tủa nhú lên. Ông Chấn bảo: “Tre trinh dễ trồng lắm, chỉ cần đào hố, đặt cây lấp đất lên, đợi 3, 4 năm sau là được thu măng.

Giống này “đẻ” khỏe, lên khỏe, càng thu măng càng đẻ nhiều, năm sau đẻ gấp đôi năm trước”.  Vừa nói, ông Chấn vừa chỉ tay về vạt ngô trước mặt so sánh: “So với cây tre trinh, cây ngô làm tốn công sức hơn, hiệu quả kinh tế chưa chắc bằng. Trong khi đó, cây tre trinh không mất công chăm sóc, bón phân hay phun thuốc phòng trừ sâu bệnh”.

Ưu điểm lớn nhất của cây tre trinh so với các loại cây trồng khác là được tận thu, từ măng, thân đến lá. Mùa nào loại đó, đầu năm “bí” tiền mình tỉa cây bán, giữa năm tập trung thu măng, cuối năm thì bán lá. Đặc biệt, cây tre trinh ra măng đúng tháng giáp hạt. Nhờ bán măng, bà con trong bản có tiền đong gạo, mua thức ăn, nên không có hộ người Dao nào bị đói mùa giáp hạt.

Ngồi bên khóm tre trinh hơn hai chục tuổi, ông Chấn nhẩm tính: “Những năm trước, tính bình quân mỗi vụ nhà tôi thu hơn chục tấn măng củ, bán tươi được hơn 50 triệu đồng. Nhưng, năm nay tôi để lại sấy hết, vất vả tý, nhưng giá trị kinh tế tăng gấp đôi”. 

Nói rồi ông cười khà khà: “Vài hôm trước, mấy người ngoài xã “hò” tôi bán cây tre, với giá vài nghìn/cây. Nhưng tôi quyết không bán, để đó thu măng hiệu quả kinh tế cao hơn...”. 

Do hiệu quả kinh tế từ cây tre trinh cao, người dân đã đua nhau trồng loại cây bản địa giàu tiềm năng này. Đến nay, tất cả số hộ của thôn Bản Tát đều trồng tre trinh, nhà ít vài chục khóm, nhà nhiều trồng tới vài nghìn khóm với tổng diện tích trên 60 ha. Đây cũng là cây trồng thu nhập chính ở mảnh đất vùng cao này. 

Nhờ làm măng, người dân giảm nghèo và có cuộc sống khấm khá. Bình quân mỗi năm thôn Bản Tát có từ 3-5 hộ thoát nghèo. Hiện toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.

... đến xây dựng thương hiệu

Lên Bản Tát mùa này, nhà nào cũng tất bật. Người người đi đào măng, nhà nhà đỏ lửa. Những khoảng trống quanh nhà ngày thường là sân chơi của lũ trẻ giờ đã được tận dụng để phơi măng, xếp củi.

Tuyên Quang: Tre trinh là giống tre gì mà dân ở đây trước trồng cho mát, nay lại là cây làm giàu? - Ảnh 3.

Mẹ con bà Vũ Thị Sinh, thôn Bản Tát, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) làm măng khô.


Đầu bản, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hăng hắc của măng tươi hòa quyện với mùi nắng, mùi măng khô thơm phức, ngào ngạt từ những giàn măng phơi bên sân nhà của các hộ trong bản. Dưới cái nắng bỏng rát ngày hè tháng 7, nhưng căn bếp của mẹ con bà Vũ Thị Sinh đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. 

Chiếc nồi nhôm cỡ đại được xếp kín măng, bốc khói nghi ngút. Quanh bếp được xếp kín các giàn măng lớn, nhỏ. 3 lò sấy hoạt động cả ngày đêm. 

Mấy mẹ con bà Sinh đang tất bật lật giở từng củ măng trên giàn. Ngoài sân,  2 đứa trẻ tầm chục tuổi, cháu ngoại của bà Sinh cũng được huy động về phụ phơi măng trong những ngày hè.

Bà Sinh bảo, chẳng biết nghề sấy măng khô có từ bao giờ. Chỉ biết, từ hồi bà theo chồng về Bản Tát làm dâu đã làm nghề này. Tính đến nay, bà có ngót 40 năm làm măng khô. Hồi ấy, lấy măng tự nhiên trên rừng được ít lắm, rỗi việc mới phơi. Giờ tự trồng, măng nhiều, làm không hết việc.

Nhà bà Sinh có khoảng 5 ha tre trinh, ngoài khai thác của gia đình, bà Sinh mua thêm của bà con trong bản. Trung bình, mỗi vụ gia đình bà sấy trên 2 chục tấn măng tươi, xuất bán thị trường 2 tấn măng khô, với giá bán 140-160.000 đồng/kg, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Măng khô làm được đến đâu, dân buôn đến thu mua hết đến đó, hàng không đủ bán.

Chỉ tay về phía cô con gái đang tất bật rửa sạch những chiếc măng trắng phau, bà Sinh cười, nói: “Mang tiếng măng của mình, nhưng tôi thuê con gái đi đào, rồi bán lại cho mẹ. Cứ 350 nghìn/tạ măng tươi, mỗi buổi 2 vợ chồng nó lấy được hơn tạ, công còn cao hơn mẹ đấy cô ạ”.

Ngoài gia đình ông Chấn, bà Sinh, Bản Tát có hơn chục hộ xây dựng lò sấy măng khô. Nghề làm măng khô ở Bản Tát bắt đầu từ cuối tháng 5 Âm lịch và kéo dài chừng 4 tháng. Nhiều hộ gia đình sau mỗi vụ măng có thu lãi hơn trăm triệu đồng, như hộ gia đình bà Bàn Thị Tiên, Bàn Thị Xuân, ông Hoàng Văn Tịch, Hoàng Văn Hoàn...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Phú Hà Trọng Mong cho biết, cùng với Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng thì sản phẩm măng khô Bản Tát đã được xã lựa chọn xây dựng thương hiệu theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện bà con trồng măng vẫn để phát triển tự nhiên, chỉ thu măng chưa quan tâm nuôi dưỡng gốc. Để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững, phải thay đổi cách làm.

Hội Nông dân xã vừa thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp măng tre trinh tại thôn Bản Tát. Thành viên trong tổ là các hộ dân tham gia trồng, chế biến măng khô trong thôn, để bà con được giao lưu, học tập kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm măng khô.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân nhân rộng diện tích, xã khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào chăm sóc và chế biến măng khô.

Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con cần quan tâm chăm sóc gốc tre, bón phân, cắt tỉa cây già cỗi, nuôi dưỡng cây non, để vụ sau ra măng to, đẹp. Xã vận động bà con từng bước thay thế các lò sấy thủ công bằng củi, than bằng công nghệ sấy hiện đại. Có như vậy, thôn mới sản xuất được sản phẩm có chất lượng, có tính ổn định lâu dài, xây dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân.

Bàn Thanh (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem