Phải đưa ra tiêu chí phụ
Là một trong những trường hàng năm luôn có lượng hồ sơ xét tuyển “khủng” nhất cả nước, ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng dự phòng phương án phải đưa ra mức điểm nhận hồ sơ cao hơn các năm trước. Ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các năm trước, nhóm ngành kỹ thuật có mức điểm nhận hồ sơ là 22,5. Tuy nhiên năm nay, với mặt bằng điểm cao hơn, những ngành này điểm nhận hồ sơ có thể lên tới 23, thậm chí 24 điểm.
Ông Tớp phân tích, từ số liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy, thí sinh có mức điểm từ 26 điểm trở lên rất nhiều. Các mức điểm 26,5; 27 điểm cũng có hàng hàng thí sinh. Vì vậy, trường đã tính đến việc sử dụng tiêu chí phụ. Cụ thể: “Trường sẽ sử dụng tiêu chí là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên. Ngoài ra, thêm 1 tiêu chí khác theo quy chế là thí sinh cùng có 1 mức điểm nhưng em nào có nguyện vọng ở vị trí ưu tiên cao hơn sẽ trúng tuyển” – ông Tớp nói.
Dự kiến điểm chuẩn trường ĐH “top” trên sẽ tăng (ảnh chụp tại kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Hà Nội). Ảnh: T.L
Theo dự kiến, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào khoảng ngày 13 hoặc 14.7, trước thời điểm thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Tại trường ĐH Ngoại Thương, TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường này có thể tăng nhẹ so với năm 2016. Theo bà Hương, trường ĐH Ngoại Thương đã thực hiện phân tích phổ điểm năm 2017 do Bộ GDĐT công bố. Kết quả, ngưỡng điểm từ 8 trở lên có số lượng nhiều hơn các năm trước. Trong khi đó, mỗi mức điểm trong khoảng từ 8 điểm trở lên đều có số lượng tương đối lớn. Chính vì vậy, chỉ cần điều chỉnh 0,2 điểm thôi thì lượng thí sinh trúng tuyển đã tăng lên rất nhiều.
"Chính vì vậy, dự kiến điểm chuẩn năm 2017 có thể sẽ tăng nhưng không quá đột biến. Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường cũng nên dự phòng thêm một nguyện vọng khác để đảm bảo quyền lợi" - bà Hương nói.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho biết, để chắc ăn hơn cơ hội vào các ngành của trường, thí sinh cần cộng thêm từ 0,5 đến 1 điểm vào mức điểm chuẩn của năm 2016 trước khi quyết định đăng ký xét tuyển.
Ông Triệu cũng khuyên, để chắc chắn hơn nếu muốn vào ĐH Kinh tế quốc dân, các thí sinh có thể đặt thật nhiều nguyện vọng, thậm chí 25 mã ngành có thể là 25 nguyện vọng.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì thông tin, điểm chuẩn dự kiến của trường này có thể dao động từ 18 đến 24 điểm.
Khối trường An ninh, theo thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Thư ký hội đồng tuyển sinh Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an), hiện qua thống kê số hồ sơ sơ tuyển nộp về Học viện là trên 4.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu hệ sĩ quan năm nay chỉ 260. Như vậy tỉ lệ chọi là tương đối cao, tầm 1 chọi 24. Năm nay, điểm chuẩn dự kiến của khối trường này sẽ tương đương hoặc cao hơn năm trước. Được biết, điểm chuẩn của các trường khối An ninh cao nhất là 28,25 và thấp là 21,25 điểm.
Điểm sàn dự kiến bao nhiêu?
Sau khi biết điểm sàn, các trường ĐH, CĐ sẽ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Từ ngày 15.7 đến 17 giờ ngày 25.7 là thời gian chính thức để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Vì thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, nên Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khuyên các em suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định chọn ngành nào là nguyện vọng 1, bởi điều chỉnh xong rồi sẽ không được thay đổi lại.
|
Trong khi điểm chuẩn dự kiến tại các trường “top” là mối quan tâm của các thí sinh có điểm cao thì điểm sàn lại là “cứu cánh” cho những em có mức điểm vừa phải tìm kiếm cơ hội bước vào giảng đường ĐH.
Từ việc phân tích dự liệu phổ điểm các khối thi, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, nếu điểm sàn ĐH năm 2016 là trong khoảng trên dưới 15 điểm thì điểm sàn năm nay có thể giống như năm ngoái và nếu có tăng thì có thể nhích lên khoảng 15,5 điểm.
Nói về điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga phân tích: Trên cơ sở phân tích thống kê phổ điểm có thể thấy, khối A và B có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất. Trong khi mức điểm cao nhiều hơn thì mức điểm trung bình không có sự thay đổi nhiều so với những năm trước. Những khối thi khác có thay đổi nhưng không đáng kể. Bộ sẽ dựa vào phổ điểm và lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ ở các khối thi để đưa ra điểm sàn.
Tuy nhiên, ông Ga cũng cho biết, đây là năm cuối cùng Bộ đưa ra mức điểm sàn cho các trường ĐH, CĐ, từ năm 2018 Bộ sẽ giao việc xác định điểm sàn lại cho các trường ĐH, CĐ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.