Tuyển sinh ĐH: Điểm chuẩn nhiều ngành cao kỷ lục, vì sao?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 16/09/2021 13:40 PM (GMT+7)
So với năm ngoái, mặt bằng điểm chuẩn năm nay ở các trường ĐH khu vực phía Nam tăng mạnh. Ở nhiều trường, có ngành tăng từ 3 - 4,5 điểm, trong khi đó mức tăng từ 2 - 3 điểm cũng không hiếm, kể cả với những ngành khoa học cơ bản…
Bình luận 0

Điểm chuẩn tăng mạnh, có ngành tăng tới 4,5 điểm

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, mức điểm chuẩn năm nay tăng khá mạnh từ 2-3 điểm so với năm ngoái và rất nhiều ngành lấy mức điểm trên 26.

Chẳng hạn, ngành Ngôn ngữ Anh năm ngoái lấy 24,75 điểm thì năm nay tăng lên 26,8 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh (chất lượng cao) năm ngoài lấy 23,25 điểm thì năm nay tăng lên 25,9 điểm; Ngôn ngữ Trung Quốc năm ngoái lấy 24,25 điểm thì năm nay lấy 26,1 điểm; Ngôn ngữ Nhật năm ngoái lấy 23,75 điểm thì năm nay tăng lên 25,9 điểm…

Điểm chuẩn trường top trên tăng mạnh - Ảnh 1.

Điểm chuẩn năm nay tăng mạnh ở nhiều trường top trên - Ảnh: Hutech

Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết, ngành có điểm chuẩn tăng cao nhất năm nay là nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng với mức tăng là 4,25 điểm.

"Nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng đã tăng vọt vài năm trở lại đây. Nếu năm 2019, nhóm ngành này có điểm chuẩn 16,1 thì đến năm 2020 có điểm chuẩn 20, năm nay điểm lại lên hơn 24 điểm. Đây là điều đáng mừng đối với ngành Khoa học cơ bản", ông Phùng Quán đánh giá.

Tương tự, so với năm 2020, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng tăng từ 1 - 4,5 điểm.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, những ngành có điểm cao năm ngoái thì năm nay chỉ tăng khoảng 1,5 điểm như: Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế… Riêng ngành Quản trị khách sạn tăng tới 4,5 điểm so với năm ngoái (từ 18 lên 22,5 điểm).

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mức điểm chuẩn năm nay cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, ngành luật kinh tế năm ngoái lấy 23,5 điểm thì năm nay tăng lên 26 điểm; ngành Marketing năm ngoái lấy 24,5 điểm thì năm nay cũng tăng lên 26 điểm. Nhiều ngành khác điểm chuẩn cũng tăng từ 1,5 - 2,5 so với năm ngoái như: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô…

Đặc biệt, ngành ngôn ngữ Anh năm nay có mức điểm chuẩn tăng tới 4 điểm so với năm 2020 từ 20,5 lên 24,5 điểm.

Điểm chuẩn Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) nhìn chung cũng cao hơn năm ngoái. Trong đó, ngành Hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến) tăng mạnh nhất tới 3,1 điểm, các ngành chất lượng cao cũng tăng từ 1 - 2 điểm so với năm ngoái.

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mức điểm chuẩn năm nay tăng cao so với năm ngoái là ngành Thương mại điện tử và ngành Bảo hiểm (tăng 3 điểm), riêng các ngành "nóng" của trường điểm chuẩn ở mức ổn định với mức tăng 0,1 - 0,2 điểm.

Mức điểm chuẩn tăng từ 1 - 2 điểm so với năm ngoái cũng diễn ra ở nhiều trường như ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Ngân hàng TP.HCM…

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, mức điểm chuẩn năm nay cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh với 26,46 điểm, tăng 2 điểm so với năm ngoái. Kế đó, ngành Quản trị Kinh doanh lấy 26,25 điểm, ngành Kinh doanh quốc tế 25,15, Luật Kinh tế 26.

Vì sao điểm chuẩn tăng?

Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân khiến điểm chuẩn năm nay tăng ở nhiều ngành là vì 2 lý do: Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT tăng và chỉ tiêu còn lại các trường dành cho phương thức này giảm so với năm 2020.

Điểm chuẩn trường top trên tăng mạnh - Ảnh 2.

Mức điểm chuẩn ở các trường ngoài công lập biến động nhẹ so với năm ngoái - Ảnh: Hutech

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho hay, mức điểm chuẩn năm nay tăng là điều dễ lý giải bởi điểm thi tốt nghiệp THPT đã cao sẵn. Về phổ điểm, phần lớn tổng điểm 3 môn xét tuyển nằm trong khoảng từ 20 đến 25 điểm. Do vậy, các ngành có mức 18-19 các năm trước thì nay tăng thêm 2-3 điểm không có gì bất ngờ.

Ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thì cho rằng, việc tăng điểm chuẩn này đã được dự báo trước. Nguyên nhân là vì  các trường ĐH dành chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít. Thay vào đó, các trường ĐH đã dành nhiều chỉ tiêu các phương thức khác như phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, phương thức xét học bạ…

Một nguyên nhân khác, theo GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT công bố, phổ điểm môn ngoại ngữ có xu hướng tăng. Do vậy, điểm chuẩn các ngành có xét điểm môn ngoại ngữ tăng theo.

"Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, tất cả tổ hợp môn xét tuyển vào các ngành chất lượng cao đều chứa môn ngoại ngữ. Các ngành chương trình đại trà cũng có ít nhất 1 tổ hợp chứa môn học này nên mức điểm chuẩn năm nay của trường có sự 'đột biến' so với năm ngoái", thầy Hà lý giải.

Mức điểm chuẩn cao hơn 5 điểm so với điểm sàn

Ở khối trường ngoài công lập, bất ngờ nhất là mức điểm tăng mạnh ở Trường ĐH Kinh tế Tài chính (UEF).

Cụ thể, trước đó trường công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ theo phương thức này với mức dao động từ 18 - 20 điểm. Tuy nhiên, căn cứ nguyện vọng đăng ký vào trường cũng như sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, trường công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn mức điểm nhận hồ sơ từ 1-4 điểm tùy ngành.

Trong đó, mức điểm trúng tuyển hai ngành Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng đến 5 điểm so với điểm sàn nhận hồ sơ.

ThS. Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh UEF cho biết: "Điểm chuẩn trúng tuyển của trường năm nay tăng cao do điểm thi của thí sinh đăng ký vào trường đạt kết quả tốt. Điểm chuẩn năm nay cũng không nằm ngoài dự đoán của các trường có dao động tăng. Với điểm chuẩn này, nhiều thí sinh mong muốn theo học tại trường, nếu chưa may mắn trúng tuyển bằng phương thức này có thể tham gia đợt cuối xét học bạ của trường".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem