“Vơ bèo gạt tép” nguồn tuyển
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập các môn học và trăn trở lựa chọn môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia (ngoài 3 môn bắt buộc) cũng như chọn trường đăng ký xét tuyển vào ĐH. Vậy nhưng, một số trường ĐH ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển 2 đợt, trong đó, đợt 1 xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT từ năm 2014 trở về trước. Đơn cử, ĐH Nguyễn Trãi sử dụng 2 phương thức, một là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và hai là dựa vào kết quả học bạ THPT. Với phương thức 2, trường xét tuyển căn cứ vào điểm tổng kết học kỳ 1, 2 của lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 đối với 3 môn đăng ký xét tuyển theo ngành đào tạo. Mức điểm trung bình tối thiểu để xét tuyển hệ ĐH là 6, hệ CĐ là 5,5. Nhà trường tuyển sinh đợt 1 từ ngày 1/1 đến hết 15/2, đợt 2 từ ngày 1/6 đến hết 30/9.
Nhiều trường đại học ngoài công lập đã thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
Cũng từ ngày 1/1 - 30/1, ĐH Đông Đô tuyển sinh ĐH chính quy đợt 1 đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm năm lớp 12 đạt loại khá trở lên (từ trước năm 2014) dựa trên kết quả học tập năm lớp 12. Theo đó, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn thuộc khối xét tuyển của học kỳ 1 và 2 năm lớp 12 đạt từ 36 điểm trở lên. Tương tự, ĐH Thành Đô xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT hoặc tương đương. Nhà trường chỉ tính điểm tổng kết của lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp 3 môn xét tuyển. Ngoài ra, còn một số trường ngoài công lập khác cũng thông báo xét tuyển 2 đợt, đợt 1 dựa vào kết quả học tập THPT những năm trước như ĐH Thành Đông, ĐH Phan Thiết…
Chất lượng sẽ đi xuống?
Không chỉ thí sinh, phụ huynh, mà nhiều chuyên gia giáo dục bất ngờ khi Bộ GD&ĐT cho phép một số trường được thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh riêng 2 đợt/năm. Dù Luật Giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ tuyển sinh (từ phương thức xét tuyển đến số đợt tuyển), song Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người ký ban hành quy chế tuyển sinh để các trường thực hiện theo. Quy chế chưa có, vậy mà các trường đã “vượt rào” thời gian thông báo xét tuyển đợt 1. Tháng 2 tới, khi quy chế được ban hành có sự thay đổi so với quy định cũ, các trường đã tuyển sinh từ 1/1 sẽ trở tay thế nào?
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cách làm của Bộ GD&ĐT thiếu tính hệ thống, và điều này đã diễn ra nhiều năm trong giải quyết các vấn đề. Nói một cách hình ảnh, Bộ đang xây nhà từ nóc xuống thay vì từ móng lên. Dẫu biết rằng, tuyển sinh 2 đợt là theo xu hướng của nhiều nước và phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ của Việt Nam. Thế nhưng, trước khi các trường thông báo xét tuyển, Bộ nên công khai thông tin cho dư luận xã hội được biết.
Một điều nữa khiến nhiều người băn khoăn là, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 kết thúc cách đây chừng hơn 2 tháng. Còn nhiều thí sinh có điểm trên ngưỡng quy định tối thiểu đầu vào của Bộ nhưng không muốn đăng ký vào các trường ĐH không có thương hiệu. Khi các trường thông báo đăng ký xét tuyển đợt 1 năm 2015, liệu có lường trước việc sẽ không có nhiều TS mặn mà? Bởi rất có thể, những thí sinh kia đã lựa chọn đường đi khác cho mình: Ôn thi để đăng ký vào trường mình thích; đi học nghề; đi làm… Vậy thì sự chuẩn bị về nhân vật lực cũng như trang thiết bị của các trường sẽ thành ra lãng phí. Có người còn cho rằng, với việc cho phép các trường được xét tuyển sinh đợt 1 từ nguồn thí sinh đã tốt nghiệp năm 2014 trở về trước, vô tình, Bộ khuyến khích “nhà nhà” đi học ĐH, trong khi hiện nay cả nước có trên 174.000 người tốt nghiệp từ CĐ trở lên không tìm được việc làm. Rõ ràng, Bộ vẫn đang bộc lộ sự lúng túng trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi chung quốc gia.
(Theo Thủy Trúc/ Kinh tế đô thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.